Dân Việt

Quảng Ninh chốt thời hạn “khai tử” tàu du lịch vỏ gỗ

Thu Lê 14/11/2024 08:20 GMT+7
Thực tế, số lượng tàu du lịch bị đắm, chìm trong cơn bão Yagi vừa qua, chủ yếu là tàu du lịch vỏ gỗ, chạy tiếng, đã khai thác nhiều năm. Do vậy, việc chuyển đổi tàu du lịch là yêu cầu xuất phát từ thực tế.

Thời hạn "khai tử" tàu vỏ gỗ vào năm 2030

Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh cho biết, Kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đến năm 2030, đang được Sở Giao thông vận tải trình UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.

Theo kế hoạch này, từ nay đến năm 2025, trên vịnh Hạ Long sẽ duy trì 508 tàu du lịch đáp ứng 25.000 khách/ngày, thí điểm một số du thuyền khám phá, hoạt động tại các khu vực riêng hoặc tuyến riêng. Với vịnh Bái Tử Long, khuyến khích tàu du lịch vỏ thép đang hoạt động tại vịnh Hạ Long đăng ký, điều chuyển hoạt động sang vùng vịnh Bái Tử Long; đến năm 2025 dự kiến bổ sung 100 tàu du lịch. Phấn đấu đến năm 2030, đạt 100% số lượng tàu du lịch được đóng mới/thay thế bằng vỏ thép (hoặc vật liệu tương đương).

Cách Quảng Ninh “Khai tử” tàu du lịch vỏ gỗ để nâng chất lượng tàu du lịch - Ảnh 1.

Đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ hoàn thành việc thay thế tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép hoặc vật liệu tương đương. Ảnh: QMG.

Trước đó, năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành số 1409/UBND-GT2 để tạm dừng việc đóng mới tàu du lịch theo các Giấy chứng nhận đầu tư, cũng như tạm dừng việc đóng mới thay thế tàu vỏ gỗ hoạt động du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long kể từ ngày 18/3/2015.

Cũng từ thời điểm này, các tàu vỏ gỗ hết thời hạn hoạt động kinh doanh trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải thu hồi giấy phép hoạt động, không được phép đóng tàu vỏ thép, vỏ composite thay thế hoạt động kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Tuy nhiên, năm 2016, Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch 5 năm về nâng cao chất lượng quản lý đội tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đồng thời cho phép các chủ tàu tiếp tục đóng mới tàu vỏ thép để thay thế tàu vỏ gỗ du lịch tham quan vịnh.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Đắc Cung – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Hoàng Cung - Chủ sở hữu đội tàu Thành Công cho biết: "Thời hạn chuyển đổi hoàn toàn từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép hoặc các vật liệu tương đương mà sở GTVT Quảng Ninh đưa ra đã tính toán lộ trình phù hợp cho các chủ tàu. Bởi từ năm 2015, tỉnh Quảng Ninh đã dừng đóng mới tàu vỏ gỗ. Mà niên hạn của tàu vỏ gỗ theo nghị định Nghị định 111/2014/NĐ-CP là không quá 25 năm, nhưng theo quy định riêng của Quảng Ninh là 15 năm. Cũng theo lộ trình này, cả 5 tàu du lịch vỏ gỗ của công ty đã được đóng mới, thay thế bằng vật liệu mới"

Cụ thể, theo quyết định Quyết định số 3625/QĐ-UBND ngày 16/11/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh, tàu vỏ gỗ sẽ chỉ có niên hạn tối đa là 15 năm. Trong khi, theo chia sẻ từ ông Trần Văn Hồng - Chi hội tàu Du lịch Hạ Long, tàu vỏ gỗ được đóng mới nhất là từ năm 2013. Như vậy, theo quy định của Quảng Ninh, thì đến năm 2030 cũng đã hết niên hạn, còn theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP thì cũng còn một khoảng thời gian là 7-8 năm nữa. Tuy nhiên, số tàu đó cũng không nhiều, nên không ảnh hưởng nhiều đến việc chuyển đổi. Việc chuyển đổi cũng rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho du khách và nâng cao chất lượng dịch vụ

Cách Quảng Ninh “Khai tử” tàu du lịch vỏ gỗ để nâng chất lượng tàu du lịch - Ảnh 2.

Số lượng tàu du lịch bị đắm, chìm trong cơn bão Yagi vừa qua, chủ yếu là tàu du lịch vỏ gỗ, chạy tiếng, đã nhiều tuổi. Ảnh: Thu Lê

Thực tế, số lượng tàu du lịch bị đắm, chìm trong cơn bão Yagi vừa qua, chủ yếu là tàu du lịch vỏ gỗ, chạy tiếng, đã khai thác nhiều năm. Do vậy, việc chuyển đổi tàu du lịch là yêu cầu xuất phát từ thực tế.

Gia tăng về quy mô, công suất

Theo dự thảo kế hoạch trong việc đóng thay thế tàu du lịch cho thấy, quy mô, công suất buồng phòng các tàu đều khuyến khích tăng thêm so với tàu hiện có. Cụ thể, đối với tàu tham quan thì khuyến khích thay thế đạt tiêu chuẩn tàu nhà hàng; thay thế tàu đang hoạt động bằng 1 tàu có trọng tải đến 100 khách.

Thay thế từ 2 tàu đang hoạt động trở lên bằng 1 tàu có trọng tải tối đa bằng tổng trọng tải số lượng tàu đang hoạt động cộng thêm tối đa 100 khách. Đối với tàu lưu trú: Thay thế 1 tàu đang hoạt động bằng 1 tàu; số phòng tàu thay thế cộng thêm tối đa 10 phòng so với số phòng tàu đang hoạt động. Thay thế nhiều tàu đang hoạt động bằng 1 tàu thì số phòng của tàu thay thế không vượt quá tổng số phòng của các tàu đang hoạt động và cộng thêm 10 phòng/tàu được thay thế…

Cách Quảng Ninh “Khai tử” tàu du lịch vỏ gỗ để nâng chất lượng tàu du lịch - Ảnh 3.

Một tàu du lịch lưu trú ngủ đêm đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn cấp kỹ thuật VR-SB. Ảnh: ĐVCC

Chia sẻ về mục tiêu dự thảo Kế hoạch này, ông Hồng khẳng định: Chi hội chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc cho phép đóng mới, thay thế bằng những tàu có trọng tải từ 200 khách trở lên. Tuy nhiên, Chi hội cũng đề nghị là cần làm rõ số lượng tàu đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long theo đúng khuyến cáo của UNESCO là giảm số lượng đầu tàu. Khi chuyển đổi chất liệu thì đề nghị Sở Giao thông và vận tải hướng dẫn chủ doanh nghiệp về đầu tư phát triển cho rõ ràng, tránh việc đầu tư rồi mà không được hoạt động.

Các quy chuẩn về màu sơn trắng, thông số kỹ thuật thì đương nhiên là chủ tàu phải đáp ứng, chấp hành đầy đủ. Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang thì phải làm rõ là đổi bao nhiêu tàu tham quan để được con tàu 200 chỗ. Với tàu lưu trú khi chở khách tham quan thì việc quy định số khách được chở như thế nào. Cần làm rõ lĩnh vực kinh doanh của từng loại hình, tránh tạo ra sự xung đột về nguồn khách giữa các loại tàu du lịch…