Chúng tôi đến huyện Tu Mơ Rông vào những ngày đầu tháng 11. Trong tiết trời se lạnh, tiếng hát của những đứa trẻ trong lớp học dành cho trẻ 3 - 4 tuổi của Trường Mầm non xã Đăk Rơ Ông rộn ràng khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng.
Đằng sau những bài hát, tiếng nói cười rộn ràng của những đứa trẻ ấy là tình yêu, sự tận tụy của cô giáo mất đi bàn tay phải Nông Thị Huê, bỏ sau lưng những mặc cảm, nỗi buồn để mang đến niềm vui cho những đứa trẻ nơi đây.
Cô Huê tâm sự, cô sinh ra và lớn lên tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Vì cuộc sống ở quê thiếu thốn, khốn khó đã khiến cô Huê bôn ba khắp nơi và cuối cùng đã chọn tỉnh Kon Tum là nơi lập nghiệp.
Năm 2010, cô Huê lập gia đình và đến huyện Tu Mơ Rông làm giáo viên mầm non. Cô Huê nhớ lại: "Tôi nghĩ rằng, lấy chồng và có một công việc ổn định thì cuộc sống sẽ bình yên trôi qua. Nào ngờ, sau khi chung sống với nhau một thời gian, chồng có thói quen cờ bạc, rượu chè, hay đánh đập vợ con khiến cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn".
Đến năm 2017, sau nhiều năm nhẫn nhịn, cô Huê quyết định ly hôn chồng. Tuy nhiên, sau ly hôn, người chồng tiếp tục đến nơi ở của 3 mẹ con quậy phá. Vì vậy, cô quyết định gửi 2 đứa con đến nhà người thân tại tỉnh Đắk Nông để tập trung học tập, còn bản thân cô ở lại khu tập thể tại Trường Mầm non Đăk Rơ Ông để tiếp tục công tác giảng dạy.
Cô Huê nhớ như in đêm 2/10/2018, khi đang ngủ tại khu tập thể trường thì chồng cũ phá cửa rồi lao vào phòng với một quả mìn tự chế, ôm chặt lấy cô. Các cô giáo khác hoảng loạn bỏ chạy ra ngoài. Hậu quả cô Huê bị dập bàn tay phải, gãy chân trái, và nhiều vết thương ở vùng mặt.
Trong suốt thời gian điều trị, nhiều lần cô Huê muốn gục ngã nhưng nghĩ đến 2 đứa con, cô Huê có thêm động lực để cố gắng vượt qua nỗi đau, tiếp tục công việc của mình.
"Phải mất gần 1 năm trời tôi mới thích nghi với cuộc sống mới. Thời gian đầu cũng có chút mặc cảm, tự ti nhưng nhờ tham gia các nhóm khuyết tật trên mạng xã hội, được gặp gỡ nhiều người tốt nên nhận được sự đồng cảm, giúp đỡ rất nhiều. Do đó khi trở lại cảm việc tôi cảm thấy bản thân mình vẫn may mắn hơn nhiều mảnh đời bất hạnh khác và tự nhủ bản thân cần tiếp tục cống hiến để giúp đỡ nhiều người" – cô Huê tâm sự.
Trở lại làm việc, cô Huê có thêm một lý tưởng sống mới, cô muốn góp sức nhỏ của mình để giúp nhiều người khuyết tật, đồng cảnh ngộ với bản thân, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến dạy ở điểm trường nào, cô Huê cũng là "mắt xích" để kết nối những nhà hảo tâm, mạnh thường quân đến trường tổ chức các hoạt động thiện nguyện.
Cách kêu gọi của cô Huê khá đơn giản, thông qua tài khoản Facebook của mình, cô Huê đã đăng tải các bài viết, hình ảnh thực tế về trường học, đời sống sinh hoạt của các em học sinh. Từ đó đã chạm đến trái tim của nhiều người, kết nối với rất nhiều mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Nhiều nhóm tình nguyện đã đến tận điểm trường để tổ chức nấu ăn cho các em. Vào những ngày Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... có những nhóm thiện nguyện mang nhiều phần quà như bánh, kẹo, đồ dùng học tập… đến trao cho các em khiến các thầy cô trong trường ấm lòng.
Cùng với đó, trong công tác dạy học, cô Huê là cô giáo rất có trách nhiệm, lấy tình yêu để bù đắp cho các em. Dù bản thân có những khó khăn nhất định, nhưng cô Huê vẫn luôn biết cách khắc phục, vượt qua. Cô khéo léo dùng đôi chân cùng bàn tay phải để tạo nên những sản phẩm trang trí trong lớp với những hình ảnh ngộ nghĩnh, hay tạo ra những chiếc đồ chơi, dụng cụ học tập nhiều màu sắc thu hút các em học sinh đến lớp, lấy khuyết điểm của bàn tay bị mất để tạo điểm nhấn, hay tạo hình khi kể chuyện hoặc biểu diễn văn nghệ cho các em học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thìn - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đăk Rơ Ông nhận xét, cô Huê là giáo viên rất nhiệt tình, nghị lực trong công việc lẫn cuộc sống. Cô luôn quan tâm tới từng em học sinh, lấy tình yêu, tâm huyết của nghề giáo để bù đắp sự thiếu thốn cho các em học sinh DTTS nơi đây. Chính vì thế, khi đi đến điểm trường nào, cô Huê đều được học sinh, phụ huynh ở đó yêu mến.
Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, cô Huê cũng thường xuyên kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ cho những học sinh khó khăn, giúp đời sống của các em được cải thiện hơn rất nhiều.