Dân Việt

Cần luật hóa dinh dưỡng học đường để tạo bứt phá về chiều cao cho người Việt

Ngọc Châu 15/11/2024 19:22 GMT+7
Theo các chuyên gia, khoảng 86% chiều cao tối đa khi trưởng thành được quyết định trong giai đoạn dưới 12 tuổi. Do đó, Việt Nam cần thiết phải có Luật dinh dưỡng học đường để thúc đẩy, nâng cao tầm vóc Việt một cách hiệu quả, bền vững.

"Thời gian vàng" quyết định tầm vóc

Tăng cường chiều cao không chỉ là mối quan tâm của mỗi gia đình mà là của toàn xã hội trong bối cảnh "tầm vóc" của người Việt chưa được cải thiện như mong đợi. Hiện chiều cao trung bình của nam giới Việt là 168,1 cm và nữ giới khoảng 156,2 cm.

So với giai đoạn 10 năm trước, chiều cao trung bình của nam tăng 3,7 cm và nữ tăng 1,4 cm. Dù vậy, con số này chưa góp phần kéo giảm được mức chênh lệch giữa Việt Nam và thế giới.

Chiều cao trung bình trên thế giới lần lượt là 176,1 cm đối với nam và 163,1 cm đối với nữ. Nói cách khác, Việt Nam đang đứng ở vị trí gần cuối (153/201 quốc gia, vùng lãnh thổ) trong bảng xếp hạng chiều cao của thế giới.

Cần luật hóa dinh dưỡng học đường để tạo bứt phá về chiều cao cho người Việt- Ảnh 1.

Trẻ dành rất nhiều thời gian tại trường, vì vậy dinh dưỡng học đường là hết sức quan trọng.

Đáng lưu ý, theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Trần Thanh Dương, khoảng 86% chiều cao tối đa khi trưởng thành được quyết định trong giai đoạn dưới 12 tuổi. Đây chính là "thời gian vàng" quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của mỗi con người. Do đó, vai trò của dinh dưỡng học đường là không thể bàn cãi.

"Mô hình điểm bữa ăn học đường" là một minh chứng cụ thể về việc bảo đảm dinh dưỡng kết hợp tăng cường hoạt động thể lực giúp cải thiện chiều cao, cân nặng của trẻ một cách hiệu quả, rõ rệt. PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho hay, mô hình này do Bộ chủ trì triển khai tại 10 tỉnh thành trên cả nước (Sơn La, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, TP HCM, An Giang), đại diện cho 5 vùng sinh thái của Việt Nam.

Cần luật hóa dinh dưỡng học đường để tạo bứt phá về chiều cao cho người Việt- Ảnh 2.

Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường các hoạt động thể chất sẽ cải thiện chiều cao cho trẻ.

Can thiệp chính của mô hình là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng, sử dụng sữa tươi để cải thiện khẩu phần canxi, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất qua 130 bài tập vận động và 60 trò chơi được biên soạn, phù hợp với từng lứa tuổi, giúp học sinh tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực. Sau can thiệp, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi đã giảm, chiều cao và cân nặng của của trẻ mầm non và tiểu học đều tăng.

Quan tâm tới dinh dưỡng học đường cũng là "chìa khóa" để Nhật Bản cải thiện chiều cao "ngoạn mục" trong 50 năm qua. Theo GS. Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản, năm 1954, quốc gia này đã ban hành Luật Bữa trưa học đường. Năm 2005, chính phủ Nhật Bản đã ban hành "Luật cơ bản về giáo dục thực phẩm và dinh dưỡng".

Nhờ những chính sách ra đời từ sớm, linh hoạt theo từng thời kỳ, chiều cao trung bình của nam và nữ giới của Nhật Bản hiện là 1m72 và 1m58. Đây cũng là chiều cao trung bình đứng hàng đầu thế giới.

Cần luật hóa dinh dưỡng học đường để tạo bứt phá về chiều cao cho người Việt- Ảnh 3.

Từ năm 1954, Nhật Bản đã ban hành Luật Bữa trưa học đường.

Luật hóa dinh dưỡng học đường để tạo bứt phá

Liên quan tới chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, theo PGS.TS Trần Thanh Dương, Việt Nam đã có một số chính sách, chương trình dự án để thực hiện các mục tiêu nâng tầm thể lực, trí lực của người Việt. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu không có hành lang pháp lý đủ mạnh, thời gian để cải thiện vấn đề này sẽ kéo dài, hiệu quả không rõ rệt.

Tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II, do Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam và Hội Dinh dưỡng Nhật Bản tổ chức giữa tháng 10 vừa qua, PGS.TS Trần Thanh Dương đề xuất cần sớm có Luật Dinh dưỡng để tạo ra sự bứt phá về chính sách; từ đó huy động được các cá nhân, tổ chức, đơn vị cùng tham gia đồng hành và triển khai nhiều hoạt động cải thiện dinh dưỡng cho cộng đồng người Việt.

Trong Luật dinh dưỡng, ông nhấn mạnh tới tầm quan trọng của "Dinh dưỡng học đường". Không chỉ có những tiêu chí, quy chuẩn trong các bữa ăn học đường, sự ra đời của luật sẽ tăng cường trách nhiệm kiểm soát bữa ăn bán trú, các cửa hàng, quầy hàng rong xung quanh cổng trường...

Cần luật hóa dinh dưỡng học đường để tạo bứt phá về chiều cao cho người Việt- Ảnh 4.

PGS.TS Trần Thanh Dương – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề chỉ ra, vấn đề dinh dưỡng học đường đã được quan tâm nhưng chưa có các luật định, quy định cụ thể như một số quốc gia phát triển trên thế giới.

Do đó, việc tổ chức, quản lý và giám sát bữa ăn học đường cũng như công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường còn nhiều hạn chế. Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất kiến nghị sớm "luật hóa" dinh dưỡng học đường làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và cơ sở giáo dục chuẩn bị và tuân theo.

Một trong những doanh nhân bền bỉ trên hành trình của một nhà sản xuất thực phẩm tử tế, Anh hùng Lao động Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH luôn trăn trở về vấn đề nâng cao thể lực và trí lực của người Việt Nam. Lấy câu chuyện của bản thân khi bà chỉ cao 1m50 nhưng con trai cao tới 1m83, bà Thái Hương chia sẻ, cần thay đổi nhận thức "người Việt thấp lùn do gen", thay vào đó, chiến lược chăm sóc của gia đình và cộng đồng vô cùng quan trọng.

Bà Thái Hương nêu quan điểm, Việt Nam cần một hành lang pháp lý, cụ thể là Luật Dinh dưỡng học đường - như kinh nghiệm mà Nhật Bản đã áp dụng thành công. Luật này sẽ bao gồm các vấn đề: dinh dưỡng trường học, bữa ăn học đường, vệ sinh trường học, hoạt động thể chất.

Trong bữa ăn học đường, các chuyên gia đều đề cao vai trò của sữa tươi. Mỗi ly sữa tươi giúp cung cấp các vi chất cần thiết cho lứa tuổi học đường, ở mọi vùng miền, từ đồng bằng, miền núi, miền biển, thành phố, đến nông thôn.

"Tôi cho rằng, để trẻ em được chăm sóc đầy đủ, cần có những quy định về luật pháp đủ rộng và bao trùm. Hiện chúng ta đã đủ điều kiện, cơ sở thực tiễn để ra đời Luật Dinh dưỡng học đường", bà nhấn mạnh.

Khi có Luật Dinh dưỡng học đường, theo Nhà sáng lập Tập đoàn TH: "Không chỉ mình tôi hay các doanh nghiệp như TH mà các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng sẽ phải thực hiện sứ mệnh của mình, cùng gánh vác trọng trách của đất nước về dinh dưỡng học đường".

Bà tin tưởng, tầng lớp doanh nhân của đất nước có đủ nội lực, tâm, tầm và bản lĩnh để đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói, ngoài vươn mình trong kinh tế, văn minh, thì phải vươn mình về tầm vóc, thể lực, chiều cao.

Chất lượng bữa ăn bán trú ở nhiều trường vẫn gây lo ngại

Mặc dù mới vào năm học mới chưa đầy 2 tháng, cơ quan chức năng đã liên tiếp ghi nhận các khiếu nại của cha mẹ về chất lượng bữa ăn học đường, đồng thời đã xảy ra ngộ độc thực phẩm tại trường học các tỉnh thành TP.HCM, Hà Giang, Gia Lai, Kiên Giang...

Theo các chuyên gia, hiện thời gian học và sinh hoạt của học sinh mầm non, tiểu học, một số tỉnh thành có cả THCS và THPT tại trường rất dài, có khi cả ngày, trẻ ăn bữa sáng, trưa, xế tại trường, chỉ dùng bữa tối tại nhà. Nếu bữa ăn học đường không đảm bảo dinh dưỡng, nguy cơ ảnh hưởng đến thể lực và chiều cao của trẻ, rất cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn bữa ăn học đường.