Dân Việt

Những giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong kỷ nguyên vươn mình

PV (lược ghi) 16/11/2024 10:41 GMT+7
Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải tiếp tục được đẩy mạnh, với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp, biện chứng, toàn diện, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Trong tham luận tại Hội thảo Khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn" (tổ chức ngày 15/11), Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng đã đề cập tới yêu cầu, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong kỷ nguyên vươn mình.

Trong tham luận, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã khái quát lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, những kết quả nổi bật.

Những giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 1.

Tổng Bi thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ trì phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 30/10/2024. Ảnh Báo Nhân dân

Trên cơ sở đó, ông khẳng định trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải tiếp tục được đẩy mạnh, với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp, biện chứng, toàn diện, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phải quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là: Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được tiến hành đến tận cơ sở, chi bộ, dưới sự giám sát của nhân dân; phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng lên trên hết; phải đi đôi với khuyến khích và bảo vệ đổi mới, sáng tạo; phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Để công tác trên đạt hiệu quả, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã đề xuất cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện và kiên quyết thực hiện đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả thể chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trước hết là khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá toàn diện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống lãng phí. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế về phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; thể chế về kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong thi hành công vụ ; trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ, khuyến khích người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.

Những giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, vừa bịt kín "khoảng trống", "kẽ hở" để không thể lợi dụng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Hai là, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gắn với tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân có sai phạm, các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, theo đúng phương châm "phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực" và "có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể".

Những giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 3.

Các lãnh đạo tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh Báo Nhân dân

Quá trình xử lý phải tiến hành đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật đảng nghiêm hơn xử lý theo pháp luật. Không chỉ xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mà còn xử lý nghiêm cả những người dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để xuyên tạc, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước.

Đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở theo phương châm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải từ cơ sở, từ chi bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Việc xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải nghiêm minh, nhân văn, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tế, lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; phải tiến hành đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế,hình sự; trong đó, "hình sự là biện pháp cuối cùng". Khắc phục khó khăn, vướng mắc trong cơ chế xử lý vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần khơi thông các nguồn lực, đưa các tài sản vào lưu thông, tránh thất thoát, lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ba là, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trở thành việc làm "tự giác", "tự nguyện", "như cơm ăn, nước uống, áo mặc hằng ngày". Tăng cường giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ; khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân…

Bốn là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong sạch, vững mạnh, theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả". Tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực"…

Các cơ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải quán triệt và thực hiện hiệu quả phương châm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là phải "chắc - sắc - đắc". Đó là luật pháp chắc, nghiệp vụ sắc, đắc nhân tâm và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng vai, thuộc bài. Tuyệt đối không được lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để cản trở sự phát triển hoặc trục lợi.

Năm là, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định của pháp luật. Kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí khu vực ngoài nhà nước, nhất là những vụ việc có sự cấu kết giữa doanh nghiệp với cán bộ nhà nước thoái hóa, biến chất, không để hình thành "nhóm lợi ích" chiếm đoạt tài sản nhà nước, chi phối, lũng đoạn quyền lực, làm ảnh hưởng đến môi trường phát triển kinh tế - xã hội và sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước; qua đó, "tạo không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính".

Sáu là, phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; giám sát, phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường các phiên chất vấn, giải trình về việc phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh tới việc phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, hành vi phi đạo đức; cổ vũ, biểu dương các gương sáng về đạo đức, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời, phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu hoạt động của thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để bôi nhọ, phá hoại Đảng, Nhà nước và chế độ ta.