21h50, chương trình kết thúc bằng ca khúc "Máu đỏ da vàng" do ca sĩ trẻ Phương Mỹ Chi thể hiện ở đầu cầu Cà Mau; liên khúc "Giai điệu Tổ quốc – Một vòng Việt Nam" do Võ Hạ Trâm, Hồ Trung Dũng ở điểm cầu Cà Mau, Phạm Anh Duy, Oplus biểu diễn ở điểm càu Hải Phòng và tất cả ca sĩ ở điểm cầu Thanh Hóa.
21h50, phóng sự tổng hợp "Đoàn kết- Sức mạnh xây dựng một Việt Nam vươn mình". Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta. Trong bối cảnh ngày nay, tinh thần đoàn kết từ sự kiện Tập kết ra Bắc trở thành bài học lớn để Việt Nam vươn mình.
Có thể thấy, suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, đoàn kết luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động để giành được thắng lợi vẻ vang. Càng trong khó khăn, gian khổ, sức mạnh đoàn kết càng phát huy giá trị.
Ở những thời điểm khó khăn của đất nước, dân tộc, tinh thần đoàn kết một nhà lại hiển hiện rõ rệt: Thời điểm dịch bệnh, đất nước cùng đồng lòng, sẻ chia. Nhân dân miền Bắc một lòng hướng về miền Nam.
Bão lũ thiên tai và đặc biệt ở Cơn bão số 3 hay bão lũ ở miền Trung vừa qua, nhân dân hướng về người anh em ruột thịt....
Từ sự đoàn kết đã xây dựng vị thế và tiềm lực của Việt Nam, điều đó đã được minh chứng qua các số liệu về kinh tế, văn hóa, ngoại giao...
21h35, MC Hoài Anh trò chuyện cùng những người con trưởng thành từ Trường Học sinh miền Nam tại biểu tượng "Vườn ươm hạt giống đỏ" ở Hải Phòng. Nhân vật tham gia trò chuyện là đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch TW MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM; Bà Diệp Ngọc Sương - Nguyên Tổng thư ký Hội Hoá học TP.HCM - học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Sau khi tập kết, bà được cử đi học tại Liên Xô và trở về miền Nam. Bà là người thành lập một trong những doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của TP.HCM.
Sau đó, liên khúc "Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ - Áo mới Cà Mau – Hò Sông Mã – Bến cảng quê hương tôi" kết nối 3 điểm cầu Hải Phòng, Thanh Hóa, Cà Mau. Tiết mục do ca sĩ Phạm Thu Hà và hợp xướng cùng tốp nghệ sĩ của của tỉnh Thanh Hóa và Cà Mau thể hiện.
21h20, phát phóng sự về ông Huỳnh Văn Muôn, quê ở Bạc Liêu, tập kết ra Bắc năm 1954. 18 năm sinh sống trên đất Bắc, chàng sinh viên Y Dược khi đó quyết tâm lên đường để trở về miền Nam chiến đấu.
Ông Huỳnh Văn Muôn qua đời năm 2022, gia đình lúc ấy tìm được kỷ vật của ông thời đi B. Từ ấy khắc sâu nỗi ước nguyện của gia đình tìm lại kỷ vật của chồng, cha mình còn lại trên đất Bắc. Tìm lại kỷ vật của ông Huỳnh Văn Muôn tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III, trong đó có những bức thư viết tay đặc biệt.
Những giọt nước mắt nghẹn ngào của chị Huỳnh Phong Lan – con gái ông Huỳnh Văn Muôn khi nhận lại hồ sơ kỷ vật của cha mình từ bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III trao lại đã khiến bao người xúc động.
21h15, phát phóng sự về những hạt giống đỏ vươn mình phụng sự Tổ quốc. Theo đó, từ "vườn ươm" đặc biệt của Bác Hồ, trong những ngày chiến tranh ác liệt ở miền Nam, nhiều thanh niên miền Nam xung phong ra chiến trường trực tiếp tham gia chiến đấu. Một thế hệ học sinh miền Nam xếp bút nghiên, gửi lại những hồ sơ, kỷ vật của bản thân gia đình để xung phong đi B.
Câu chuyện liệt sĩ, nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) qua lời kể của người chị gái Ca Lê Hồng. Trong tập hồ sơ đi B của Ca Lê Hiến có viết "Nguyện vọng và cũng là quyết tâm của tôi là được về Nam Bộ tham gia kháng chiến cùng bà con quê hương trong ấy".
Năm 1964, Ca Lê Hiến nhận quyết định đi B. Tại chiến trường miền Nam, ông lấy bút danh là Lê Anh Xuân. Năm 1968, Lê Anh Xuân hy sinh tại Long An trong một trận càn quét của địch. Bài thơ cuối cùng Lê Anh Xuân để lại là bài "Dáng đứng Việt Nam"- bài thơ đã tạc vào thế kỷ hình ảnh của những con người Việt Nam thành đồng - bất khuất.
Tại điểm cầu Cà Mau, ca sĩ Đức Tuấn đã thể hiện lại bài hát "Dáng đứng Việt Nam" mà nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ đã phổ nhạc từ bài thơ cuối cùng của nhà thơ Lê Anh Xuân.
Ở điểm cầu Thanh Hóa cũng tái hiện hình ảnh những người lính trẻ thắp nên tạo thành dáng đứng Việt Nam.
21h5, phóng sự kể câu chuyện 20 năm gắn bó với học sinh miền Nam của thầy giáo Lê Ngọc Lập. Theo đó, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm, thầy giáo Lê Ngọc Lập được lựa chọn trở thành giáo viên của các trường học sinh miền Nam. Thầy được phân công về Hà Đông, sau đó được phân công về Trường Học sinh miền Nam số 20 ở Hải Phòng. Và thầy gắn bó với các em học sinh suốt từ năm 1956 đến năm 1976.
20 năm gắn bó, với học sinh miền Nam, đến tận bây giờ, thầy vẫn giữ nguyên từng kỷ vật về những năm tháng tập kết: cuốn sổ ghi đầu bài đầy đủ tên học sinh, những bài kiểm tra, những lá thư tay của các em học sinh. Những câu chuyện cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt chung tại trường với các em học sinh.
Từ năm 1954 – 1975, có hơn 32.000 học sinh đã học tập trong hệ thống hàng chục trường miền Nam nội trú trên nhiều tỉnh, thành miền Bắc.
28 trường ở các khu vực như: Hà Tây, Hà Đông, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, hà Nam....Ngoài ra còn có các trại nhi đồng, khu học xa ở Quế Lâm, Nam Ninh (Trung Quốc).
Những mái trường đã trở thành mái nhà của học sinh miền nam, nơi những người thầy vừa là bạn, vừa là cha, là mẹ.
21h, những câu thơ trong tác phẩm "Nhớ con sông quê hương" của nhà thơ Tế Hanh:
"Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng "miền Nam"
Tôi nhớ không nguôi ánh sáng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết...
Quê hương ơi! lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không gành thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương"
Những câu thơ khi cất lên đưa khán giả trở lại với những ngày tháng lịch sử của dân tộc, khi tất cả học sinh miền Nam trên đất Bắc đồng loạt mặc áo trắng, để khăn tang vì nghe tin miền Nam chìm trong đau thương và các cuộc thảm sát. Tiếp sau đó là những giai điệu da diết của ca khúc "Câu hò bên bến Hiền Lương" với phần thể hiện của NSND Phạm Phương Thảo ở điểm cầu Thanh Hóa và tiết mục "Bài ca hy vọng" do ca sĩ Phạm Anh Duy và dàn nhạc giao hưởng trình diễn ở điểm cầu Hải Phòng.
20h55 tại điểm cầu Hải Phòng phát phóng sự về câu chuyện của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Trong phóng sự, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể, thời điểm đó mẹ ông dắt theo anh trai, bụng "chửa vượt mặt" đi trên tàu ra Bắc. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sinh vào tháng 3/1955. Người đỡ đẻ cho mẹ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là vợ của nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Duy Cương. Đến năm 1975, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân quay trở lại TP.HCM cùng rất nhiều anh em được sinh ra trên đất Bắc như nhà báo Hoài Hương, Thế Thanh.
Ngày 21/7/1956, 2 năm sau Hiệp định Geneve là ngày khó quên trong tâm trí của những đứa trẻ miền Nam trên đất Bắc. Họ không thể trở về quê hương, vì đất nước chưa thể thống nhất. Lời kể của TS Mai Liêm Trực khiến ai cũng rưng rức vì nỗi nhớ cuộn trào.
20h50, tại điểm cầu Thanh Hóa phát phóng sự về câu chuyện tình yêu của nhạc sĩ Hoàng Việt. Sau khi tập kết ra Bắc, nhạc sĩ nhận bức thư từ người vợ phương xa. Bức thư ấy đã phải đi vòng qua Pháp, rồi trở về Việt Nam mới đến được tay người nhạc sĩ. Từ câu chuyện này, nhạc sĩ Hoàng Việt đã sáng tác ca khúc nổi tiếng "Tình ca".
Tại điểm cầu Hải Phòng, nhóm Oplus + Dàn nhạc giao hưởng đã thể hiện ca khúc "Tình ca" của nhạc sĩ Hoàng Việt.
20h40 tại điểm cầu Thanh Hóa:
Phát phóng sự kể về ngày 25/9/1954, chuyến tàu chờ cản bộ và học sinh miền nam đầu tiên cập càng Lạch Hới, Sầm Sơn, Thanh Hoá. Đồng bào chèo xuồng, lắp giàn phao nổi, cờ hoa vẫy chào sôi nổi để đón người con miền Nam.
Ông Trần Trí Trác, nguyên cán bộ phụ trách thanh niên xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn kể về sự hồ hởi của bà con nhân dân Thanh Hoá. Ông xúc động cho biết, người dân xã Quảng Tiến vô cùng tự hào và xúc động, hàng nghìn ngày công lao động của quân và dân đã xây dựng cơ sở để đón tiếp. Quân và dân đã thành lập 12 trạm, xây dựng trên 1.000 nếp nhà, trạm xá... để đón tiếp đồng bào miền Nam.
Đội "Cánh chim Hoà bình -1954" là những em thiếu niên nhi đồng khi xưa của Tỉnh Thanh Hoá được cử ra để đón tiếp, 70 năm trôi qua, ký ức về những ngày 2 miền hội tụ chưa bao giờ nguôi trong tâm trí của những đội viên nay đã ở tuổi ngoài 80.
Hoạt cảnh các em học sinh tập kết không đi cùng ba mẹ, được những bà mẹ Thanh Hoá nhận nuôi. Xa nhà nhưng vẫn được yêu thương bởi những bà mẹ miền Bắc. Màn trình diễn liên khúc Vọng cổ - "Xa khơi" do Hồng Duyên, Minh Ngọc và nhóm múa đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả có mặt tại 3 điểm cầu.
20h30, phóng sự xúc động kể về những câu chuyện của học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Theo đó, từ quyết sách mang tính lịch sử của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 7 vạn đồng bào, chiến sỹ miền Nam đã được các tỉnh thành bố trí, đưa đón và sắp xếp cho cuộc chuyển quân lịch sử. Sự kiện tập kết ra Bắc không chỉ là một yêu cầu từ hiệp định Genève mà còn mang ý nghĩa chiến lược, là sự chuẩn bị cho những nhiệm vụ cách mạng tiếp theo. Tinh thần của thời kỳ này được thể hiện sâu sắc qua khẩu hiệu "đi là thắng lợi, ở là quang vinh".
Sau 70 năm, nhiều nhân chứng có mặt trong sự kiện đặc biệt ấy giờ đã trở thành các ông, các bà, cô bác… Họ chính là những nhân chứng của cuộc dịch chuyển lực lượng lịch sử - cuộc Tập kết vĩ đại đang có mặt trong chương trình.
"Thời gian có thể phai mờ đi những dấu vết trên bức ảnh, nhưng hồi ức của họ về những ngày này 70 năm về trước chắc chắn vẫn còn vẹn nguyên. Chính tại Tượng đài Chuyến tàu Tập kết ra Bắc, tỉnh Cà Mau, đã có những con người sẵn sàng lên đường, gác lại những nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha để háo hức đến gần với Đảng, với Bác Hồ, đến với những người đồng bào miền Bắc ruột thịt thân yêu. Những hình ảnh tư liệu lịch sử về thời khắc ấy đã được gửi tới khán giả truyền hình trên khắp cả nước" – nữ MC đầu cầu Cà Mau dẫn.
Trong đó, có câu chuyện của của gia đình ông Nguyễn Thanh Bảy và bà Nguyễn Thị Thu Hường – những người em vợ của đồng chí Phan Trọng Tuệ. Theo đó, sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, chị cả là Nguyễn Thị Thanh Xuân - người vợ của tướng Phan Trọng Tuệ đã tham gia kháng chiến. Các em noi gương chị và đi theo cách mạng. Là con út trong gia đình, 4 anh chị em đã đi tập kết, lẽ ra ông Nguyễn Thanh Bảy được ở lại quê nhà và gần ba má, nhưng gác lại nỗi nhớ nhà, xa quê, ông vẫn hăng hái chọn đi tập kết ra Bắc.
Chị gái ông Bảy là Nguyễn Thị Thu Hường, lúc ấy vừa sinh người con thứ 2 cũng xung phong ra Bắc. Ngày ấy, bà một tay ôm hai con nhỏ, một bé 4 tuổi và một bé sơ sinh lên tàu Hoà Bình ra Bắc. Trong tiếng hô vang, biểu ngữ giơ cao của đồng bào, tiếng nhạc quân hành rộn ràng, những người miền nam thành đồng vinh dự khi được ra Bắc để gần Chính Phủ, gần Trung ương và gần Bác Hồ.
20h16:
Bến Sông Đốc - Cà Mau, nơi địa đầu Tổ quốc cũng là điểm cầu chính trong chương trình cầu truyền hình kỉ niệm 70 năm sự kiện "Tập kết ra Bắc – Tình sâu nghĩa nặng". Cách đây 70 năm, nơi đây đã diễn ra 200 ngày tập kết để đưa cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam ra Bắc sinh sống và học tập. Bến Sông Đốc giờ đây đã trở thành di tích lịch sử, ghi dấu một trang sử vàng trong quá trình xây dựng miền Bắc, đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại điểm cầu Cà Mau, chương trình có sự tham dự của đồng chí Tô Lâm - Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Lê Hồng Anh - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Đỗ Văn Chiến - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Tiến Hải - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Cà Mau, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau và các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng...
Điểm cầu Hải Phòng là Nhà hát Thành phố Hải Phòng, nơi lưu dấu những kỷ niệm không thể nhạt phai trong ký ức các thế hệ học sinh miền Nam từng học tập và sinh sống. Đến năm 1955, trên toàn miền Bắc có khoảng 32.000 học sinh, riêng Hải Phòng đón 15.000 học sinh học tập tại gần 20 ngôi trường.
Thành phố cảng thật sự là nơi "ân nặng tình sâu" một thời đùm bọc, sẻ chia, trở thành quê hương yêu dấu thứ hai của những người con miền Nam. Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, biết bao thế hệ cán bộ, lãnh đạo đã trưởng thành và cống hiến, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, phồn vinh và hạnh phúc.
Tại điểm cầu này có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng.
Ngày 25/9/1954, tàu Arkhangelsk thực hiện chuyến chuyển quân tập kết đầu tiên chở đồng bào, chiến sĩ miền Nam rẽ sóng tiến vào cửa Lạch Hới trong niềm hân hoan chào đón của nhân dân Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa. Từ tháng 10 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955, đồng bào Thanh Hoá đã 7 lần đón hơn 56.000 thương, bệnh binh, cán bộ, học sinh và các gia đình tập kết tại tỉnh.
Điểm cầu Thanh Hóa được thực hiện tại Cảng Lạch Hới. Tham dự tại điểm cầu này có đồng chí Lê Hoài Trung – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; đồng chí Nguyễn Doãn Anh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tình uỷ Thanh Hoá; cùng lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương ... Đặc biệt, ở cả ba điểm cầu, chương trình còn có sự góp mặt của các nhân chứng của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc và đông đảo bà con nhân dân tỉnh Cà Mau, Thanh Hoá và thành phố Hải Phòng.
8h10, mở đầu chương trình là đại cảnh nghệ thuật "Ta đi tới" với những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu:
"Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!" – trích "Ta đi tới".
Phía điểm cầu Cà Mau là những tấm áo dài tay mẹ vội may, những chiếc ba lô với hành trang đơn sơ... Những phút giây bịn rịn, tạm biệt chia xa. Họ giơ 2 ngón tay để chào tạm biệt nhau và cũng để hẹn nhau 2 năm nữa, đất nước sẽ thống nhất, gia đình sẽ đoàn tụ.
Những nắm đất miền Nam được gửi trao cho người con miền Nam đem ra miền Bắc để vơi nỗi nhớ quê.
"Tiễn con ra tận bến tàu
Đưa con một gói đất nâu
Vịn vai mẹ dặn:
Con về Thủ đô
Đem dâng Cụ Hồ
Gói đất miền Nam
Thưa dù núi cách, sông ngăn
Đồng bào Nam Bộ vẫn gần bên Cha
Tình yêu thắm thiết đậm đà
Nam là của Bắc, Bắc là của Nam" - Trích "Gói đất miền Nam" của tác giả Xuân Miễn.
Điểm cầu Thanh Hoá: Từ tiếng còi tàu vang xa, những cái vẫy tay rộn ràng, hồ hởi, đón đồng bào miền Nam đến với mảnh đất miền Bắc. Những bàn tay nắm lấy bàn tay, đón nhau trong tình yêu thương vô bờ.
Lời Bác Hồ vọng vang: "Gửi bộ đội, cán bộ, đồng bào miền Nam ra Bắc. Hôm nay các cụ, các cô, các chú và các cháu đã ra đến nơi, tôi thân ái gửi lời hoan nghênh tất cả mọi người.
Để thi hành hiệp định đình chiến, đồng bào đã tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà" - Trích thư "Bác Hồ viết gửi đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc" ngày 21/9/1954.
Nhân dân san lấp đường, dựng cột kèo, làm lán trại, đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào. Kết thúc là những khẩu hiệu vẫy chào của bà con Thanh Hoá.
Điểm cầu Hải Phòng xuất hiện với hình ảnh Trường Học sinh miền Nam – hình ảnh gợi nhắc bao ký ức thân thương về một thời đẹp đẽ và đáng nhớ trong lòng những người con miền Nam tập kết ra Bắc thời đó. Từ ngôi trường này khi tiếng trống trường vang lên, học sinh ùa vào, không khí đón tiếp học sinh rộn ràng, náo nức. Các học sinh cùng nghêu ngao đọc thơ:
"Kìa chú là chú ếch con, có hai là hai mắt tròn.
Chú ngồi học bài một mình bên hố bom kề vườn xoan.
Bao cô cá trê non cùng bao chú cá rô ron.
Tung tăng chiếc vây son nhịp theo tiếng ếch vang giòn" – Trích bài thơ "Chú ếch con" - một bài thơ do nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác khi đang học tại Trường Học sinh miền Nam.
Các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng đều treo bảng khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh miền Nam". Thầy trò cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, những lá thư má gửi, những tấm ảnh chụp vội gửi về cho gia đình yên tâm đang được dán cẩn thận trong những phong thư.
Chương trình truyền hình kỷ niệm 70 năm "Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng" do Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp thực hiện. Chương trình được thực hiện ở điểm cầu Cà Mau là tượng đài Chuyến tàu Tập kết ra Bắc, Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; Thanh Hóa là tượng đài "Con tàu Tập kết ra Bắc", cảng Lạch Hới, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa và Hải Phòng là Nhà hát lớn TP. Hải Phòng.
Chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm "Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng" gồm 3 chương, trong đó chương 1 với chủ đề "Khát vọng thống nhất" là câu chuyện bối cảnh lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc, những quyết sách đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc chuyển quân.
Chương 2 với chủ đề "Một dải sắt son" thể hiện tinh thần, trước quyết định tập kết ra Bắc, lượng quân và dân cả nước cùng chung một lòng quyết tâm thực hiện bằng cả trái tim và nhiệt huyết.
Chương 3 "Rạng danh Việt Nam", truyền tải ý nghĩa của sự kiện tập kết ra mắt đã trở thành bài học lịch sử cho việc xây dựng một kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam.
Chương trình ghi nhớ về những dấu son lịch sử của dân tộc, với những cống hiến, những hy sinh của các thế hệ đi trước để có được hòa bình, độc lập hạnh phúc và phồn vinh của dân tộc; đồng thời, nêu bật ý nghĩa của sự kiện Tập kết ra Bắc đánh dấu một cuộc dịch chuyển lực lượng lịch sử góp phần cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Quyết định đưa cán bộ, chiến sỹ và con em đồng bào miền Nam thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc tạo nền tảng cho việc xây dựng miền Bắc, củng cố lực lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước; thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm của mỗi người dân Việt Nam, khẳng định tình đoàn kết Nam - Bắc một nhà, dân tộc Việt Nam là một.
Chương trình cũng góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và nâng cao vị thế, uy tín của thành phố đối với bạn bè trong nước và quốc tế.