Dân Việt

Vị tướng đầu tiên của Việt Nam từng xuất binh đánh Trung Quốc: Địch nghe tên là khiếp vía

T.T 17/11/2024 15:30 GMT+7
Trong lịch sử dân tộc, ông là người đầu tiên mang quân tiến đánh Trung Quốc. Thời điểm đó, vị tướng này là nhân vật mà hễ nghe tên đã đủ khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía.

Vị tướng đầu tiên của Việt Nam từng xuất binh đánh Trung Quốc: Địch nghe tên là khiếp vía

Lật dở những trang sử của Việt Nam từ xa xưa đến nay, vào thời nhà Lý, chúng ta có một nhà quân sự, chính trị gia nổi tiếng. Ông làm quan 3 triều Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Ông và Lê Phụng Hiếu là hai danh tướng vĩ đại nhất nhà Lý thời bấy giờ, lập vô vàn chiến công lớn nhỏ. Người được nhắc đến chính là Lý Thường Kiệt.

Lý Thường Kiệt (1019 – 1105), tên thật là Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt. Ông xuất thân là dòng dõi hoàng tộc, con của Sùng Tiết Tướng quân Ngô An Ngữ. Theo phả hệ họ Ngô Việt Nam thì Lý Thường Kiệt chính là con của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập – con trưởng của Ngô Quyền. Là con nhà tướng nên từ nhỏ ông đã được học võ, nhưng cũng không quên rèn luyện văn chương. Có thể nói, chàng thiếu niên Lý Thường Kiệt năm xưa chính là một người tài hoa, văn võ song toàn.

img

Lý Thường Kiệt là anh hùng dân tộc, danh tướng vĩ đại bậc nhất lịch sử nước ta. Ảnh minh họa

Nhắc đến Lý Thường Kiệt là nhắc đến chiến thắng của quân ta trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai. Thời điểm đó, quân dân Đại Việt đã có một trận “Tiên phát chế nhân”, do đích thân Lý Thường Kiệt chỉ đạo xuất binh sang chinh phạt nhà Tống, tạo nên chiến công hiển hách bậc nhất lịch sử nước nhà.

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, thái tử Càn Đức lên ngôi khi chỉ mới 7 tuổi, xưng hiệu là Hoàng đế Lý Nhân Tông. Vua được Thái phi Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính, cùng các đại thần và đặc biệt là Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành đứng sau phò trợ. Tình hình Đại Việt khi đó vẫn rất ổn định. Nhưng nhờ tin do thám, phía ta vẫn biết được âm mưu của nhà Tống, muốn xâm lược nước ta.

Trong lúc nhà Tống tập hợp binh lính, huấn luyện để tiến đánh Đại Việt, thái úy Lý Thường Kiệt đã dâng tấu: “Ngồi yên đợi giặc sao bằng đánh trước để bẻ gãy mũi nhọn của chúng”. Và thế rồi một chiến lược đánh đòn phủ đầu gọi là kế “Tiên phát chế nhân” đã được đưa ra. Đại Việt lần đầu tiên trong lịch sử quyết định tiến đánh đất Tống.

img

Thắng lợi của Lý Thường Kiệt ở Ung Châu. Ảnh minh họa

Tháng 10/1075, Lý Thường Kiệt cùng Tông Đản chỉ huy hơn 10 vạn quân thủy và bộ, chia làm 2 đạo tấn công đất Tống. Tù trưởng Thân Cảnh Phúc, Tông Đản chỉ huy dân binh miền núi đánh vào châu Ung (Quảng Tây). Trong khi đó, Lý Thường Kiệt chỉ huy thủy quân đánh vào châu Khâm, châu Liêm (Quảng Đông).

Chẳng mấy chốc mà quân ta bao vây thành Ung Châu, căn cứ của quân Tống. Sau 42 ngày, quân Đại Việt hạ thành Ung Châu, khiến tướng Tô Giám nhà Tống phải tự kết liễu. Thắng trận đó, Lý Thường Kiệt chủ động lui quân về chuẩn bị phòng tuyến chặn địch trong nước. Dù không tiến đánh đất Tống sâu hơn, nhưng trận tập kích đó của quân dân nhà Lý đã khiến nhà Tống hoang mang, rơi vào thế bị động.

Chiến thắng năm đó của nhà Lý còn khiến sự nghiệp của Vương An Thạch - một trong những nhà kinh tế - chính trị - văn hóa nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc rơi vào vực thẳm. Vương An Thạch bị vua Tống phế chức tể tướng, phải về quê trồng cây, làm vườn. Thất bại ê chề trước Đại Việt mãi mãi là vết nhơ lớn của vị quan này.

img

Chiến tranh Tống-Việt: Đỉnh cao Lý Thường Kiệt & vực sâu của Vương An Thạch. Ảnh minh họa

Sử sách chép lại, Vương An Thạch lẫn Tống Thần Tông khi đó đều lấy làm tiếc nuối vì không đánh Đại Việt ngay từ khi vua Lý Nhân Tông mới lên ngôi. Ung Châu thất thủ xong, nhà Tống cũng thừa nhận không còn cơ hội đánh úp Đại Việt nữa, song vẫn chuẩn bị kế hoạch để phục thù.

Sau này, nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Xuân Hãn nhận định, năm đó nhà Tống bị đánh trước là vì dự định đánh Đại Việt. Cuộc chiến ấy Đại Việt có Lý Thường Kiệt chủ động đi trước đón đầu nên giành thắng lợi hoàn toàn.