Bài trước:
Ngày dạy con, đêm dạy mẹ
17h chiều, sau khi dạy xong tiết học cuối cùng, cô giáo Y Phiên (27 tuổi, Trường Tiểu học xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) vội vàng trở về nhà lo chuyện cơm nước. Bởi ngoài những "đứa con" trên trường, cô Phiên còn một cậu con trai 2 tuổi đang ở nhà ngóng mẹ về.
Y Phiên tâm sự: "Sau khi tốt nghiệp, tôi từng đi dạy ở các trường thuộc huyện biên giới Ia H'Drai, Đăk Glei… cách nhà gần cả trăm cây số. Đến năm 2022, tôi được chuyển về địa phương dạy học và lập gia đình. Vợ chồng tôi hiện có 1 đứa con trai, chồng tôi làm bộ đội xa nhà nên mọi việc gia đình đều do tôi quán xuyến. Thời gian gần đây, tôi được phân công đứng lớp dạy xóa mù chữ cho đồng bào Hà Lăng ở địa phương nên bận rộn hơn rất nhiều".
Sau khi lo xong việc gia đình, cô Phiên tiếp tục vào vai cô giáo để đến dạy chữ cho những "học sinh" là phụ huynh trong làng vào lúc 19h tối. Ban ngày, Y Phiên miệt mài trên trường, tối đến tất tả đến lớp tại điểm trường thôn Kram. Thời gian dành cho con chỉ vỏn vẹn vài giờ đồng hồ, khi Y Phiên trở về nhà thì cậu con đã say giấc bên bà ngoại. Với cô, việc được bận rộn để gieo chữ là một niềm hạnh phúc, và ý nghĩa hơn là được dạy chữ cho chính những cô chú trong làng.
"Từ nhỏ tôi đã được cha mẹ, những cô chú trong làng giúp đỡ để bản thân vững bước trên hành trình theo đuổi con chữ. Tôi luôn mơ ước được trở thành cô giáo để dạy chữ cho học sinh trong làng, nào ngờ giờ đây còn được dạy cho những cô chú từng giúp đỡ tôi năm ấy, đó là một niềm vinh dự", Y Phiên tâm sự.
Khi mới nhận nhiệm vụ, Y Phiên vừa mừng vừa lo. Y Phiên vui vì bản thân cũng là người Hà Lăng, từ nhỏ đã sống cùng mọi người nên rất hiểu tính bà con. Y Phiên thuận lợi vì có thể giao tiếp 2 thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng người Hà Lăng) nên dễ dàng truyền tải, hướng dẫn cho bà con hiểu bài. Nỗi lo mà khiến Phiên luôn đau đáu là vì bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ không dạy được chữ cho 30 học viên lớn tuổi hơn mình, khiến bà con thất vọng.
Nỗi lo của Y Phiên cũng là nỗi lo của cô Hoàng Thị Lan (40 tuổi), giáo viên Trường TH-THCS Nguyễn Trãi khi đang phụ trách đứng lớp xóa mù chữ tại làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy). 17 năm trong nghề, chưa có giây phút nào cô Lan thấy nản lòng khi theo nghề giáo, dù cho 2 năm qua được phân công thêm việc dạy xóa mù chữ cho những phụ huynh tại địa phương vào ban đêm.
Cô Lan chia sẻ: "Vợ chồng tôi có 2 người con, chồng tôi làm giáo viên ở xa nên rất ít khi ở nhà. May mắn là các con tôi cũng lớn rồi nên không phải lo nhiều. Tuy nhiên, sau một ngày dạy trên trường thì ở nhà còn rất nhiều việc phải lo, tôi phải cố gắng sắp xếp để cân đối mọi việc. Để có thể dạy chữ cho những phụ huynh người Gia Rai buộc tôi phải có những phương pháp dạy phù hợp, cần phải gần gũi, hòa nhã để bà con không tự ti, mặc cảm. Sau đó tôi chia ra từng nhóm học viên, nhóm tiếp thu nhanh, nhóm tiếp thu chậm để thuận tiện trong việc kèm cặp, hướng dẫn".
"Đây là năm thứ 2 tôi tham gia dạy xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số, vất vả thì vất vả thật nhưng đổi lại là niềm vui khi nhìn những đôi tay chai sạn chỉ quen cầm cuốc viết được những con chữ tròn, đọc rõ từng câu trong sách, điều mà trước đây bà con không thể làm được", cô Lan bày tỏ.
Không riêng cô Y Phiên, cô Lan, trên địa bàn huyện Sa Thầy có 577 giáo viên được phân công dạy 26 lớp xóa mù chữ. Mỗi lớp gồm 5 kỳ, kéo dài trong 8 tháng. Các giáo viên tham gia trên tinh thân tình nguyện, mang lòng yêu nghề để đổi lấy con chữ cho những "học sinh" là các cô, các chú người dân tộc thiểu số.
Phấn khởi khi viết được con chữ
Sau một ngày tất bật với công việc trên trên rẫy, bà Y Hyah (52 tuổi, thôn Kram, xã Rờ Kơi) trở về nhà nấu cơm cho con rồi địu cháu ngoại đến lớp học của cô Y Phiên. Bà Y Hyah là lớp trưởng nên thường gương mẫu đến lớp sớm hơn để dọn dẹp. Từ ngày lớp xóa mù chữ được mở ở làng, bà Y Hyah như có thêm niềm vui mới vào buổi tối. Mỗi tối học về, bà lại biết thêm được con chữ, đọc thêm được nhiều từ in trên các vật dụng, thực phẩm quen thuộc.
Bà Y Hyah tâm sự, sau hơn 2 tháng được cô giáo Y Phiên tận tình giảng dạy, tôi cũng như những người tham gia lớp học đã cơ bản biết viết, biết đọc những cụm từ ngắn. Cô Y Phiên nói được tiếng Hà Lăng nên bà con rất thích, cùng phụ cho cô có thầy A Thik (49 tuổi) cũng là một người dân trong làng. Đầu giờ, để bà con bớt căng thẳng, cô Y Phiên thường giao lưu văn nghệ khiến cả lớp rộn ràng tiếng cười.
Cũng là học trò của cô Y Phiên, bà Y Hu là học viên lớn tuổi nhất lớp, 56 tuổi. Bà Y Hu cho biết: "Không biết con chữ khổ lắm, đi khám bệnh mua thuốc cũng không đọc được loại thuốc gì, chỉ nhớ màu sắc, hình dáng rồi miêu tả, hay mỗi lần ký giấy tờ chỉ biết lăn tay, nhiều lúc thấy xấu hổ với con cháu, mọi người xung quanh lắm".
"Sau 2 tháng học tôi đã biết viết những từ cơ bản, biết đọc nhiều cụm từ quen thuộc. Bản thân tự tin hơn khi đi chợ, mua bán, tính toán. Con chữ giúp cuộc sống tôi thay đổi hơn rất nhiều, tôi rất biết ơn các cấp, các ngành đã quan tâm mở lớp xóa mù chữ để giúp những người già như tôi có cơ hội học miễn phí", bà Y Hu tâm sự.
Còn tại lớp xóa mù chữ của cô Hoàng Thị Lan ở làng Chốt, có rất đông học viên là đàn ông đến học, thậm chí có cả vợ chồng cùng đưa nhau đến học chữ. Như vợ chồng ông A Tủa và bà Y Mlyh (cùng 62 tuổi, làng Chốt) trải qua hơn 60 mùa rẫy mới thực hiện được ước mơ học chữ của mình.
Ông A Tủa chia sẻ, trước đây vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể đi học. Sau này lớn lên, lập gia đình, sinh con, thời gian bận rộn càng không thể đi học. Giờ đây, khi về già, 3 đứa con cũng đã trưởng thành, có công việc ổn định nên vợ chồng tôi mới quyết định đi học. Học chữ để sau này không phải hối hận, để về biết mua bán, kinh doanh, biết ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Sau hơn 2 tháng học, vợ chồng ông cùng nhau cố gắng, chú tâm nghe thầy cô giảng bài mà giờ đây có thể viết, đọc cơ bản, biết các phép tính. Bản thân ông cũng tự tin hơn trước rất nhiều.
Còn với anh A Hap (34 tuổi, làng Chốt), chính nỗi sợ không biết chữ mỗi khi con hỏi đã giúp anh bỏ sau lưng sự tự ti, mặc cảm để đến với lớp học. Anh A Hap tâm sự, ban đầu bản thân không định đi học vì ngại nhiều thứ, nhưng thấy mình còn trẻ và địa phương cũng tạo điều kiện nên đã quyết tâm đi học về để dạy lại cho con nhỏ. Sau hơn 2 tháng học, anh đã có thể viết được, đọc được một số từ, đó là kết quả của sự nỗ lực bản thân A Hap, là tận tụy của cô Lan.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy, năm 2024, trên địa bàn huyện Sa Thầy có 698 học viên đăng ký lớp xóa mù chữ, tăng 218 học viên so với năm 2023. Tất cả học viên đều là đồng bào DTTS, có độ tuổi từ 25 – 62 tuổi.
Ông Hoàng Đình Tuyên - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy cho biết, để người dân mạnh dạn tham gia các lớp xóa mù, Phòng GDĐT huyện đã chỉ đạo các trường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát chặt chẽ, vận động người dân đăng ký học chữ; tuyên truyền những lợi ích khi tham gia lớp học. Học xóa mù chữ, các học viên sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/người khi hoàn thành khóa học, được hỗ trợ dụng cụ học tập, và hơn hết là được các giáo viên tận tình chỉ dạy để biết được con chữ, biết cách tính toán áp dụng vào cuộc sống.
"Đối với giáo viên, thực sự ngoài việc đi dạy chính khóa ở trường đã cực, buổi tối thì đi dạy tăng cường ở các lớp xóa mù chữ sẽ vất vả hơn nhiều. Phòng cũng như lãnh đạo địa phương rất quan tâm, thường xuyên xuống kiểm tra, nắm bắt tình hình, động viên các thầy cô cùng các học viên cố gắng học tập để có một cuộc sống văn minh, tốt đẹp hơn", ông Tuyên nói.
Nhận thấy việc xóa mù chữ là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, UBND huyện Sa Thầy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và người dân trong việc xóa mù chữ. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã chỉ đạo mở 46 lớp xóa mù chữ cho 1.229 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó đã giúp nâng tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ mức độ 2 đạt gần 98%.