Xe chết máy, dòng người chơi vơi giữa biển nước... là những hình ảnh quen thuộc tại TP.HCM mỗi khi mưa lớn hay triều cường. Việc triển khai các dự án chống ngập được người dân kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án này vẫn loay hoay tìm hướng ra, chưa phát huy tối đa hiệu quả. Không biết đến bao giờ người dân TP.HCM mới thoát cảnh ngập nước.
Chật vật mưu sinh tại "rốn ngập"
Đến hẹn lại lên, vào mùa mưa, người dân tại khu vực chợ Thủ Đức, TP.HCM lại ngao ngán khi liên tục chứng kiến cảnh phố biến thành sông.
Không chỉ "rốn ngập'"chợ Thủ Đức mà các tuyến đường lân cận như: Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Tô Ngọc Vân... cũng thường xuyên chìm trong biển nước vào những tháng cuối năm. Giao thông hỗn loạn, nhà cửa bừa bộn, hàng hoá hư hỏng… là nỗi ám ảnh người dân tại đây phải đối mặt sau cơn mưa.
Ghi nhận của PV Dân Việt, mỗi khi trời mưa lớn, hầu hết các tiểu thương tại chợ Thủ Đức đều tranh thủ đóng cửa, kê cao đồ đạc, che chắn để ngăn nước ngập tràn vào làm hư hỏng đồ đạc. Mọi hoạt động kinh doanh phải tạm dừng đến khi nước rút mới có thể tiếp tục.
Mưa ngập, hệ thống thoát nước rút chậm, khiến khu vực chợ Thủ Đức thành chợ nổi trong tích tắc, các tuyến đường xung quanh cũng rơi vào tình trạng "thất thủ".
Bà Nguyễn Yến, tiểu thương chợ Thủ Đức cho hay, mưa đã trở thành nỗi khiếp sợ không chỉ của riêng bà mà còn là của tất cả các tiểu thương tại chợ.
"Buôn bán ở đây hàng chục năm, chưa bao giờ tiểu thương chúng tôi lại sợ mưa đến vậy. Sau vài lần mất tiền triệu vì đồ đạc bị hư hỏng, chúng tôi đã đề phòng, kê cao đồ đạc mỗi khi nghe tin trời mưa. Buôn bán mà cứ nơm nớp lo sợ, lạy trời đừng mưa", bà Yên nói.
Kinh doanh tại khu vực ngã ba đường Đặng Thị Rành - Tô Ngọc Vân (TP.Thủ Đức) hàng chục năm, ông Văn Tấn cho hay, trước đây, mỗi khi mưa lớn, các tuyến đường xung quanh khu chợ nước chỉ tràn đến vỉa hè, sau vài phút là rút hết. Nhưng năm nay, tình trạng ngập trở nên nặng hơn, hễ mưa là ngập, nước từ tứ phía, tràn lên mặt đường.
"Chỉ cần mưa to trong khoảng chục phút thì nước bắt đầu dâng, nước theo các miệng cống cùng rác thải bủa vây khắp nơi. Nhiều trường hợp người dân điều khiển phương tiện giao thông qua đây té ngã, người dân buôn bán như chúng tôi thì toát mồ hôi vì lo dọn dẹp, kê cao đồ đạc. Tôi đã nghĩ đến chuyện bán nhà, ngừng buôn bán, nhưng nói thật là đến giờ chưa biết đi nơi nào", ông Văn Tấn than thở.
Theo báo cáo của chính quyền địa phương, hiện nay trên địa bàn TP.Thủ Đức có tổng cộng 24 điểm ngập và 13 điểm theo dõi ngập.
Trước thực trạng trên, TP.Thủ Đức đã đề ra 5 công trình giải quyết ngập, gồm: Hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, đường Dương Văn Cam, đường Đặng Thị Rành, đường Hồ Văn Tư và đường Kha Vạn Cân.
Trong 5 dự án thì hiện nay mới xong dự án hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, nên tổng thể khu vực chợ Thủ Đức khi có mưa lớn thì vẫn ngập.
Ngập nước suốt cả ngày
Không chỉ chịu cảnh mưa ngập, người dân tại các vùng trũng thấp trên địa bàn TP.HCM còn bất lực sống chung với ngập do triều cường.
Nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua TP.Thủ Đức và các quận 6, 8, 11, Bình Tân, các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn... luôn trong tình trạng ngập sâu do triều cường dâng cao từ đầu mùa mưa đến nay.
Đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM) dài khoảng 3,3km, kéo từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Rạch Ông. Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối quận 7, quận 8 và quận 4 nên có mật độ lưu thông đông đúc.
Tuyến đường này cũng được xem là "rốn ngập" của TP.HCM bởi từ nhiều năm qụa, nơi đây chịu ảnh hưởng nặng của triều cường nên thường xuyên xảy ra ngập nước khiến cuộc sống, việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn.
Có nhà nằm trên đường Trần Xuân Soạn, bà Thanh Hà (48 tuổi) cho biết, người dân ở đây đã quá quen với việc lội nước do ảnh hưởng triều cường, đặc biệt là vào những tháng cuối năm.
"Lội nước cả sáng lẫn chiều. Có những đoạn nước ngập quá đầu gối và ngập rất lâu, 4-5 tiếng mới rút. Người dân chúng tôi ở đây khổ sở vô cùng, lúc nào cũng trong tâm thế dọn dẹp, kê cao đồ đạc, không làm ăn gì được", bà Thanh Hà chia sẻ.
Do ngập nước liên tục nên mặt đường Trần Xuân Soạn hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng, bờ kè sụt lún, chắp vá...
"Nước ngập vào giờ cao điểm gây ùn tắc kéo dài, nhiều phương tiện chết máy phải bì bõm dắt bộ qua đoạn ngập, khổ sở vô cùng. Người dân TP.HCM mà nhắc đến đường Trần Xuân Soạn ai cũng sợ. Có người ở đây phải bán nhà bỏ đi nơi khác vì không chịu được ", anh Dương Tuấn (trú quận 7) chia sẻ.
Mới đây, TP.HCM đã quyết định chi 245 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo đường Trần Xuân Soạn nhằm chống ngập và 130 tỷ đồng để xây dựng bờ kè dọc tuyến đường này.
Theo kế hoạch, mặt đường sẽ được nâng lên mức 2,1m để đối phó với tình trạng ngập úng. Hệ thống thoát nước mới sẽ được lắp đặt theo quy hoạch, đảm bảo thoát nước hiệu quả cho khu vực xung quanh. Ngoài ra, tuyến đường sẽ được nâng cấp lan can bờ kè dọc sông với chiều dài 1km và vỉa hè cũng được cải tạo.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên toàn địa bàn TP có 13 tuyến đường ngập do mưa gồm: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, quốc lộ 1 (đoan qua TP.Thủ Đức), Phan Anh, Hồ Học Lãm.
6 tuyến đường ngập do triều cường là Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè) và quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh). Thời gian ngập kéo dài từ 30 - 120 phút tùy vào đỉnh triều.
Thực tế, ngoài những tuyến đường Sở Xây dựng TP.HCM công bố, theo ghi nhận của PV Dân Việt còn hàng loạt các khu vực khác trên địa bàn TP thường xuyên ngập như: Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh, tỉnh lộ 43, đường số 38, Lê Văn Việt, Tô Ngọc Vân, Linh Đông, quốc lộ 13 (TP Thủ Đức), Đinh Bộ Lĩnh, D5 (quận Bình Thạnh), Lê Cơ (quận Bình Tân)…
Thực tế, TP.HCM đã triển khai hàng loạt dự án với kinh phí lớn, nhưng mỗi khi trời mưa hay triều cường là ngập. Đến bao giờ người dân TP.HCM thoát nỗi ám ảnh ngập nước là câu hỏi vẫn còn chìm trong... mênh mông.
25.998 tỷ đồng là số tiền mà TP.HCM đã chi giai đoạn 2016 – 2020 để triển khai công tác chống ngập. TP sắp triển khai 10 dự án cải tạo hệ thống thoát nước, dự án ít nhất cũng vài trăm tỉ, nhiều nhất là gần 2.000 tỉ. Những dự án này đang và sẽ triển khai ra sao, kỳ vọng hiệu quả thế nào? Mời bạn đọc theo dõi thông tin tiếp theo trên Dân Việt Nỗi ám ảnh ngập nước ở TP.HCM (bài 2): Sốt ruột với loạt dự án chống ngập