Dân Việt

Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình

PV (lược ghi) 18/11/2024 06:39 GMT+7
Theo GS –TS Vũ Văn Hiền, bước vào kỷ nguyên mới đòi hỏi phải phát triển nhanh, mạnh, vững chắc, đồng bộ mọi mặt của đời sống xã hội và phải vươn lên trên tất cả các lĩnh vực, trong đó việc tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại cần được đặc biệt quan tâm bởi đó là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Tại Hội thảo Khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn", GS –TS Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã có tham luận "Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 1.

Lực lượng quân đội diễu binh tại Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ hồi tháng 5/2024. Ảnh VGP

GS –TS Vũ Văn Hiền cho biết: Tăng cường quốc phòng có nội dung quan trọng nhất là làm cho nền quốc phòng mạnh thêm, vững chắc thêm để hoàn thành tốt đẹp các nhiệm vụ. Tăng cường quốc phòng có các nội dung chính sau:

Thứ nhất, tăng cường và phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó lực lượng vũ trang là trọng yếu, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng. Đó là sức mạnh vô địch để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo, không phận, không gian mạng của quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống…

Thứ hai, tăng cường sức mạnh về chính trị và chế độ xã hội. Tăng cường quốc phòng là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xác định rõ sức mạnh bên trong là quyết định, phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng.

Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 2.

Quân đoàn 12 - Bộ Quốc phòng huấn luyện. Ảnh Báo QĐND

Thứ ba, tăng cường tiềm lực quốc phòng ngày càng vững mạnh, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Tăng cường tiềm lực quốc phòng là tăng cường khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Tăng cường tiềm lực quốc phòng là một trong những đột phá về lý luận và tổ chức thực tiễn của Đảng ta nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp bảo đảm tốt nhất cho nhiệm vụ quốc phòng trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Nội dung cốt yếu là tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tăng cường và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận lòng dân.

Về tăng cường xây dựng lực lượng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Quân đội ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân. Bộ đội ta là "bộ đội cụ Hồ" vì nhân dân quên mình, chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng cao cả, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích của toàn dân. Tăng cường về quân sự theo hướng tinh, gọn, mạnh, ưu tiên bảo đảm quân số cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, trọng yếu, thường xuyên.

Tăng cường xây dựng các lực lượng mới như lực lượng tác chiến không gian mạng, lực lượng tên lửa chiến lược, lực lượng không quân, hải quân hiện đại. Công tác đào tạo rèn luyện kỹ chiến thuật ngày càng tinh thông, tinh nhuệ cho các quân nhân ở các quân binh chủng. Xây dựng quân đội theo hướng hiện đại, hiện đại về tổ chức lực lượng, hiện đại về kỷ luật, kỷ cương, tác phong, nền nếp; hiện đại trong phương thức tác chiến lấy con người làm trọng tâm.

Tăng cường vũ khí, phương tiện hiện đại cũng là yếu tố quan trọng để bảo vệ Tổ quốc, ngăn ngừa và sẵn sàng đối phó với các hình thái chiến tranh mới, chiến tranh công nghệ cao. Thực hiện nhiệm vụ này cần nghiên cứu kỹ về phương thức ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại; trang bị, khai thác, sử dụng vũ khí hiện đại phù hợp với điều kiện tác chiến mới kết hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân, hình thành thế trận tác chiến rộng khắp, vững chắc, linh hoạt. Nghiên cứu phát triển các phương thức tác chiến trong các hình thái chiến tranh, nhất là hình thái chiến tranh mới như chiến tranh phi quy ước, chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 3.

Quân đoàn 12 - Bộ Quốc phòng huấn luyện. Ảnh Báo QĐND

Tăng cường quốc phòng cũng là tăng cường chất lượng của công tác dự báo quân sự. Dự báo sát hợp tình hình thế giới, trong nước, tình hình chiến lược và khả năng ứng phó của ta để có các nhiệm vụ, giải pháp tác chiến kịp thời, hiệu quả.

Về tăng cường an ninh là làm cho lực lượng an ninh mạnh thêm để bảo đảm sự ổn định, bình an của xã hội, của đất nước. Các nhiệm vụ và nội dung chính của tăng cường an ninh là:

Thứ nhất, tăng cường an ninh về chính trị. Đây là điều cốt yếu, xuyên suốt của an ninh đất nước, an ninh chế độ. Tăng cường an ninh chính trị trọng tâm là bảo vệ vai trò, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; là bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an toàn xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Chống phá hiệu quả và vô hiệu hóa mọi hoạt động thâm nhập, khủng bố, phá hoại của các tổ chức phản động, âm mưu can thiệp lật đổ từ bên ngoài, ngăn chặn không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh xử lý các âm mưu, thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường đấu tranh có hiệu quả đối với các luận điệu sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên mạng xã hội. Quản lý một cách hiệu quả các hoạt động văn hóa tư tưởng, chống các biểu hiện lệch lạc.

Tuyên truyền định hướng cho quần chúng nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng gây mất trật tự, an toàn xã hội. Bảo đảm an sinh, an toàn tuyệt đối các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mục tiêu trọng tâm, các hoạt động đối ngoại, các sự kiện trọng đại của đất nước, bảo đảm Việt Nam là một điểm đến an toàn cho bạn bè quốc tế, là đất nước thanh bình.

Thứ hai, tăng cường an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh mạng, an ninh con người, ứng phó hiệu quả với thách thức an ninh phi truyền thống, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 4.

Lực lượng cảnh sát cơ động tại kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Cơ động hồi tháng 4/2024. Ảnh dangcongsan.vn

Kịp thời phát hiện và xử lý các nguy cơ đe dọa đối với nền kinh tế đất nước; bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng và công cuộc đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế; điều tra khám phá kịp thời và xử lý nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng.

Thể hiện vai trò xung kích trong bảo đảm chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm an toàn hệ thống thông tin quốc gia. Tăng cường bảo đảm an ninh con người, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của an ninh trong tình hình mới. Chủ động nắm bắt và ứng phó kịp thời với các yếu tố an ninh phi truyền thống, bảo đảm sự bình ổn của đất nước.

Thứ ba, tăng cường tiềm lực an ninh với việc củng cố vững chắc nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân, xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Nền an ninh nhân dân được tăng cường chăm lo xây dựng trên nền tảng "thế trận toàn dân", hội tụ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân, niềm tin chính trị, ý thức trách nhiệm công dân của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Xây dựng nền an ninh nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Tăng cường xây dựng lực lượng công an nhân dân theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Bộ Công an tiếp tục tiên phong trong việc sắp xếp bộ máy tổ chức tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với phương châm "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở"; đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an ngày càng vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, bảo vệ vững chắc nền an ninh đất nước, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, lãnh thổ, an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh con người.

Về tăng cường đối ngoại là làm cho toàn hệ thống đối ngoại, ngoại giao được mạnh thêm để tăng cường quan hệ một cách có hiệu quả đối với các nước trên thế giới, bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích quốc gia và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tăng cường đối ngoại thể hiện trên một số nội dung sau:

Thứ nhất, phát huy và tăng cường vai trò tiên phong của đối ngoại, ngoại giao. Thứ hai, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang bản sắc "cây tre Việt Nam".

Thứ ba, tăng cường tiềm lực về chính trị: Đối ngoại, ngoại giao là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị nên phải phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác quốc tế, trong đó sức mạnh dân tộc thể hiện ở sức mạnh tập thể cả vật chất và tinh thần. Đối ngoại, ngoại giao dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị tạo nên một cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước. Tăng cường tiềm lực đối ngoại, ngoại giao cũng là tăng cường trang thiết bị tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu mới.