Hiện tại, Việt Nam có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm: Vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, thành nhà Hồ, quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, quần thể danh thắng Tràng An.
Trong số đó, phố cổ Hội An (được công nhận vào ngày 1/12/1999) và thánh địa Mỹ Sơn (được công nhận vào ngày 4/12/1999) đều thuộc tỉnh Quảng Nam. Đây là điều vô cùng đặc biệt và hiếm có. Hội An và Mỹ Sơn không chỉ là niềm tự hào của người dân Quảng Nam mà còn của cả Việt Nam. Đó là 2 “báu vật” của nước ta.
Sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới vừa là lợi thế vừa là thách thức với Quảng Nam. Phải làm sao tận dụng được nó để phát triển du lịch nhưng vẫn phải bảo vệ được môi trường, gìn giữ được văn hóa.
Quảng Nam còn sở hữu một Khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận, đó là Cù Lao Chàm. Nơi đây nổi tiếng với bài biển dài, xanh ngắt, những ghềnh đá vô cùng đặc biệt.
Du khách ngày càng tìm đến Quảng Nam nhiều hơn, không chỉ bởi cảnh quan nơi đây mà còn vì ẩm thực của họ rất phong phú. Nhắc đến Quảng Nam là nhắc đến cao lầu, mì quảng, xôi cua, bánh tráng đập, bánh hỏi heo quay…
Người dân Quảng Nam thì dễ mến, gần gũi. Họ có cách nói chuyện rất đặc biệt, phát âm chẳng giống nơi nào nên chỉ cần nghe đã nhận ra. Người Quảng Nam sẽ nói giọng “Quảng Nôm”, nếu nghe không quen sẽ thấy hơi khó hiểu. Chẳng hạn cháo là chố, xe đạp là xe độp, sao là răng, đâu là mô, vậy là rứa…
Có một điều khá đặc biệt, người Việt Nam thường có câu: “Quảng Nam hay cãi”. Thoạt nghe đây như lời chê bai người dân nơi đây hay lý sự, nhưng thực chất lại là lời khẳng định tố chất hùng biện, giỏi tranh luận của họ.
Người Quảng Nam rất tài năng, đặc biệt là về nghệ thuật. Trong showbiz hiện tại có nhiều người quê Quảng Nam, có thể kể đến như danh hài Trường Giang, hoa hậu Tiểu Vy, nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ca sĩ Ngọc Sơn, ca sĩ Võ Hạ Trâm…