Dân Việt

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Xúc động chuyện cô giáo làng gần 2 thập kỷ "lấp đầy những vầng trăng khuyết"

Trung Hiếu 20/11/2024 15:16 GMT+7
“Và khi ta làm điều nhân ái/ Thấy y như là Phật đến quanh ta”... Còn với lớp học của cô giáo Lê Thị Hoà (Chương Mỹ, Hà Nội), những điều nhân ái, cao cả đã được thắp sáng và lan tỏa giúp cho con người gần con người hơn. Không khoảng cách, không phân biệt, tình cô trò đã ấm áp keo sơn suốt 17 năm nay.

Tâm sự ngày 20/11 của cô giáo dành gần 20 năm mở lớp học tình thương. Clip: Trung Hiếu.

Ước nguyện đặc biệt của cô giáo lớp học tình thương nhân dịp 20/11

8 giờ sáng, trong căn phòng nhỏ rộng chừng 20m2 tại chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), từng tiếng đọc ê a vang lên, lúc nhỏ nhẹ, lúc to dần. Những âm thanh ấy chưa thật đồng thanh, vì có em đọc lạc nhịp, có em chưa phát âm rõ. Cô Lê Thị Hòa (51 tuổi) đứng trước bảng, nở nụ cười hiền cùng ánh mắt động viên. Tay cô nhẹ nhàng chỉ từng chữ trên bảng, giọng nói chậm rãi để các em có thể theo kịp. Dần dần, những tiếng đọc của các em học sinh ở đủ lứa tuổi bắt đầu hòa thành một nhịp.

Tâm sự với phóng viên Dân Việt, cô Hòa cho biết, lớp học tình thương của cô bắt đầu đón học sinh từ năm 2007, tính đến nay đã được 17 năm. “Lớp học chủ yếu dành cho các con bị thiểu năng trí tuệ, hoàn cảnh kém may mắn và không được đến trường học. Với mỗi con, tôi đều có cách tiếp cận riêng. Khi dạy các con, tôi dùng toàn bộ tình yêu thương của mình chứ không hề thu bất cứ một đồng học phí nào”, cô Hòa nói.

Với dáng người nhỏ nhắn, nụ cười luôn thường trực, cô Hòa đi lại giữa các bàn học để hướng dẫn từng em. Bàn tay cô khéo léo đỡ lấy đôi tay của một em nhỏ khi tập viết, cô bảo: “Hiện tại, lớp học có 82 bạn, trong đó có 45 bạn đã biết viết, biết làm toán. Hầu như kỹ năng sống của các bạn rất tốt, biết yêu thương lẫn nhau. Ví dụ như các con biết dắt nhau lên bảng, dìu nhau ra ngoài sân chơi... Tôi cảm thấy các con ngày càng trưởng thành, biết kính trọng cô, về nhà vâng lời ông bà, bố mẹ, tôi rất mừng”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Xúc động câu chuyện về người “gieo mầm xanh” cho những “vầng trăng khuyết” suốt gần 2 thập kỷ - Ảnh 1.

Lớp học tình thương của cô Hòa được duy trì đều đặn suốt gần 20 năm nay. Ảnh: Trung Hiếu.

Vào giờ giải lao, các em học sinh mỗi người một cách, vui vẻ thư giãn sau khi tập đọc, tập viết. Có em tranh thủ ngồi vẽ những hình thù đáng yêu vào cuốn vở nháp, vài em khác chăm chú với món đồ chơi nhỏ xinh trên tay.

Cô giáo Hòa nhẹ nhàng mời phóng viên ngồi xuống bên chiếc bàn nhỏ, bắt đầu kể câu chuyện về hành trình mở lớp học tình thương của mình.

“Trước kia, khi còn là giáo viên của một trường tiểu học khác, tôi đã kèm cặp 9 bạn nhiễm chất độc màu da cam. Sau này khi chuyển công tác về đây, tôi thấy có nhiều học sinh trong vùng không được đến trường do điều kiện gia đình, do bị thiểu năng..., những buổi chiều rảnh, tôi thường mời các bạn ấy đến để dạy học và trò chuyện cùng. Mới đầu, tôi chỉ dạy học bằng gạch ngói, không có phấn hay bảng đâu, viết ra nền đất. Sau 3 - 4 tháng, các bạn ấy đến ngày một đông hơn”, cô Hòa nói.

Bằng giọng đầy xúc cảm, cô Hòa tiếp lời: “Sau một lần đi lễ chùa Hương Lan (xã Đông Sơn) vào ngày 15/07/2007, thấy phòng khách nhà chùa tương đối sạch và mát, tôi có ngỏ ý với nhà chùa cho mượn không gian này làm lớp học tình thương để dạy học cho các con đỡ chật chội. Thật may mắn vì thầy trụ trì đã nhận lời luôn và nói rằng nếu tôi làm được thì thầy sẵn sàng giúp đỡ. Lúc ấy, tôi làm đơn xin phép các đồng chí lãnh đạo cấp trên và cũng được phê duyệt. Cuối cùng, lớp khai giảng vào ngày 14/9/2007”.

“Gần 20 năm nay, món quà lớn nhất mà tôi nhận được từ các con đó là những cái ôm, những tiếng gọi mẹ và điều khiến tôi thực sự hạnh phúc là được chứng kiến các con ngày một trưởng thành, lớn khôn”, cô Hòa nói rồi dừng lại, đôi mắt long lanh, không giấu được niềm tin mạnh mẽ.

Khi được hỏi về mong ước dịp 20/11, cô Hòa trầm ngâm một chút, ánh mắt dừng lại ở những học trò của mình, rồi nghẹn ngào: “Tôi chỉ mong sao các con trong lớp học tình thương được mạnh khoẻ, tiến bộ hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, như vậy là đủ. Những tiến bộ ở trẻ khuyết tật thật sự rất đáng quý. Tôi tin rằng, đó chính là sự mong chờ lớn nhất của gia đình các con và của cả xã hội”.

Giọt nước mắt của phụ huynh và nụ cười của học sinh khi nhắc đến lớp học tình thương

Trời dần về trưa, ánh nắng đã lên cao, chiếu rọi khắp khoảng sân xung quanh lớp học. Phía bên ngoài, nhiều phụ huynh đứng đợi con em mình tan học. Chị Phạm Thị Minh (45 tuổi, Chương Mỹ) đứng nép mình bên tán cây trước cửa lớp, dõi theo bóng dáng quen thuộc của con mình phía bên trong. Khi được phóng viên hỏi thăm, chị tâm sự: “Bé nhà tôi năm nay 12 tuổi, tôi đã cho con theo học ở lớp cô Hòa được 6 tháng rồi. Cứ nhìn thấy các con trong lớp học tình thương là tôi lại khóc, xúc động lắm”.

Chị nói: “Trước đây nhìn con, tôi từng nghĩ mình đã bất lực. Nhưng nhờ có lớp học của cô Hòa, con tôi đã biết cộng trừ trong phạm vi 10 và viết được cả chữ. Về nhà, con biết khoanh tay để "ạ" ông bà, bố mẹ”.

Tới giờ tan học, chị Minh vội vàng tiến lại, ôm chầm lấy con, cảm giác như cả thế giới nhỏ bé của chị vừa được vỗ về trong giây phút ấy. Chị khẽ thì thầm: “Tôi rất muốn gửi một lời cảm ơn đến cô giáo Hòa vì đã dành thời gian để chỉ bảo cho các con ở lớp học tình thường. Khi tôi tới xin gửi con ở lớp, cô Hòa nhiệt tình đồng ý ngay và cô ôm chầm lấy con. Giờ đây, con tôi lúc nào cũng chỉ mong tới cuối tuần để được đến lớp của cô”.

Là một học viên trong lớp học tình thương của cô giáo Hòa từ ngày thành lập đến giờ, chị Trần Thị Khuê (32 tuổi, Chương Mỹ) nhớ như in ngày đầu khi bước vào lớp học, chị không tránh khỏi cảm giác lo lắng. “Lần đầu gặp cô, mình rất bỡ ngỡ. Trước đây, mình không được đi học ở trường, chỉ ở nhà thôi, nhưng sau khi đến lớp, mình thấy rất vui. Cô Hòa dạy mình cách sống, cách viết, cách làm toán, mình cảm thấy rất thích đi học”, chị Khuê nói.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Xúc động câu chuyện về người “gieo mầm xanh” cho những “vầng trăng khuyết” suốt gần 2 thập kỷ - Ảnh 2.

Chị Khuê gắn bó với lớp học tình thương của cô Hòa từ năm 2007 đến nay. Ảnh: Trung Hiếu.

Giờ học kết thúc, cô Hòa đứng một góc, tất bật dọn dẹp những đồ dùng học tập của các học sinh. Trong khi đó, em Nguyễn Thị Ngọc Linh (20 tuổi) mặc bộ đồng phục học sinh giản dị, bắt đầu phụ giúp cô lau bảng. Những vệt phấn trắng trên bảng dần dần được lau sạch, những chữ cái, con số mờ dần rồi biến mất dưới lớp khăn mềm.

Ngọc Linh vừa lau bảng, vừa tâm sự với phóng viên Dân Việt: "Tham gia lớp học từ năm 2014, đến nay, em đã quen được thêm nhiều bạn mới. Chúng em sai ở điểm nào thì cô Hòa sẽ tận tình chỉ bảo, hướng dẫn từng chút một để sửa sai. Tình cảm của em với cô Hòa rất lớn. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, em mong sao cô Hòa luôn vui vẻ, tươi trẻ, tiếp tục dìu dắt thêm nhiều bạn nữa ở lớp học tình thương này - nơi mà chúng em xem như ngôi nhà thứ 2!”.

Bà Bùi Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đông Sơn cho biết, để duy trì được lớp học tình thương này cho đến bây giờ, đó là tâm huyết rất lớn của cá nhân cô Hòa cũng như sự ủng hộ, góp sức của các mạnh thường quân, các phật tử tới chùa Hương Lan. Nhân dân ở đây cũng đánh giá rất cao công sức của cô Hòa với lớp học tình thương.