Tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận người bệnh N.V.B (nam, 53 tuổi) ở Chương Mỹ, Hà Nội nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao, đặc biệt là tình trạng loét nhiễm trùng đầu gối nặng nề gây hạn chế vận động hoàn toàn cho người bệnh.
Người bệnh được chẩn đoán gout mạn tính (14 năm), suy thượng thận (1 năm) tuy nhiên không điều trị đều theo đơn thuốc của bệnh viện mà tự ý dùng các thuốc không rõ nguồn gốc tại nhà.
Khoảng 1 tháng gần đây, số lượng các đợt sưng nóng, đỏ đau khớp gối ngày càng tăng khiến ông B không thể thực hiện các sinh hoạt cơ bản nên người nhà có đưa ông đến điều trị tại một cơ sở y tế và quầy thuốc gần nhà để tiêm thuốc vào khớp gối 2 bên cũng như chích rạch, nặn mủ từ vết thương.
Mặc dù ban đầu cơn đau có thuyên giảm, tuy nhiên sau đó lại tái phát rất nhanh. Khớp gối 2 bên sưng, nóng đỏ kèm theo hạt tophi vỡ chảy dịch, chảy mủ khiến người bệnh sốt cao, mệt mỏi, cơ thể ngày càng suy kiệt và phải nhập viện Bệnh viện Nội Tiết Trung ương.
Sau khi thăm khám và tiến hành các xét nghiệm, người bệnh N.V.B được bác sĩ chẩn đoán loét nhiễm trùng hạt tophi khớp gối, đợt cấp gout mạn tính, đái tháo đường type 2 và suy thượng thận do thuốc.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Quân – Phó Trưởng Khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, với trường hợp của người bệnh N.V.B, từ bệnh rối loạn chuyển hóa là gout mạn tính do không thăm khám định kỳ và tự ý lạm dụng các thuốc chứa corticoid dẫn đến suy tuyến thượng thận.
Bên cạnh đó, việc người bệnh tự ý tiêm chọc nội khớp, chích rạch hạt tophi không đảm bảo vô khuẩn trên nền đề kháng kém đã dẫn đến nhiễm trùng khớp gối nặng nề, nguy cơ phải tháo khớp nếu không được điều trị kịp thời.
Sau quá trình nhập viện và được chăm sóc tại khoa Điều trị tích cực, đường huyết người bệnh dần ổn định, tình trạng nhiễm trùng khớp gối cũng đã được kiểm soát, người bệnh có thể tự thực hiện một số hoạt động cơ bản.
Song song với điều trị, người bệnh B và người thân cũng được các bác sĩ, điều dưỡng tư vấn chế độ dinh dưỡng đồng thời giáo dục người bệnh hiểu lý do điều trị thay thế thuốc thượng thận, không được tự ý bỏ thuốc điều trị và không được giảm hay ngừng liều đột ngột để tránh rơi vào tình trạng suy thượng thận cấp.
Theo bác sĩ Quân, tuyến thượng thận là một cơ quan nội tiết, tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng của các tế bào trong cơ thể. Bên cạnh đó, các hormone của tuyến còn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định huyết áp, giữ cân bằng nội môi và giúp cơ thể chống đỡ với stress.
Suy vỏ tuyến thượng thận là tình trạng mà vỏ tuyến thượng thận sản sinh ra quá ít hormone cortisol làm rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người.
Theo bác sĩ Quân, triệu chứng suy tuyến thượng thận ở mỗi người có thể khác nhau, tuy nhiên sẽ có những dấu hiệu suy tuyến thượng thận thường gặp:
Đối với suy tuyến thượng thận mạn tính, người bệnh sẽ mệt mỏi, chóng mặt; Thường xuyên bị buồn nôn, nôn mửa, bụng cồn cào khó chịu, tiêu chảy; Da sẫm màu, vùng núm vú, miệng, trực tràng, bìu, âm đạo bị xanh đen; Sụt cân, chán ăn không rõ nguyên nhân.
Đối với người bị suy tuyến thượng thận cấp sẽ gặp các triệu chứng: Da nhợt nhạt, lạnh, huyết áp thấp; Người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy nặng; Thở nhanh, khó thở, chóng mặt đi kèm với đau đầu dữ dội; Yếu cơ, nặng có thể hôn mê.
"Với người bệnh mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa như Gout, đái tháo đường, suy thượng thận cần thăm khám định kỳ và điều trị tại các sở sở y tế chuyên khoa. Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn các bệnh về rối loạn chuyển hóa, do đó nếu người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp người bệnh cải thiện bệnh", bác sĩ Quân khuyến cáo.