Vụ mùa năm 2023, gia đình chị Nguyễn Thị Nụ- Chi hội trưởng nông dân thôn Cao Kiên, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tham gia dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường. Tham gia dự án này, chị Nụ dần từ bỏ phương pháp canh tác truyền thống, tích cực áp dụng kiến thức đã được tập huấn để cấy lúa theo phương pháp mới.
"Áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp gia đình tôi giảm khá nhiều tiền công và chi phí thuốc bảo vệ thực vật so với phương pháp canh tác truyền thống. Nhờ vậy, sâu bệnh giảm rõ rệt, cây lúa khỏe hơn, hạn chế được tình trạng lúa đổ ngã, chất lượng gạo được đánh giá rất tốt, hạt chắc, mẩy và có mùi thơm"- chị Nụ nói.
Tiếp đà thắng lợi, vụ lúa xuân 2024 và vụ lúa mùa 2024, chị Nụ tiếp tục canh tác lúa thân thiện với môi trường để giảm chi phí sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường.
Thấy rõ lợi ích của mô hình, không chỉ chị Nụ mà nhiều nông dân xã Tân Trung đã thay đổi tư duy, nhận thức và tích cực tham gia canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trung cho biết: Xã Tân Trung là 1 trong 18 xã của tỉnh Bắc Giang được lựa chọn tham gia dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 3".
Bắt tay vào thực hiện, Hội Nông dân xã xây dựng 2 mô hình của 2 hộ tham gia với diện tích 4 sào áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường trong vụ mùa năm 2023. Đến vụ mùa 2024 đã xã Tân Trung có 87 hộ tham gia sản xuất lúa J02 theo 3 phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường với diện tích 13,5 ha; trên 200 hộ đăng ký thực hiện 1 trong 3 phương pháp canh tác.
Được biết, bản thân chị Nguyễn Thị Thu Huyền – Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Trung là kỹ sư nông nghiệp, đã có trên 13 năm công tác trong lĩnh vực khuyến nông. Với những kiến thức chuyên môn đã học và được tích lũy trong quá trình công tác, chị Huyền đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân từ tin tưởng đến làm theo các phương pháp canh tác lúa thân thiện.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trung cho biết: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các hộ dân tích cực tham gia. Trong quá trình triển khai dự án từ vụ mùa năm 2023, Hội Nông dân xã thành lập 4 tổ nhóm nông dân nòng cốt, mỗi tổ gồm 50 thành viên.
Đến thời điểm tháng 5/2024 các tổ đã sinh hoạt được 36 buổi. Tại mỗi buổi sinh hoạt các thành viên trong tổ đã được hội nông dân xã triển khai về 3 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường, các lợi ích khi tham gia dự án; được tham quan trực tiếp mô hình, đánh giá những ưu điểm của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, đồng thời giải đáp các thắc mắc của hội viên về dự án.
Cùng với đó, Hội Nông dân xã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ KHKT trong từng giai đoạn thực hiện mô hình. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên quan tâm, trao đổi thống nhất nội dung hướng dẫn hộ từ việc xử lý gốc rạ, gieo cấy, bón phân, rút nước đến công tác phòng trừ sâu bệnh hại.
Thông qua tập huấn giúp bà con thực hiện dự án tiếp cận phương pháp canh tác lúa hiệu quả và bắt tay vào canh tác lúa thân thiện với môi trường. Qua đánh giá, khi áp dụng kỹ thuật canh tác mới, lúa có bộ rễ phát triển mạnh, cây khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Năng suất cao hơn nhiều so với cùng diện tích canh tác truyền thống. Về hiệu quả kinh tế tăng năng suất, sản lượng lúa, tăng thu nhập từ 3-4 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng nên nông dân rất phấn khởi.
"Đến nay nhận thức của nông dân thay đổi rõ rệt. Trên cánh đồng sau thu hoạch không còn tình trạng đốt rơm rạ nữa. Ngoài việc thu gom rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò, các hộ còn tận dụng rơm rạ tại ruộng để làm phân bón, hoặc ủ gốc cây. Đặc biệt, tình trạng bón phân hóa học giảm rất nhiều so với trước. Trước kia chưa áp dụng nông dân thường bón đạm nhiều (từ 4-5kg/sào) và bón lai rai trong nhiều giai đoạn phát triển của cây lúa. Tham gia mô hình, các hộ đã giảm lượng bón ít hơn (từ 1,5-2 kg/sào), lựa chọn phân bón NPK thay cho đạm đơn, bón đủ lượng theo giai đoạn phát triển và nhu cầu của cây lúa"- chị Huyền cho biết.
Bên cạnh đó, việc tưới dưỡng nước cho cây lúa cũng được thay đổi nhận thức. Thay vì việc duy trì thường xuyên nước trên ruộng, các hộ đã thực hiện tưới ướt khô xen kẽ, chủ động rút nước vào các giai đoạn theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.
Từ những kết quả tích cực đạt được, Hội Nông dân xã Tân Trung đề nghị Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Hội Nông dân huyện Tân Yên tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, chế phẩm xử lý rơm rạ để thúc đẩy nhân rộng các mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn xã Tân Trung. Đồng thời, cử cán bộ, chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ nông dân từng bước làm thay đổi hành vi trong nhận thức từ đó thay đổi phương pháp canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Hội Nông dân xã Tân Trung cũng đề nghị Đảng ủy, UBND xã Tân Trung quan tâm hơn nữa đến công tác lãnh, chỉ đạo, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật cho nông dân; phân công lãnh đạo UBND chỉ đạo các cán bộ, công chức chuyên môn phối hợp cùng Hội Nông dân tuyên truyền vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường.
"Để duy trì và phát huy những hiệu quả của mô hình, Hội Nông dân xã Tân Trung đã đăng ký với Hội Nông dân huyện Tân Yên nhân rộng mô hình giai đoạn 2025- 2030 và những năm tiếp theo" chị Nguyễn Thị Thu Huyền – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trung cho biết.