Cụ thể, chị Trần Thị Lanh – Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh ở xã Bình Minh, Kiến Xương, Thái Bình đang làm dịch vụ nông nghiệp và canh tác 100ha đất lúa của gia đình. Chị Lanh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để trang bị máy móc phục vụ cho sản xuất như: 3 máy làm đất, 1 máy gặt, 4 máy cấy, 2 máy bón phân, 1 lò sấy với công suất 40 tấn/ngày, 1 máy bay phun thuốc.
Gửi tâm tư, kiến nghị đến Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói, chị Lanh cho biết: "Hiện nay, người nông dân cho thuê ruộng vẫn có tâm lý sợ mất ruộng do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc thuê đất của người dân để sản xuất quy mô lớn của những nông dân có mong muốn làm đại điền như chúng tôi gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một trong những trở ngại của đại điền hiện nay là vấn đề mặt bằng, bãi để khay mạ, kho chứa, nhà xưởng. Diện tích canh tác lớn nhưng nông dân lại chưa có đủ điều kiện để thuê đất làm nhà kho, nhà chứa thóc gạo, máy móc, nhà xưởng sấy thóc...
Trong khi đó, xu thế hiện nay của nhiều đại điền Thái Bình là vừa canh tác lớn vừa mở rộng làm dịch vụ nông nghiệp cho các hộ, hợp tác xã khác. Do vậy, tôi kiến nghị Bộ Bộ Tài nguyên Môi trường hỗ trợ đại điền có mặt bằng hợp pháp để phát triển hệ thống kho, nhà xưởng phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn".
Còn anh Nguyễn Quốc Huy – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc nêu ý kiến: "Hiện nay, ở địa phương chị sinh sống có một số trường hợp đã làm thủ tục dồn điền đổi thửa theo thông tư 2011 ngày 13/4/2011 về hướng dẫn cũng như thủ tục cấp chứng nhận đất trang trại.
Tuy nhiên, đến năm 2020, thông tư này không còn hiệu lực, được thay bằng Thông tư 2020 ngày 28/2/2020, trong đó có hướng dẫn thay đổi một số tiêu chí về số lượng đất tối thiểu từ 2,1ha xuống còn 1ha nhưng cho đến nay vẫn chưa có các hướng dẫn cấp chứng nhận cụ thể để triển khai.
Điều này làm cho các chủ trang trại xin cấp mới không thực hiện được cũng như các trang trại cũ không có giấy chứng nhận do giấy cũ không còn hiệu lực. Do vậy, tôi rất mong ngành chức năng có biện pháp tháo gỡ để các trang trại phát triển".
Cũng theo anh Huy, hiện nay HTX Nấm Tam Đảo đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm tại một số tỉnh vùng núi như Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng.
"Dâu là cây lấy lá nhưng luôn được duy trì tối thiểu 5 lá ở thời điểm cuối vụ, do vậy trên bề mặt luôn giữ được mặt bằng phủ xanh. Đồng thời trong toàn bộ quá trình trồng dâu nuôi tằm rất hạn chế sử dụng phân bón hoá học có chứa đạm vô cơ. Vậy tôi xin hỏi với các diện tích trồng dâu theo vùng lớn có thể được đo đếm và cấp chứng nhận tín chỉ carbon không?".
Còn chị Đỗ Thị Thúy Hà - Giám đốc HTX Đầu tư Phát triển Sông Giá ở xã Kênh Giang (huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng) nêu ý kiến: Hiện nay, có một thực tế, các HTX có nhu cầu thuê đất tại các địa phương để tổ chức sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn vướng cơ chế đất đai nên không thuê được đất tại các vùng nguyên liệu để xây dựng cơ sở chế biến nhằm hạn chế chi phí.
Bên cạnh đó, HTX không thể đủ kinh phí để thuê đất đầu tư xây dựng cơ sở chế biến trong các khu quy hoạch tập trung và khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đây là một trở ngại rất lớn ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các HTX.
Tôi rất mong các ngành chức năng có cơ chế đặc thù cho HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp thuê đất để xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm sau thu hoạch, nhằm tăng giá trị và nâng cao thu nhập cho người dân.