ĐT Indonesia là đại diện duy nhất đến từ khu vực Đông Nam Á góp mặt ở Vòng loại 3 World Cup 2026 khu vực châu Á. Tại đây, đại diện xứ vạn đảo nằm ở bảng C cùng với các đối thủ là Nhật Bản, Ả Rập Saudi, Australia, Bahrain và Trung Quốc.
Sau 5 lượt trận đầu tiên, đoàn quân của HLV Shin Tae-yong chỉ có được 3 trận hòa, 2 thất bại và đối thủ của họ ở lượt trận thứ 6 là Ả Rập Saudi. Trên sân nhà Gelora Bung Karno, trước Ả Rập Saudi xếp trên 71 bậc FIFA, Indonesia (hạng 130 thế giới) đã đánh bại đối thủ đến từ Tây Á (hạng 59 thế giới) với tỷ số 2-0.
Nhiều người coi đây là kết quả bất ngờ, gây sốc, đặc biệt là sau khi Indonesia để thua Nhật Bản tới 0-4. Nhưng thực tế, nếu so sánh việc các học trò của ông Shin Tae-yong đã đá hòa với Australia, Bahrain hay chính Ả Rập Saudi trong trận lượt đi thì việc trên sân nhà, họ thắng 2-0 trước một đội bóng đang thi đấu thiếu ổn định cũng không có gì quá bất ngờ.
Rõ ràng, xét về mặt chất lượng cầu thủ, ĐT Indonesia với chủ yếu là các cầu thủ nhập tịch không thua kém nhiều so với đối thủ Ả Rập Saudi. Trong trận đấu này, giống như mọi khi, HLV Shin Tae-yong vẫn tung vào sân 9 cầu thủ nhập tịch cùng 2 cầu thủ nội là tiền vệ Ferdinan và trung vệ Ridho. Ngoại trừ ĐT Nhật Bản vượt trội cả về chất lượng cầu thủ lẫn lối đá, khả năng phối hợp đồng đội kiểm soát trận đấu, các đội bóng còn lại trong bảng đấu như Trung Quốc, Bahrain hay Australia đều có thể thất bại trước Indonesia giống như Ả rập Xê út nếu kém may mắn.
Các con số thống kê cơ bản của 2 đội trong trận đấu: Tổng số pha dứt điểm (13-23), Phạt góc (4-12), Phạm lỗi (15-4), Số đường chuyền (173-557), Đá phạt (4-15), chúng ta có thể hình dung ra thế trận. Indonesia tỏ ra hiệu quả hơn trong thế trận phòng ngự phản công, họ sút bóng ít hơn nhưng lại có 2 bàn thắng trong số 6 cú dứt điểm trúng đích. Trong khi đó, Ả Rập Saudi cầm bóng, chuyền ban nhiều hơn, sút bóng nhiều hơn nhưng chỉ có 3 quả trúng cầu môn đối phương.
Nếu đánh giá hiệu quả của chiến lược nhập tịch thần tốc của bóng đá Indonesia trong thời gian qua, thì xét về mặt chất lượng đội tuyển quốc gia, thể hiện ở kết quả thi đấu của đội tuyển, rõ ràng họ đã thành công. Họ đã có thể đá ngang ngửa với các đội bóng mạnh ở châu lục, điều mà trước đó họ không thể làm được. Mặt khác, nếu so với các quốc gia Đông Nam Á khác đã từng áp dụng chiến lược nhập tịch kiểu như Singapore trước đây, thì với cách triển khai nhập tịch triệt để, Indonesia đã thành công hơn rất nhiều.
Nói vậy phải chăng ĐT Indonesia đã lọt vào top đầu những đội mạnh ở châu Á?
Thực tế, Indonesia có thể gây khó khăn, đá ngang ngửa với nhiều đội bóng hàng đầu ở châu Á, nhưng kể cả khi họ lọt vào được vòng chung kết World Cup 2026, để được coi là đội bóng hàng đầu châu Á thì ĐT Indonesia vẫn còn khoảng cách khá xa. Ví dụ gần nhất là trận họ để thua 0-4 trước ĐT Nhật Bản. Trong trận đấu đó, Indonesia đã thua một cách toàn diện chứ không chỉ thua về mặt tỷ số. Nhưng nếu so sánh ở khu vực Đông Nam Á, đoàn quân lê dương của ông Shin Tea-yong có thể đánh bại mọi đội bóng, kể cả Thái Lan hay Việt Nam.
Bình thường, chất lượng, kết quả thi đấu của ĐT quốc gia luôn tỷ lệ thuận với mặt bằng trình độ bóng đá của quốc gia đó, nhưng với Indonesia lại chưa như vậy. Chúng ta chưa thấy bằng chứng nào nói lên trình độ mặt bằng của nền bóng đá này tiến bộ cả, thể hiện ở thành tích thi đấu của các lứa trẻ ở các giải đấu châu lục của quốc gia này.
Nếu so sánh, thành tích của các lứa trẻ, là kết quả của chiến lược phát triển bóng đá, là kết quả của quá trình tuyển trọn, đào tạo bài bản, khoa học của 1 nền bóng đá mới thực sự là "thực phẩm" giúp nền bóng đá quốc gia đó phát triển. Còn một chiến thắng của ĐTQG với dàn cầu thủ là kết quả đào tạo quốc tế thì cũng chỉ như "cốc bia" thôi, nó có thể làm mấy chục ngàn cổ động viên trên SVĐ Gelora Bung Karno phấn khích, nhưng khi hết men say, nó không đóng góp gì nhiều cho sự phát triển của mặt bằng trình độ bóng đá quốc gia cả.