Lê Ngân (?-1437) là danh tướng của nhà Hậu Lê. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ rất sớm, lập được nhiều chiến công trên chiến trường nhưng cuối cùng phải chết bởi mê tín dị đoan. Sách "Đại Việt thông sử" chép rằng có người tố giác nhà Lê Ngân thường cầu khấn để cầu cho con gái được vua yêu hơn. Việc bị lộ, Lê Ngân bị ép phải uống thuốc độc tự tử.
Từng theo Lê Lợi ngay từ những ngày đầu của khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Ngân lập nhiều chiến công. Tên tuổi của ông gắn liền chiến thắng Bồ Đằng, Khả Lưu, Nghệ An, Thuận Hóa, Tây Việt, Đông Đô.
Có nhiều công lao trong cuộc khởi nghĩa, năm 1429, khi Lê Lợi định công ban thưởng và khắc biển ghi tên các bậc khai quốc công thần, Lê Ngân được xếp hàng thứ tư, tước Á thượng hầu (tước này chỉ ban cho Lê Ngân). Năm 1437, khi Lê Sát bị bãi chức, ông được phong tể tướng, rồi nhập nội Đại đô đốc, Phiêu kỵ thượng tướng quân, Đặc tiến Khai phủ Nghi Đồng Tam Ty, Thượng trụ quốc, tước Thượng hầu.
Con gái Lê Ngân là Lê Nhật Lệ lấy vua Lê Thái Tông, được sắc phong Huệ phi. Xét về thứ bậc gia đình, ông là bố vợ của vua. Tuy nhiên, đang ở đỉnh cao quyền lực, ông gặp họa lớn do chính mình gây nên.
Theo "Đại Việt thông sử", Lê Ngân là người thuộc xã Đàm Di, huyện Lam Sơn, Thanh Hóa. Nhờ có nhiều công lao trong cuộc khởi nghĩa, năm 1429, ông được Lê Lợi ban thưởng và khắc biển ghi tên trong các bậc khai quốc công thần.
Trong chiến dịch tấn công thành Nghệ An cuối năm 1426, đầu 1427, Lê Ngân lập công lớn. Ông chỉ huy quân Lam Sơn đánh chiếm thành Nghệ An, bắt viên chỉ huy Thái Phúc, rồi kéo quân ra vây thành Đông Quan.
Phải tới 16 năm sau khi Lê Ngân qua đời, nhân kỳ đại xá, vua Lê Nhân Tông mới đại xá, cấp trả cho con ông 100 mẫu ruộng. Đến năm 1484, vua Lê Thánh Tông truy tặng ông là Thái phó hoằng quốc công.
Tên của ông được đặt làm tên đường ở thành phố Đà Nẵng và TP.HCM. Đó là đường Lê Ngân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng và đường Lê Ngân, quận Tân Bình, TP.HCM.