Dân Việt

Video: Nông dân các huyện nông thôn mới TP.HCM sôi nổi làm OCOP

Hồng Phúc - Thúy Liên 21/11/2024 08:16 GMT+7
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) đang được nông dân các huyện ngoại thành TP.HCM tích cực triển khai. Đây là 1 trong 6 chương trình chuyên đề trọng tâm phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu của Chương trình OCOP là nhằm tìm kiếm và phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho nông dân và đóng góp vào sự phát triển bền vững khu vực nông thôn TP.HCM.

Tại huyện Củ Chi, bột rau sấy lạnh mang thương hiệu Quảng Thanh của Công ty Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt nổi tiếng gần đây trên cả nước.

Từ vùng trồng rau Củ Chi, các sản phẩm như bột rau má, bột rau diếp cá, bột rau tía tô,... đã đến tay khách hàng qua các kênh siêu thị, xuất khẩu thành công sang châu Âu và nhiều nước trên thế giới.

Nông dân các huyện nông thôn mới TP.HCM sôi nổi làm OCOP. Thực hiện: Hồng Phúc - Thúy Liên

Không khí sản xuất OCOP tại huyện Bình Chánh cũng rất sôi động. Tiên phong trong lĩnh vực nuôi dê lấy sữa của TP.HCM, anh Lê Minh Hải - Giám đốc HTX chăn nuôi dê Đa Phước, xã Đa Phước đã thành công đưa sản phẩm tiêu thụ ở một loạt chuỗi cửa hàng tiện lợi. Nhiều sản phẩm của HTX được công nhận OCOP 3 sao nên sức mua càng tốt.

Tại huyện Cần Giờ, từ một số sản phẩm yến sào cơ bản ban đầu được công nhận OCOP, thấy giá trị kinh tế mang lại cao, cơ sở yến sào Khánh Đan đã tiếp tục đăng ký OCOP cho nhiều sản phẩm khác. Việc này vừa tăng giá trị của yến sào Cần Giờ vừa giúp nông dân địa phương có thêm việc làm, gia tăng thu nhập.

Triển khai từ năm 2019, tình đến tháng 11/2024, TP.HCM có hơn 250 sản phẩm OCOP của 67 chủ thể, trong đó có 79 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 112 sản phẩm OCOP 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP của TP.HCM như yến sào, mật dừa nước Cần Giờ, bột rau má Củ Chi, rau an toàn... đã và đang khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, thời gian tới, Sở và các ban ngành sẽ tiếp tục tập trung nhiều giải pháp về vốn, khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là xúc tiến thương mại để mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP, giúp nông dân tăng thu nhập, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM.