Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ đồng tình với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương như tờ trình của Chính phủ.
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo các điều kiện là trung tâm, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng an ninh, văn hóa lịch sử. Hiện tại cả tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích đều đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, ông Tiến bày tỏ băn khoăn về tên gọi bởi hiện tại, tỉnh Thừa Thiên Huế có thành phố Huế, nếu lấy tên là thành phố Huế trực thuộc Trung ương thì rất dễ nhầm với thành phố Huế hiện tại.
Mặc dù trong hồ sơ có đề cập tới việc lấy ý kiến của nhân dân, nhưng việc lấy ý kiến với nội dung thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương chưa thấy đề cập đến tên của thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Để đảm bảo tính đồng thuận cao, tránh nhầm lẫn với tên gọi, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị thành phố Huế trực thuộc Trung ương phải bao quát hết phạm vi của tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó, đại biểu đề xuất tên gọi là thành phố Thừa Thiên Huế.
Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị cân nhắc về việc lấy ý kiến của nhân dân đối với tên gọi.
Còn đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) nhất trí tên gọi thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã được Chính phủ lý giải cụ thể các lý do lựa chọn tên gọi gắn với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và được đông đảo cử tri và nhân dân đồng thuận.
Đại biểu Thanh đề nghị cần bổ sung làm rõ trong Đề án về giải pháp, phương hướng, kế hoạch để giải quyết một số vấn đề sau khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, bảo đảm sớm thực hiện các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh; làm rõ hơn những quan điểm, mục tiêu, các đột phá trong xây dựng chiến lược phát triển KH&CN, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thừa Thiên Huế phù hợp với bối cảnh chung của cả nước và thế giới...
Đại biểu cũng cho rằng, việc phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương sẽ cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách địa phương chưa cao, phần nào tạo áp lực đối với thành phố trong giai đoạn đầu.
Do vậy, bà Thanh đề nghị trong Đề án xác định rõ hơn các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế và chính sách để phát huy cao nhất tiềm năng và nguồn lực của thành phố và của Trung ương cho đầu tư phát triển.
Huế sẽ là thành phố di sản văn hóa của thế giới
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là sự kiện có tính lịch sử để xem xét và quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Bà Trà nhấn mạnh, đây là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam và sẽ là thành phố di sản văn hóa của thế giới.
"Các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, thống nhất rất cao với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Trong các ý kiến phát biểu, chúng tôi cảm nhận thấy có những cảm xúc vui, phấn khởi, tự hào về đất nước chúng ta, về tương lai phát triển của một thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi xây dựng đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương phải thực hiện mục tiêu tích hợp, đồng bộ với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, có việc sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp huyện và 21 đơn vị hành chính cấp xã.
Thành phố Huế sẽ được tách thành 2 quận mới là Phú Xuân và Thuận Hoá. Huyện Phong Điền trở thành thị xã Phong Điền. Huyện Nam Đông sẽ được sáp nhập vào huyện Phú Lộc. Thành lập 11 phường, 1 thị trấn và 1 xã trên cơ sở sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp xã (2 phường, 1 thị trấn, 18 xã).
Theo Bộ trưởng, sau sắp xếp, thành lập, thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 4.947,11km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện (không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện nhưng có giảm 1 thành phố, 2 huyện và tăng 2 quận, 1 thị xã).
Có 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 78 xã, 48 phường, 7 thị trấn (giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó giảm 17 xã và tăng 9 phường).
Bộ trưởng nhấn mạnh, không chỉ tập trung thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương mà còn phải gắn kết sự đồng bộ, thống nhất trong yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung của cả nước hiện nay.
Bộ trưởng cũng tán thành cao các ý kiến góp ý về việc phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Huế phát triển nhanh, bền vững.
Đặc biệt, tại kỳ họp này Chính phủ cũng trình Quốc hội 2 báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trước mắt, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghị quyết này và Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sau khi sơ kết 5 năm, Bộ Chính trị sẽ có kết luận mới và các cơ quan liên quan tham mưu để Quốc hội ban hành nghị quyết mới với những cơ chế, chính sách vượt trội hơn, mạnh hơn và toàn diện hơn để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa.