Dân Việt

Đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị để xây dựng nông thôn mới TP.HCM

Hồng Phúc 21/11/2024 14:25 GMT+7
Sở NNPTNT TP.HCM đang đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (hay còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay) để nông dân tăng đầu tư làm nông nghiệp đô thị, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay làm nông nghiệp đô thị

Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị hay còn gọi là chính sách hỗ trợ một phần lãi vay để làm nông nghiệp đô thị được nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp tại Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ ủng hộ. 

Tuy nhiên, chính sách này hiện nay đã hết hiệu lực thi hành.

Đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị để xây dựng nông thôn mới TP.HCM - Ảnh 1.

Nông dân trồng mai vàng tại làng mai Bình Lợi, huyện Bình Chánh mong muốn TP.HCM tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ một phần lãi vay để làm nông nghiệp đô thị. Ảnh: Hồng Phúc

Trao đổi với Dân Việt, bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị là cơ chế đặc thù của TP.HCM.

Cụ thể, chính sách được thực hiện từ năm 2011 theo các QĐ như Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND của UBND TP; Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND của UBND TP; Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND của UBND TP; Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND của HĐND TP và được kéo dài thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2021 bởi Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND của HĐND TP.

Trong quá trình triển khai, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị cho thấy sự hiệu quả đối với ngành nông nghiệp TP.HCM, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân địa phương, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM.

Tuy nhiên, hiện nay chính sách này đã hết hiệu lực thi hành. Bà Mai cho biết hiện nay Sở NNPTNT đã phối hợp với các sở ngành có liên quan trình UBND TP, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, đưa nội dung này vào Nghị quyết số 98/2023/QH15, theo hướng giao cho HĐND TP là cơ quan được phép ban hành và triển khai chính sách này, nhằm tiếp tục hỗ trợ một phần lãi vay cho nông dân phát triển nông nghiệp đô thị.

Chính sách hỗ trợ lãi vay làm nông nghiệp đô thị hiệu quả ra sao?

Theo đánh giá của Sở NNPTNT TP.HCM, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị hay còn gọi là chính sách hỗ trợ một phần lãi vay để làm nông nghiệp đô thị đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư trong nông nghiệp, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.

Lũy tiến thực hiện chính sách từ năm 2011 đến cuối năm 2021, TP đã phê duyệt 8.534 quyết định, với tổng vốn đầu tư hơn 13.913 tỷ đồng, tổng vốn vay hơn 8.446 tỷ đồng.

Đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị để xây dựng nông thôn mới TP.HCM - Ảnh 2.

Nhiều nông dân tại các huyện nông thôn mới TP.HCM làm nông nghiệp đô thị, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Thúy Liên

Theo ghi nhận, quy mô vốn đầu tư, vốn vay hộ, doanh nghiệp qua các năm đều tăng dần. Đặc biệt giai đoạn 2018-2021, bình quân vốn đầu tư 1,38 tỷ đồng//hộ/phương án, cao hơn 2,44 lần bình quân giai đoạn 2011-2019 và bình quân vốn vay có hỗ trợ lãi vay 815 triệu đồng/hộ lượt vay vốn, cao hơn 2,38 lần so với bình quân giai đoạn 2011-2019.

Tổng ngân sách TP đã hỗ trợ lãi suất cho các chủ đầu tư hơn 673 tỷ đồng. Từ số liệu tổng vốn đầu tư, vốn vay và kinh phí hỗ trợ lãi vay cho thấy với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay sẽ huy động được 21 đồng vốn xã hội.

Chưa dừng lại, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cũng tăng đều qua các năm. Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác năm 2010 chỉ đạt 158,5 triệu đồng/ha, đến năm 2015 tăng lên lên 375 triệu đồng/ha, tăng tiếp lên 450 triệu đồng/ha vào năm 2017. Năm 2018 đạt 502 triệu đồng/ha và năm 2023 đạt 579 triệu đồng/ha.

Kết quả này cho thấy chính sách đã tác động tích cực đến ngành nông nghiệp TP.HCM, đi theo định hướng tái cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Vì vậy, theo nông dân và cơ quan quản lý nhà nước, việc tiếp tục triển khai chính sách là hợp lý và cần thiết.