Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, ông Dương Đình Đức kiến nghị tới Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường về cơ chế, chính sách đặc thù dành đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Dương Đình Đức cho biết: Lai Châu là địa bàn biên giới, khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Lai Châu là địa phương có diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ rất lớn, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều hòa nguồn nước, giảm thiểu các tác động bất lợi do biến đổi khí hậu và thiên tai do nước gây ra.
Năm 2024, riêng ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi tại tỉnh Lai Châu đã khiến 1 người chết, 80 nhà dân bị ảnh hưởng, 29 nhà dân phải sơ tán khẩn cấp; tổng thiệt hại về công trình hạ tầng, giao thông khoảng 6,3 tỷ đồng. Trong khi đó, các tỉnh khác như: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên… là những địa phương phải gánh chịu thiệt hại nặng nề hơn về người và tài sản do lũ quét, lũ ống gây ra.
Tôi thiết nghĩa, việc duy trì, bảo vệ, phát triển và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ không chỉ đảm bảo an ninh nguồn nước, mà còn ngăn cản không cho dòng chảy quá nhanh, khiến lũ xuất hiện chậm hơn, từ đó giảm mức độ đột ngột, ác liệt của trận lũ.
Những năm qua, việc bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Lai Châu đã được các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc và đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, để người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi tham gia trồng rừng, ngoài chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ có thêm những chính sách ưu đãi hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số trồng mới rừng.
Khi chinh sách này ra đời, sẽ là nguồn lực hỗ trợ cho bà con tham gia bảo vệ và phát triển rừng, giúp bà con ổn định cuộc sống, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng. Đây là sẽ là cánh tay nối dài của chính quyền trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
Chia sẻ liên quan tới công tác sản xuất xanh gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, ông Dương Đình Đức, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu bày tỏ: Sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... là xu hướng tất yếu hướng trong thời gian tới. Những năm qua, các cấp Hội đã vận động hỗ trợ thành lập được nhiều tổ hợp tác sản xuất trong nông nghiệp, trong đó nhiều tổ hợp tác tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ. Đây là mục tiêu của hội viên nông dân tỉnh Lai Châu trong việc tạo ra các sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng; không chỉ tạo ra sản phẩm xanh, việc này còn còn là nghĩa vụ môi trường của mỗi đơn vị tham gia sản xuất, đây cũng là cơ hội giúp các đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu trên thị trường.
Tuy nhiên, các mô hình sản xuất xanh tại tỉnh Lai Châu còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, để thành lập các tổ hợp tác sản xuất như vậy, hội viên nông dân phải tự xoay sở nguồn vốn, đất đai, nhân lực và đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô. Rất mong Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có những kiến nghị với Thủ tướng chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ nguồn vốn để hội viên nông dân và bà con triển khai mô hình này. Rất cần có chính sách hỗ trợ cụ thể về: Giống, phân bón, kỹ thuật… dựa trên diện tích vùng trồng; đồng thời có chủ trương, định hướng, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị sản xuất được liên kết, tiếp cận thị trường.
Gửi những trăn trở, mong muốn đến Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói, ông Lều Văn Thanh, Trưởng bản Can Tỷ 2, xã Ma Quai, Sìn Hồ, Lai Châu kiến nghị sớm có chính sách hỗ trợ bà con tại các bản vùng sâu, vùng xa trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn.
Ông Thanh cho biết, bản Can Tỷ 2, xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ, Lai Châu là bản vùng cao còn nhiều khó khăn, bản có 66 hộ là đồng bào dân tộc Mông. Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, bản đã và đang được các cấp Hội Nông dân tỉnh và chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn vốn (chủ yếu là công tác xã hội hóa) xây dựng thành bản du lịch cộng đồng. Để đạt mục tiêu đó, người dân trong bản đang nỗ lực chỉnh trang thôn bản, trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan môi trường… trong đó vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng bản đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, đa số các hộ trong bản thu nhập thấp, trong 66 hộ có 48 hộ thuộc diện hộ nghèo.
Được biết, hiện tỉnh Lai Châu chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, rác thải tập trung trong khi việc sử dụng túi ni lông, bao bì trong sản xuất nông nghiệp còn phổ phiến. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có trạm quan trắc, giám sát môi trường tự động nên thiếu chuỗi số liệu liên tục về chất lượng môi trường nền; công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường gặp nhiều khó khăn do thiếu máy móc, thiết bị.
Kiến nghị thêm về nội dung này, ông Dương Đình Đức mong muốn, Chính phủ có cơ chế chinh sách nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hay việc sử dụng bao bì có sử dụng túi ni lông trong sản xuất nông nghiệp; cần có chế tài nghiêm khắc xử lý các đơn vị lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất và sớm đầu tư xây dựng nhà máy xử lý, tái chế rác thải tại tỉnh Lai Châu.