Wxrdie tên thật là Phạm Nam Hải, sinh năm 2000, gốc Hà Nội là một rapper trẻ nhiều triển vọng. Trước đây, nam rapper từng là học trò của MC ILL và từng là thành viên của RVP.
Dù từng tham gia King Of Rap 2020 nhưng một thời gian dài, Wxrdie được nhắc đến với tư cách là "bạn trai tlinh" - một trong những thí sinh nổi bật của Rap Việt mùa đầu tiên.
Rapper Wxrdie vừa biểu diễn, vừa viết lời và sáng tác nhạc. Các tác phẩm tiêu biểu của anh như: Let's have a date, Trí trá, LAVIAI, Trapstar... Đặc biệt, sự ra mắt của bản "hit" Harder vào năm 2020 đã giúp nâng tầm tên tuổi của Wxrdie khi thu về hơn 500 nghìn lượt xem chỉ sau 2 tuần phát hành.
Mới đây, rapper Wxrdie đã ra mắt album đầu tay mang tên The Wxrdie với 24 tracks, tương ứng với số tuổi của chủ nhân. Album có thời lượng gần 1 tiếng rưỡi, dài gấp đôi thời lượng trung bình của một rapper. Tuy nhiên, bài rap Mời em trong album này đã gây nhiều tranh cãi khi chứa nhiều lời lẽ nhạy cảm, thô tục, trần trụi… Thậm chí, bài rap này còn chứa nhiều từ khiến người nghe có thể liên tưởng đến chuyện quan hệ tình dục.
Cụ thể, bài rap có những ca từ hoặc cụm từ mang tính phản cảm như: "Mấy bé đáng tuổi cháu nhưng vẫn thích gọi anh là anh, bạn trai em muốn anh ăn đấm, sau cái lần sau cái lần nó ra sức ngăn cấm", "Anh đã bảo bên anh là phòng thu… mà thế nào nhu cầu của em là sang tắm", "Cả 3 chân anh khéo léo, chuyên xỏ hàng với chọc khe, không bao giờ phải tiểu xảo tranh chấp, em muốn thu nhạc trap mà điệp khúc chỉ có mỗi quất đi quất đi quất, mà thu mãi không xong, mà cứ bảo anh ơi anh xuất đi xuất đi xuất", "Đừng lo bị bắt quả tang, chỗ anh bảo mật nên rất là an, bảo anh tý đừng xuất cả ram vì vocal vocal em rất là ngang"…
Ngay dưới bài hát này trên nền tảng nghe nhạc trực tuyến YouTube, nhiều người đã để lại bình luận bày tỏ suy nghĩ của mình về lời bài hát: "Tôi xếp bài này hạng bét trong album mà thấy nhiều bạn khen. Tôi cũng hơi nghi ngờ nhân sinh", "Nhạc chill mà lyric (lời) chơi ác vậy", "Bài này nghe hề thật chứ", "Bài này nghe cứ hài hài"… Trên Facebook cũng có nhiều bình luận chỉ trích phần lời của ca khúc này: "Lời lẽ mất thẩm mỹ", "Anh viết gì nghịch quá vậy", "Bậy bạ lắm", "Viết gì thế"…
Trao đổi với Dân Việt rằng, đại diện của Wxrdie nói rằng, họ sẽ cân nhắc hoặc xem xét trả lời báo chí khi biết trước câu hỏi phỏng vấn và câu hỏi phải được gửi qua mail. Tuy nhiên, người này cũng cho biết, âm nhạc của Wxrdie luôn có những liên tưởng đến cuộc sống vui vẻ của bạn ấy như là thể thao, bóng đá, đạp xe… Wxrdie không sử dụng ngôn từ tục tĩu hay quá phô trương ra những thứ không hay ho.
"Tất cả các bài rap của chúng tôi không công khai ra hoặc nói trắng phớ ra mọi vấn đề nên có những người đùa cợt hoặc liên tưởng đến chuyện nọ, chuyện kia thì chúng tôi không chịu trách nhiệm được hoàn toàn", đại diện của Wxrdie nói.
Người này cũng cho rằng, tất cả các sản phẩm của Wxrdie khi phát hành đều được kiểm duyệt qua. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi, ai kiểm duyệt thì người này nói họ "tự gắn mác E" khi phát hành trên các nền tảng trực tuyến.
"Khi phát hành, chúng tôi có gắn mác E (E là viết tắt của Explicit Tag - thẻ nội dung nhạy cảm. Đây là cảnh báo để những người dùng có thể cân nhắc kĩ khi bấm vào nghe) để cảnh báo sản phẩm này không dành cho trẻ em", người này nói thêm.
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng, âm nhạc dù là rap pop, rock hay dance thì đều phải có sự đẹp đẽ về ca từ và giai điệu. Một tác phẩm âm nhạc không chỉ đơn thuần mang tính giải trí, mua vui… mà còn có tính truyền thông rất lớn. Nếu tác phẩm đó mang giá trị thẩm mỹ cao, hướng con người đến những điều đẹp đẽ, lành mạnh… thì người nghe cũng được bồi đắp về trí tuệ, tâm hồn. Nếu tác phẩm đó chứa đựng nhiều yếu tố phản cảm, dung tục… thì cũng tác động rất lớn đến người nghe, nhất là giới trẻ.
"Tôi cho rằng, rap hiện đang là một thể loại âm nhạc thịnh hành và dễ tiếp cận giới trẻ nhất. Vì thế, ca từ và giai điệu của thể loại âm nhạc này đòi hỏi phải có sự trau chuốt, có tính thẩm mỹ cao để góp phần xây dựng một lối sống đẹp, bồi đắp một tâm hồn đẹp, thị hiếu nghe nhạc lành mạnh. Thế mạnh của rap là khai thác nhiều câu chuyện chân thực từ cuộc sống. Nhưng không vì thế mà người sáng tạo có quyền trần trụi hóa, thô tục hóa lên.
Một khi đã gọi là tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa thì phải mang những giá trị của nghệ thuật và góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp lên. Thời gian qua, chúng ta chứng kiến một số bài rap gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng vì chứa nhiều ngôn từ tục tĩu và phản cảm. Những người sau nên lấy đó làm bài học để trau chuốt tác phẩm của mình", nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang chia sẻ thêm với Dân Việt.