Ngày 21/11, Sở VH&TT tỉnh Bình Định tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định.
Hai tượng sư tử thành Đồ Bàn được làm từ đá silics hạt mịn, màu nâu xám nhạt.
Tượng sư tử 1 cao 107cm, dài 112cm và rộng 58cm. Tượng sư tử 2 cao 105cm, dài 120cm, rộng 60cm. Cả 2 đều có niên đại từ cuối thế kỷ 11.
Hai tượng sư tử đá được phát hiện năm 1992, tại khu vực Bả Canh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, gần tháp Cánh Tiên, thuộc phạm vi thành Đồ Bàn.
Năm 1999, những pho tượng này được đưa về trưng bày trong không gian văn hoá Champa ở Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Sư tử được coi là một trong mười kiếp hóa thân của thần Visnu (một trong ba vị thần tối cao của Ẩn độ giáo).
Đối với người Chăm, hình tượng sư tử còn là biểu tượng của dòng dõi quý tộc của các vương triều Champa. Hai tượng sư tử được tạc trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi. Đầu sư tử ngẩng cao, trán đeo vương miện được trang trí bởi chuỗi hạt tròn kết dải và các họa tiết giống hình cánh sen. Hai mắt to, tròn lồi. Đôi tai vểnh được tạc cách điệu gần giống chiếc lá nhọn đầu, mũi to, thô.
Phần miệng há to, lộ hàm răng sắc nhọn, răng nanh hai bên chìa ra ngoài. Cổ ngắn, đeo vòng lục lạc kết hợp với tua đính. Bốn chân sư tử ngắn, mập, cổ chân trang trí hạt chuỗi tròn kết dải.
Hai tượng sư tử được diễn tả khá độc đáo về hình khối trong phong cách thể hiện. Về phong cách nghệ thuật, hai tượng sư tử thành Đồ Bàn thể hiện tính chất hiện thực, trang trí đơn giản, phần môi trên có những đường gờ nổi chạy dọc song song tương đồng với sư tử phong cách Trà Kiệu.
Phần miệng sư tử xuất hiện chiếc răng nanh giống như tượng sư tử và Makara trong phong cách Tháp Mẫm. Hai tượng sư tử thành Đồ Bàn được xem là những tượng sớm nhất thuộc phong cách Tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa.
Ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định cho biết, từ năm 2015 - 2024, tỉnh này có 13 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận. Tất cả đều là những tác phẩm điêu khắc đá Champa.
Trong đó, Bảo tàng tỉnh Bình Định đang lưu giữ 8 bảo vật, gồm: phù điêu nữ thần Mahisha Sura Mardini, niên đại đầu thế kỷ 12; phù điêu thần Brahma, niên đại cuối thế kỷ 12; cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn, niên đại thế kỷ 12 - 14; phù điêu nữ thần Sarasvati, niên đại đầu thế kỷ 12; phù điêu thần hộ pháp Mả Chùa, niên đại thế kỷ 12; hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 12. Còn 5 bảo vật quốc gia khác đang lưu giữ ở các địa phương trong tỉnh Bình Định.
Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định cho hay, cả 13 bảo vật quốc gia trên là những hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, hình thức độc đáo, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa, lịch sử liên quan đến văn hóa Champa trên vùng đất Bình Định.
"Đây không chỉ là tư liệu khoa học quan trọng đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo của dân tộc", ông Tạ Xuân Chánh nói.
Nhằm tôn vinh và quảng bá những tác phẩm điêu khắc Champa đã được công nhận là bảo vật quốc gia, Sở VH&TT tỉnh Bình Định tổ chức lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định.
Đây là dịp để chúng ta giới thiệu, tôn vinh các di sản văn hóa vật thể với giá trị vững bền và sức sống mãnh liệt; ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của các tổ chức và cá nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa trên vùng đất Bình Định.
Đồng thời, thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.
Theo ông Tạ Xuân Chánh, việc phát huy giá trị hệ thống hiện vật này trong thời gian tới không chỉ thể hiện tinh thần trân trọng di sản mà còn gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, khai thác nguồn tài nguyên du lịch di sản văn hóa.
Mang đến sản phẩm du lịch văn hoá mới, giúp du khách trong và ngoài nước trải nghiệm, khám phá, hiểu biết nhiều hơn về nền văn hóa Việt Nam và di sản văn hóa của tỉnh Bình Định. Góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách bền vững.
Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, tỉnh này có chiều dài lịch sử với những trầm tích văn hóa đa dạng và đặc sắc.
Đến nay, Bình Định có 150 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia và 114 di tích cấp tỉnh cùng với hàng nghìn cổ vật đang được Bảo tàng tỉnh Bình Định, Bảo tàng Quang Trung và các tổ chức, cá nhân lưu giữ.
Trong kho tàng văn hóa Champa, Bình Định sở hữu nhiều đền, tháp với kiến trúc nghệ thuật độc đáo và nhiều hiện vật quý. Đến nay, Bình Định có 13 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá thời kỳ Champa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
"Đây là di sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của cả nước và của tỉnh Bình Định, nguồn sử liệu quý đối với công tác nghiên cứu, sưu tầm lịch sử, văn hóa Bình Định", ông Lâm Hải Giang nhận định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Sở VH&TT tỉnh Bình Định tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về giá trị của các bảo vật quốc gia trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội gắn với công tác bảo vệ di sản văn hóa trên địa bàn, phát huy giá trị địa phương.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu các bảo vật quốc gia, các hiện vật quý mà Bảo tàng tỉnh và các tổ chức, cá nhân đang lưu giữ để xác định niên đại, giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật.
"Rà soát, nghiên cứu, sưu tầm và lựa chọn các hiện vật tiêu biểu, đáp ứng các tiêu chí để lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia nhằm bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản văn hóa trên quê hương Bình Định", ông Lâm Hải Giang yêu cầu.