Tại Bữa Cơm Yêu Thương số 82 và Chợ Quê số 63 do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt, Nha khoa Sài Gòn H.N, Công ty TNHH DVTM Vận tải & xây dựng Minh Phương, Phiên Chợ Trái Tim phối hợp tổ chức sáng nay, trong lúc ưu tiên mời các bệnh nhân lên nhận suất cơm trước, tôi quan sát thấy một người đàn ông có khuôn mặt đã bị biến dạng vì bỏng, cháy, không thể đoán được chính xác tuổi.
Thương cảm, tôi đã ưu tiên mời ông tiến lên nhận cơm trước. Nhưng thay vì nhận lời, ông đã ra dấu ý nói mình không phải bệnh nhân và sẽ ngồi chờ theo đúng thứ tự đã ngồi xếp hàng.
Hỏi ra mới biết ông Trần Hữu Đức (58 tuổi, ở thôn 3, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là thương binh ở chiến trường Tây Nguyên trong giai đoạn cuối chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1988.
"Tôi bị bom napan bắn từ phía Campuchia sang bị cháy toàn thân, may mắn còn sống sót. Mất 4 năm điều trị trong bệnh viện, năm 1992 tôi mới ra viện, được làm mọi chế độ về quê lấy vợ. Vợ tôi cũng nhiều tuổi, thương cảnh tôi thương binh và nên duyên. Tôi biết ơn vợ mình lắm!
Thời trẻ qua rồi, bây giờ, đến lượt tôi động viên bà ấy vượt qua căn bệnh đa u tuỷ xương. Vợ chồng tôi đã cùng nhau chiến đấu với bệnh tật hơn 3 năm, gia cảnh lúc này vô cùng khó khăn. Số tiền bỏ ra để chữa bệnh cho vợ thì không thể tính được nữa, chỉ biết là rất nhiều, trong nhà không còn gì cả", ông Trần Hữu Đức chia sẻ với phóng viên Dân Việt.
Ông Đức bảo những năm "vào sinh ra tử", với tinh thần của người lính giúp ông luôn kiên cường với mọi hoàn cảnh.
Thêm nữa, xung quanh ông, bà con làng xóm cũng động viên, giúp đỡ vợ chồng ông rất nhiều: “Tôi có 3 con trai, hai cháu đầu đều đã lập gia đình, công tác ở Hà Nội nên cũng tiện chăm sóc mẹ. Tôi ở quê, đợt này lên Hà Nội chăm sóc, động viên vợ. Đa phần các con tôi đều tập trung chăm sóc mẹ chứ tôi cũng đau yếu suốt".
Đến với Bữa Cơm Yêu Thương, ông Đức thấy vui hơn nhiều khi được nói chuyện, trao đổi với những người nhà bệnh nhân, chia sẻ với nhau.
"Các tình nguyện viên ở đây phục vụ rất chu đáo, ân cần, chúng tôi cảm ơn các nhà hảo tâm nhiều lắm. Bữa Cơm Yêu Thương đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh tinh thần để vượt qua những khó khăn của cuộc sống", ông Đức bộc bạch.
Cùng chung hoàn cảnh xa quê chạy chữa bệnh tật cho người thân, chị Đỗ Thị Sỹ (55 tuổi, ở xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) đã chăm sóc chồng bị ung thư máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung Ương được hơn 1 tháng đến với Bữa Cơm Yêu Thương giúp chị có được những giây phút thư giãn hiếm hoi.
10 giờ 30 thứ 7 hàng tuần, chương trình Bữa Cơm Yêu Thương mới phát cơm trưa tặng các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhưng từ 9 giờ, chị Sỹ đã có mặt trong gian bếp, cùng các tình nguyện viên nhặt rau:
"Chồng tôi tới viện từ trung tuần tháng 10 vừa qua để điều trị. Mấy tuần đầu chồng tôi sốt cao, không ăn uống được gì, tôi lo lắng, cũng mất ăn mất ngủ, ngồi trong viện mệt mỏi, buồn ngủ lắm!
Hôm qua tôi đi mua cháo cho chồng mới nhận được phiếu của các bạn làm Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương. Cách đây hơn chục năm, tôi trải qua một biến cố và bị bệnh mất trí nhớ, bây giờ cũng hay quên lắm nên quyết định đi ra đây sớm, nếu quên đường thì còn tìm lại kịp. Ra tới đây thấy không khí rộn ràng, mọi người nói chuyện với nhau vui vẻ, mình cũng khoẻ ra nhiều", chị Sỹ tâm sự.
Chị Sỹ bảo, đáng ra chồng chị đã được về nhà từ thứ 6, nhưng do sốt lại nên phải chờ tới thứ 2 đầu tuần biết có được về không.
"Tôi có hai con, cháu lớn là con trai năm nay 26 tuổi đi làm ở gần nhà, con gái thứ 2 năm nay 24 tuổi đi học bên Nhật Bản rồi lấy chồng và mới sinh con bên đó.
Vợ chồng tôi làm ruộng và đi làm thuê, nếu chồng tôi không bị bệnh thì cũng đủ sống ở quê, không phải lo nghĩ gì. Chồng tôi mới nhập viện hơn 1 tháng qua, chi phí mất khoảng gần 40 triệu đồng tiền viện phí, thuốc thang cũng tạm lo được, chưa phải vay nợ ai. Nhưng quá trình điều trị bệnh còn dài, nghĩ tới khó khăn phía trước tôi lại lo lắng lắm", chị Sỹ giãi bày.
Cùng cảnh ngộ và cảm nhận rõ những khó khăn mà bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sẽ phải đối mặt như gia đình chị Đỗ Thị Sỹ, anh Nguyễn Đức Long (57 tuổi, ở thị trấn Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá) nhớ lại những ngày đầu mình phát hiện bệnh đa u tuỷ xương và nhập viện tháng 10/2021:
"Lúc đó mình cũng hoang mang lắm, tâm trạng thất thường. Nhiều lúc, mình lại phải cố quên bệnh tật đi để cho khuây khoả, nhưng khi nhớ tới lại chán nản.
May là tôi có bảo hiểm, điều trị tốt đợt 1, và sau 3 năm, bây giờ mới tái phát và tôi lại phải vào viện điều trị đợt 2. Tổng số tiền phải chi suốt hơn 3 năm qua, tốn kém nhất là thuốc thang, cũng mất khoảng 200 triệu đồng.
Tinh thần của tôi lúc này tốt hơn thời điểm mới phát hiện bệnh nhiều. Vào viện, nhiều người đồng cảnh ngộ chia sẻ với nhau, mỗi người một câu cũng vui. Tới Bữa Cơm Yêu Thương sáng thứ 7 hàng tuần cũng rất đông vui, rộn ràng, giúp tinh thần chúng tôi phấn chấn, lạc quan hơn trong quá trình điều trị".
Là bệnh nhân Viện huyết học - Truyền máu Trung Ương được 4 năm, chị Lương Thị Hoà (Yên Bái) chất phác nói lời cảm ơn đến những nhà hảo tâm đã cùng chung tay làm nên Bữa Cơm Yêu Thương, giúp các bệnh nhân như chị có thêm một điểm tựa tinh thần.
"Bốn năm chữa bệnh đã qua và tôi cảm thấy rất mừng vì lúc này mình vẫn còn sống. Đầu óc của tôi lúc này khá thoải mái, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Tôi không biết nói gì nữa, tôi xin ghi nhớ mãi tình cảm của các bác, các cô chú, anh chị, các thành viên của Chương trình Bữa Cơm Yêu Thương".
Trong tiết trời se lạnh những ngày giao mùa của Hà Nội, 5 giờ 30 phút sáng thứ 7 không khí tại “Bữa Cơm Yêu Thương” nhộn nhịp, ấm cúng với những suất xôi sáng ấm nóng được trao đến tận tay bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Sau khi những suất ăn sáng được trao tặng, không ngơi tay, các thành viên, cộng tác viên chương trình tiếp tục sơ chế thực phẩm để chuẩn bị cho hơn 1.000 suất cơm trưa cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Mặc dù thời tiết bên ngoài se lạnh nhưng trong căn bếp của chương trình vẫn luôn cháy lên ngọn lửa tâm huyết của tất cả những trái tim hướng về thiện nguyện.
Song song với hoạt động sơ chế, chuẩn bị cho "Bữa Cơm Yêu Thương", các mặt hàng tươi sạch, quầy ăn sáng, cafe trong phiên "Chợ Quê" cũng đang diễn ra rất nhộn nhịp.
Không khí nhộn nhịp khi buổi tặng cơm chính thức bắt đầu. Các thành viên của chương trình đã luôn tay để đong đầy những chiếc cặp lồng đựng thức ăn.
Những suất cơm đong đầy yêu thương được những tình nguyện viên chuẩn bị tươm tất, trao tận tay bệnh nhân và người nhà.
Mỗi người một công việc, phối hợp nhịp nhàng để nhanh chóng mang đến những suất ăn 0 đồng đến với những bệnh nhân và người thân.
Tại khu vực ăn tại chỗ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được các tình nguyện viên chăm sóc tận tình. Họ ăn ngon miệng và nhiều người cũng nói rằng họ cảm giác như đang được ăn cơm với chính gia đình của mình.
LỜI CẢM ƠN
Góp phần vào sự thành công của Chương trình “Bữa Cơm Yêu Thương” lần thứ 82, Báo NTNN/Dân Việt xin gửi lời cảm ơn đến các đơn vị và các nhà hảo tâm:
Nha khoa Sài Gòn H.N
Phiên Chợ Trái Tim và tập thể Cộng tác viên
Công ty TNHH Dịch vụ thương mại vận tải và xây dựng Minh Phương
Đại lý hải sản Hương Nghĩa ủng hộ các loại chả bán gây quỹ
Hội Chữ thập đỏ phường Mỹ Đình 2 ủng hộ 13kg lạc
Công an phường Mỹ Đình 2 ủng hộ 20kg gạo nếp
Bạn đọc Nguyễn Thùy Châu ủng hộ cà phê
Bạn đọc Nguyễn Kim Chi ủng hộ 1.250.000 đồng
Công ty Hùng Việt ủng hộ 600.000 đồng
Bạn đọc Nguyễn Quỳnh Mai ủng hộ 999.999 đồng
Bạn đọc Bùi Thị Loan ủng hộ 100.000 đồng
Bạn đọc Vương Thị Thái Hương ủng hộ 500.000 đồng
Các bé Trần Anh Thư, Trần Vũ Quang Đức, Trần Ánh Duyên ủng hộ 300.000 đồng
Gia đình bà Phạm Thị Kim Liên ủng hộ 1.000.000 đồng
Bạn đọc Nguyễn Hoàng Vân ủng hộ quầy ăn sáng
Bạn đọc Nguyễn Minh Thúy ủng hộ 100kg gạo nếp
Bạn đọc Bùi Anh Tuấn ủng hộ 200.000 đồng
Bạn đọc Đào Hồng Hạnh ủng hộ 5 hộp giá
Bạn đọc Quỳnh Từ Viên ủng hộ 2 hộp giá
Bạn đọc Thảo Nguyên ủng hộ 50.000 đồng