Ông cho biết các kỹ sư tên lửa đã đặt tên cho tên lửa này là Oreshnik, nghĩa là cây phỉ (Hazel) trong tiếng Nga.
Ông Putin nói tên lửa đã được triển khai "trong cấu hình siêu âm phi hạt nhân", và cuộc thử nghiệm đã thành công khi tên lửa trúng mục tiêu.
Tốc độ
Các hệ thống phòng không không thể đánh chặn tên lửa Oreshnik, vốn tấn công với tốc độ Mach 10, tức là 2,5-3 km (1,6-1,9 dặm) mỗi giây, ông Putin cho biết.
Tên lửa siêu âm di chuyển với tốc độ ít nhất là Mach 5 – tức là gấp 5 lần tốc độ âm thanh – và có khả năng cơ động trong suốt hành trình bay, điều này làm cho chúng khó bị theo dõi và đánh chặn.
"Các hệ thống phòng không hiện đại... không thể đánh chặn những tên lửa như vậy. Điều đó là không thể" - ông Putin tự hào tuyên bố. "Cho đến hôm nay, không có phương tiện nào có thể đối phó với loại vũ khí này".
Cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine viết trên Telegram rằng tên lửa đã bay mất 15 phút từ bãi thử Kapustin Yar ở khu vực Astrakhan tới thành phố Dnipro, với khoảng cách khoảng 800 km (490 dặm), đạt tốc độ cuối cùng trên Mach 11.
Đầu đạn
Tên lửa Oreshnik có thể mang từ 3 đến 6 đầu đạn, chuyên gia quân sự Viktor Baranets viết trên tờ Komsomolskaya Pravda.
Cơ quan tình báo GUR của Ukraine cho biết tên lửa này mang 6 đầu đạn.
Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Nga có trụ sở tại Moscow, nói với hãng tin TASS rằng, căn cứ vào đoạn video về cuộc tấn công, Oreshnik có nhiều đầu đạn tự dẫn độc lập.
Trong trường hợp này, chúng là đầu đạn thông thường, nhưng tên lửa cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân, các chuyên gia quân sự cho biết.
"Sự xuất hiện gần như đồng thời của các đầu đạn tại mục tiêu cho thấy hệ thống này rất hiệu quả" - ông Korotchenko nói, gọi đây là "kiệt tác của công nghệ chế tạo tên lửa quân sự nhiên liệu rắn hiện đại của Nga."
Tầm bắn
Tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) có tầm bắn từ 1.000 đến 5.500 km, thấp hơn so với tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Chuyên gia quân sự Ilya Kramnik nói với tờ Izvestia rằng tầm bắn của Oreshnik có thể ở mức cao nhất của tầm trung gian, khoảng 3.000-5.000 km.
"Dù sao đi nữa, chúng ta đã chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử Nga sử dụng tên lửa tầm trung trong chiến đấu," Dmitry Kornev, tổng biên tập trang web Military Russia, nói với Izvestia.
Nguồn gốc
Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả Oreshnik là một tên lửa "thí nghiệm" được phát triển từ tên lửa RS-26 Rubezh ICBM của Nga.
Rất ít thông tin được biết về Rubezh, một biến thể của tên lửa ICBM Topol.
Hãng tin TASS dẫn nguồn tin cho biết vào năm 2018 rằng sự phát triển của Rubezh đã bị đóng băng trong khuôn khổ chương trình vũ khí quốc gia cho đến năm 2027, để ưu tiên cho một hệ thống khác, Avangard.
Tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine, cho biết vào hôm 22/11 rằng Oreshnik là tên của chương trình phát triển tên lửa mới này, còn tên của chính tên lửa là Kedr, có nghĩa là cây tuyết tùng.
Ông cho biết cơ quan của mình chỉ biết về hai nguyên mẫu của tên lửa này, mặc dù có thể có thêm một số, và vũ khí này "chưa được sản xuất hàng loạt."
Chuyên gia vũ khí Nga Yan Matveyev viết trên Telegram rằng Oreshnik có thể có hai tầng và sẽ "khá đắt đỏ" và nặng, khiến việc sản xuất hàng loạt có thể khó thực hiện.
Tổng thống Nga Putin, phát biểu chiều 22/11, nêu rõ rằng hệ thống tên lửa Oreshnik, một trong những tiến bộ quân sự mới nhất của Nga, không phải là phiên bản hiện đại hóa của một loại vũ khí cũ của Liên Xô.
Mối đe dọa
Với tầm bắn của mình, "Oreshnik có thể đe dọa hầu hết toàn bộ châu Âu" nhưng không đe dọa được Mỹ, chuyên gia vũ khí Pavel Podvig, giám đốc Dự án Lực lượng Hạt nhân Nga, nói với kênh Telegram của Nga Ostorozhno Novosti.
Mỹ và Liên Xô vào năm 1987 đã ký kết hiệp ước cam kết từ bỏ tất cả các loại tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Cả Washington và Moscow đều đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung vào năm 2019, mỗi bên cáo buộc bên kia vi phạm.
Tổng thống Putin nói Nga sẽ "giải quyết vấn đề triển khai tiếp theo các tên lửa tầm trung và ngắn hơn dựa trên hành động của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ."
Ông cho biết vào hôm thứ Sáu rằng Nga sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo siêu âm Oreshnik mà nước này đã phóng vào Ukraine một ngày trước đó và bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống mới này.
Mức độ hiệu quả
Chuyên gia quân sự Vladislav Shurygin cho biết với tờ Izvestiya rằng tên lửa Oreshnik có khả năng vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nào đang có.
Ông cũng nói rằng tên lửa này có thể phá hủy các hầm ngầm được bảo vệ tốt ở độ sâu lớn mà không cần sử dụng đầu đạn hạt nhân, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy các cơ sở ngầm đã bị phá hủy tại nhà máy Dnipro.
Một nhà phân tích người Nga khác, Igor Korotchenko, nói với hãng tin Tass rằng tên lửa này có nhiều đầu đạn tự dẫn độc lập, và ông cho biết "sự xuất hiện gần như đồng thời của các đầu đạn tại mục tiêu" là cực kỳ hiệu quả.
Justin Crump, giám đốc điều hành và người sáng lập công ty tư vấn rủi ro Sibylline, cho biết với BBC Verify rằng tên lửa này có khả năng gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống phòng không của Ukraine.
"Những tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Nga đã là một trong những mối đe dọa mạnh mẽ đối với Ukraine trong cuộc xung đột này," ông nói. "Các hệ thống nhanh hơn và tiên tiến hơn sẽ làm gia tăng mối đe dọa này lên một mức độ lớn hơn".
Trong các bình luận trên truyền hình, Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng tên lửa này không thể bị đối phương đánh chặn.
"Tôi sẽ bổ sung rằng hiện nay không có phương tiện nào có thể đối phó với loại tên lửa này, không có phương tiện nào có thể đánh chặn nó trên thế giới hôm nay. Và tôi sẽ nhấn mạnh một lần nữa rằng chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm hệ thống mới này. Việc sản xuất hàng loạt là điều cần thiết," ông nói.