Báo Pravda của Nga dẫn lời ông Alexey Chepa, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Duma Quốc gia về các vấn đề quốc tế cho biết, Nga đã quen thuộc với các cuộc tấn công tên lửa tầm xa từ Ukraine: "Chúng tôi có phương tiện để chống lại các tên lửa này và chúng tôi sẽ bắn hạ chúng" - ông nói.
Ông tuyên bố Nga sẽ thay đổi, không chỉ tấn công các cơ sở quân sự mà cả cơ sở hạ tầng của Ukraine.
"Tất nhiên, chúng tôi sẽ thay đổi chiến thuật và chúng tôi đã làm như vậy. Chúng tôi sẽ buộc phải tấn công không chỉ các cơ sở quân sự mà còn cả các cơ sở hạ tầng" - ông nhấn mạnh. "Điều này sẽ làm phức tạp đáng kể các cơ hội và cuộc sống của chính quyền Kiev. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi nỗ lực chính trị để ngăn chặn các cuộc tấn công này vào sâu trong lãnh thổ Nga".
Ông cũng cho biết thêm rằng các tên lửa mà Ukraine có trong tay không phải là những tên lửa mạnh nhất. "Nhiều tên lửa được chuyển giao cho Ukraine, bao gồm cả ATACMS,... chúng đã lỗi thời rồi" - Chepa nói.
Theo ông, đó là vì ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đang loại bỏ mọi thứ lỗi thời để đặt hàng mới.
Hôm 17/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga. Theo các nguồn tin của New York Times, quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Moscow bị cáo buộc triển khai quân đội Triều Tiên trong khu vực giao tranh.
Ngày 19/11, người Ukraine lần đầu tiên sử dụng ATACMS của Mỹ để tấn công Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã phóng 6 tên lửa như vậy để tấn công khu vực Bryansk của Nga.
Ngày 20/11, quân đội Ukraine tiến hành một cuộc tấn công tên lửa lớn nhằm vào khu vực Kursk bằng cách bắn ít nhất 12 tên lửa Storm Shadow của Anh.
Để đáp trả, Nga đã tấn công khu vực Dnipro của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik, nhằm vào các nhà máy quốc phòng của nước này.