Hà Nội bước vào những ngày lập đông, sáng sớm và chiều tối xuất hiện từng đợt gió se lạnh khiến nhiều thực khách mong muốn được lấp đầy chiếc "bụng rỗng" bằng một món ăn nóng hổi, thơm lừng hương vị đặc trưng.
Đi dọc tuyến phố Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội), dễ dàng nhìn thấy biển hiệu quán cháo se của anh Lưu Văn Đôn. Có người dừng chân ghé quán bởi tò mò món ăn có tên cháo se, cũng có những khách hàng quen thuộc ghé ăn bởi hương vị "không thể quên" của món ăn này.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Lưu Văn Đôn cho biết: "Trong một lần về huyện Đan Phượng, tôi đã được đi dạo quanh ngắm nghía và tình cờ được thử cái món cháo này. Tôi bất ngờ vì cháo rất là thơm và hấp dẫn. Lúc đầu nhìn thấy bát cháo thì tôi ngạc nhiên lắm vì trông rất lạ, chưa bao giờ tôi được ăn bát cháo mà lại có một cái sợi dài như vậy".
"Cháo mềm, hương vị khác biệt so với những loại cháo trước đây tôi từng ăn và mang một nét truyền thống nữa. Sau đó khi vào nội thành Hà Nội, tôi tìm xem chỗ nào bán vì muốn thưởng thức thêm lần nữa, nhưng không thấy ở đâu bán. Tôi nảy ra quyết định sẽ mang món cháo se ở Đan Phượng ra khu vực nội thành để mọi người cùng được thưởng thức món cháo đặc biệt này", anh Đôn cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cháo se là món ăn truyền thống của xã Hạ Mỗ, thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội, đã có từ hàng trăm năm trước, gắn với sự tích khao quân. Đến nay, người dân Hạ Mỗ vẫn giữ truyền thống nấu cháo se phổ biến ở các dịp lễ, sự kiện như hội hè, việc xóm, việc làng.
Theo chia sẻ của anh Lưu Văn Đôn, nguyên liệu chính của món cháo se là gạo tẻ và xương lợn. Gạo tẻ loại ngon, phải được vo kỹ, ngâm nước cho mềm rồi xay thành bột nước.
"Đầu tiên tôi chọn gạo, ngâm gạo trong vòng 4-5 tiếng sau đó là xay gạo. Xay xong lấy xương ninh cùng với cháo. Khi nấu cháo này, đặc biệt là phải khuấy rất nhiều, lâu để tạo ra được độ mịn của cháo và độ ngọt của nước xương, thơm của gạo. Đây là công đoạn cần sự tập trung, tỉ mỉ nhất", anh Đôn vừa múc cháo ra bát cho khách vừa kể về các quy trình chế biến kỳ công của món ăn độc đáo này.
Công đoạn tiếp theo khi xay gạo thành nước là lọc qua một túi vải dày. Tấm vải được treo lên cao để róc bớt nước thu được thành phẩm là một mẻ bột dẻo, mềm nhuyễn và trắng phau.
Nồi nước dùng nấu cháo, người ta bỏ những tảng xương lợn chặt to vào ninh trong nhiều giờ, ngoài ra còn có thêm xương đuôi lợn để vị ngon và thanh hơn. Nước xương đóng vai trò quan trọng trong món cháo, không chỉ mang lại vị ngọt tự nhiên mà còn bổ dưỡng. Khi ninh xương, người nấu cần chú ý loại bỏ bọt để giữ cho nước ninh trong suốt, đảm bảo hương vị thơm và màu sắc không bị đục.
Khi nước dùng đã sôi, người đầu bếp sẽ vặn nhỏ lửa và tiến hành thả bột vào nồi. Bột được lấy từng phần nhỏ cho ra lòng bàn tay, thật đều thành những con se, sợi như đầu đũa và thả lần lượt vào nồi nước xương.
Anh Đôn cũng cho biết thêm, giai đoạn khó nhất trong quá trình nấu cháo là khuấy đều tay sao cho các sợi bột không bị nát hoặc vón cục mà vẫn quyện vào nhau trong nồi nước xương.
"Bột khá nhiều và nước sôi khá nhanh nên công đoạn này cần có sự giúp sức của hai đến ba người cùng nhau", anh Đôn cho hay.
Cháo chín sẽ có màu trắng trong và không còn lõi bột, cuối cùng là thả thịt nạc đã xào thơm trước đó vào nồi và nêm nếm gia vị theo khẩu vị. Kết hợp thêm một chút hành lá, hạt tiêu hay lạc vừng vào thưởng thức cùng, lúc này thực khách sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm ngon, béo ngậy tỏa ra từ bát cháo se.
Lần đầu tiên được thưởng thức món cháo đặc biệt, bạn Lê Trâm Anh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rất bất ngờ bởi sợi se có trong bát cháo đầy đặn: "Lần đầu tôi được ăn bát cháo mà có sợi se làm từ bột gạo như thế này. Tôi thấy rất thú vị. Bình thường tôi ăn cháo nấu nhừ, ăn bằng thìa nhưng ăn cháo se này phải dùng đũa mới gắp được".
Cũng tò mò bởi tên gọi của món cháo, chị Hoàng Huyền Trang (Hà Nội) cho biết đây là lần đầu tiên chị và con trai thưởng thức cháo se.
"Chắc là vì cháo có hương vị mới lạ cho nên con trai tôi ăn được nhiều hơn so với thường ngày. Con cũng kén ăn lắm, nhưng hôm nay con ăn ngon lành, không khóc. Tôi cũng lần đầu thưởng thức món cháo se. Ban đầu tôi khá ngỡ ngàng không biết ăn kiểu gì, sau được anh chủ quán nói, phải dùng đũa gắp", chị Trang kể.
Cháo se thích hợp để thưởng thức trong những ngày tiết trời se lạnh, nhiều thực khách cho biết khi ăn được một bát cháo nóng hổi, thơm ngon thì "chiếc bụng đói" như được "cứu rỗi". Nườm nượp đoàn khách ra vào mỗi ngày, anh Lưu Văn Đôn cùng nhân viên "luôn tay luôn chân" phục vụ thực khách từng bát cháo se đầy đặn, mong muốn khách có được trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời và trọn vẹn nhất. Theo chia sẻ của anh Đôn, trung bình mỗi ngày quán bán ra khoảng 100kg, tương đương với 200 – 250 bát cháo se.
"Món cháo nói chung thì thường được ăn nhiều vào mùa thu và mùa đông, vì mùa hè, ăn cảm giác hơi nóng. Cháo se có 2 mức giá, bát bình thường là 35.000 đồng, đã bao gồm sườn sụn. Bát đặc biệt giá 55.000 đồng, ngoài sườn sụn ra sẽ có thêm ruốc heo, ruốc cá hồi, thịt băm. Bên cạnh đó, còn có một số topping khác như: trứng bắc thảo, ruốc tôm, ruốc bề bề, ruốc nấm,… tùy vào khẩu vị của mỗi thực khách", anh Đôn chia sẻ.
Được biết, khách hàng đến thưởng thức cháo se đông nhất vào buổi trưa hoặc chiều tối. Buổi sáng, khách thường ghé mua để mang đến cơ quan hoặc trường học. Cháo se nên được thưởng thức ngay khi vừa được nhân viên bưng ra bàn để giữ được độ nóng hổi, tránh tình trạng cháo loãng, không sánh đặc. Trong trường hợp khách mua mang về, nhân viên thường gợi ý khách hàng nên đun lại hoặc cho vào lò vi sóng trước khi thưởng thức.
Là người có sở thích ăn cháo và thường xuyên đặt cháo se vào buổi trưa, anh Trần Văn Nhật (Mễ Trì, Hà Nội) cho biết bản thân rất vui khi tìm được một món cháo ngon đúng ý: "Tôi thích ăn cháo vì nó dễ ăn mà còn bổ dưỡng. Trong cháo có xương, thịt,… rồi nhiều topping đi kèm như ruốc, trứng. Hương vị tôi thấy giống với cháo sườn nhưng lạ miệng bởi có thêm sợi se, rất hợp khẩu vị của tôi".
Ra trung tâm thành phố lập nghiệp đã được hơn 13 năm, chị Nguyễn Lan Vy (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đây là món ăn tuổi thơ của chị, mỗi lần ăn là biết bao ký ức ùa về khiến chị không thể nào quên.
"Sườn sụn thơm, đặc biệt sợi se của cháo khiến tôi no bụng hơn các loại cháo khác, để đánh giá so với cháo se truyền thống mà tôi đã ăn từ ngày xưa thì cũng gần bằng. Tôi vẫn nhớ hương vị cháo se của quê nhà hơn, nhưng cháo se ở đây cũng rất đáng để thử", chị Vy cho biết thêm.
Anh Lưu Văn Đôn mong muốn hương vị cháo se cùng cách ăn độc đáo sẽ ngày càng được đông đảo thực khách biết đến và đón nhận, góp phần lưu giữ món ăn truyền thống "đúng điệu" của vùng đất Hạ Mỗ.
"Hiện tại tôi đang mở 2 cơ sở, phục vụ cho người dân xung quanh khu vực quận Đống Đa, mong muốn của chúng tôi là mang món cháo se đến từng con phố của thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận", anh Đôn tâm sự.