Mới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức công bố hoàn thành dự án "Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa" và mở cửa đón khách tham quan di tích này sau 3 năm trùng tu.
Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - ông Jonathan Wallace Baker, cùng đông đảo du khách, người dân tại Thừa Thiên Huế.
Dự án "Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa" được khởi công vào cuối năm 2021 với kinh phí gần 129 tỷ đồng. Sau 3 năm thi công, với những nỗ lực của các đơn vị liên quan, dự án đã hoàn thành và mở cửa phục vụ du khách tham quan đúng dịp Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Điện Thái Hòa là kiến trúc quan trọng bậc nhất của Hoàng Thành Huế. Đây là nơi tổ chức lễ đăng quang của 13 vị hoàng đế triều Nguyễn và là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình.
Ngôi điện này được xây dựng từ năm 1805 thời Gia Long, đến năm 1833 - dưới thời Minh Mạng, triều đình cho tu bổ cải dựng tại địa điểm hiện nay.
Qua gần 200 năm tồn tại, trải qua nhiều biến cố lịch sử và dưới sự tác động của thời gian, khí hậu khắc nghiệt, di tích điện Thái Hòa đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, đợt mưa bão cuối năm 2020 khiến ngôi điện đứng trước nguy cơ cần phải được cứu nguy.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Dự án "Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hoà" đã về đích trước 9 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Quá trình thực hiện dự án, Trung tâm đã tuân thủ đầy đủ các quy trình khoa học, từ khảo sát, nghiên cứu đến thực hiện các biện pháp nhằm bảo quản tối đa yếu tố gốc của di tích.
Đồng thời, quyết tâm gìn giữ cho được hồn cốt của công trình sau khi tu bổ và phải đảm bảo sự bền vững trong kỹ thuật và tôn vinh giá trị mỹ thuật truyền thống.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Tu bổ di tích Huế - đơn vị thi công dự án, đã có hơn 100 nghệ nhân, thợ lành nghề, cán bộ kỹ thuật, giám sát... tham gia thi công tại điện Thái Hòa. Đội ngũ này đã làm việc miệt mài, cẩn trọng, tâm huyết để góp phần trả lại diện mạo vàng son, tráng lệ của di tích điện Thái Hòa - công trình được xem là biểu tượng quyền lực dưới triều Nguyễn.
Dự án đã triển khai nhiều hạng mục như: Bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống kết cấu chịu lực bằng gỗ, hệ mái, tường và nền; bảo quản, tu bổ, phục hồi chi tiết các trang trí ngoại thất và nội thất công trình. Qua đó đã bảo tồn và giữ gìn di tích quan trọng tại khu di sản Huế, đồng thời góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa Huế cho hôm nay và mai sau.
Ngai vàng triều Nguyễn - bảo vật quốc gia tại di tích điện Thái Hòa.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, điện Thái Hòa và điện Cần Chánh là hai công trình di tích quy mô và có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng Thành và Tử Cấm Thành của Đại Nội Huế. Để tiến hành các thủ tục triển khai các dự án tu bổ, phục hồi điện Thái Hòa vừa qua và tiếp tục tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quá trình nghiên cứu chuẩn bị công phu, bài bản.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận được sự giúp đỡ hết sức to lớn của các tổ chức quốc tế, của các ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong quá trình thu thập tư liệu, hình ảnh, căn cứ pháp lý để triển khai dự án.
Điều đó đã chứng minh công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Huế từng bước được các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.