Vĩnh Bảo (Hải Phòng) là miền quê giàu truyền thống văn hóa, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người dân Vĩnh Bảo đã không ngừng sáng tạo ra những hoạt động, những trò chơi nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư.
Xưa kia cứ vào trung tuần tháng 8 âm lịch, khi mùa bão gió úng lụt đã qua, khi mà đồng lúa đã được bón chăm đủ độ, đang vào kỳ làm đòng, ấy là lúc nông nhàn, cũng là lúc các làng, các xã lại vang lên tiếng trầm hùng của các Hội thi Pháo đất.
Pháo đất là một trò chơi dân dã. Với chất liệu sẵn có là đất, luật chơi đơn giản, kỹ thuật phơi bày tự nhiên như công việc đồng áng thường ngày, cách thức tổ chức cuộc chơi giống như rủ nhau làm vườn, gặt lúa. Vậy mà nó phân định tài năng một cách rõ ràng, minh bạch. Đó là cái lạ lùng, sâu sắc đến bí ẩn của Pháo đất.
Đất làm pháo phải lấy từ đáy sông hoặc ở tầm sâu trên đồng ruộng. Đất được lấy từ buổi chiều hôm trước, người lấy đất lựa miếng không có tạp chất, đem về nhà thái lát ấp vào tường để hút với nước.
Sau khi ăn cơm tối, các pháo thủ tập trung nhau giữ đất, dùng dây, dao xén nhỏ, thái đất mỏng như bánh đa nem để làm sạch các xe có, rễ cây, rồi nhào, dân cho thật nhuyễn, tấm màng như giò lụa. Những pháo thủ - các nông dân làm đất cho tới tận khuya, dưới ánh trăng, bên nồi nước chè xanh và khói thuốc lào, say sưa, rôm rả. Đất nặn pháo là đất sét nặng được chọn lựa kỹ càng vì chất đất có tính quyết định thành bại của cuộc chơi. Không thể thay đất bằng chất liệu khác, càng không thể pha trộn với vật liệu dẻo dai hơn.
Cách làm pháo hoàn toàn bằng sự khéo léo của đôi bàn tay, cái tinh tế của đôi tay nặn pháo là bằng cảm giác, để phát hiện tạp chất nhỏ, để nắn sao cho toàn bộ manh pháo phải đều, dẻo như nhau để giềng pháo không bị đứt. Có người thay thế đội bàn tay bằng các công cụ khác như doa, bào, ép, song đều không đạt hiệu quá.
Việc tổ chức hội thi Pháo đất hoàn hảo đến mức cổ điển, cách chia dài (có thể 8 - 10 pháo thủ 1 dải) mang tính cộng đồng chặt chẽ, mỗi pháo của một người là của chung cả dài, mỗi dài pháo là niềm tự hào của một làng, pháo của bất kỳ ai trong cuộc ra nhất đều được hội tôn vinh. Mỗi loại hình Pháo đất có cách tính điểm, luật chơi khác nhau nhưng đều mang yếu tố cộng đồng, tinh thần tập thể và đoàn kết sâu sắc.
Nhằm bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian truyền thống, huyện Vĩnh Bảo đã xây dựng Kế hoạch về khôi phục và phát triển một số trò chơi dân gian truyền thống, trong đó có trò chơi Pháo đất đặc trưng ngày hôm nay. Việc tổ chức thi đấu Pháo đất đã được duy trì nhiều năm liền tại Lễ hội Đền thờ Trạng Trình, nhân kỷ niệm Ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến xem và cổ vũ.
Thông qua việc tổ chức Hội thi pháo đất nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người Vĩnh Bảo và những nét văn hóa truyền thống, những trò chơi dân gian truyền thống đặc trưng của huyện Vĩnh Bảo tới đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài thành phố.
Hội thi pháo đất năm 2024 được tổ chức với sự tham gia tranh tài của 20 đội thi với 240 pháo thủ, đến từ 11 xã gồm: Vĩnh An, Tân Liên, Giang Biên, Việt Tiến, Thắng Thủy, Hiệp Hòa, An Hòa, Hùng Tiến, Trung Lập, Vĩnh Long, Hưng Nhân.