Tâm sự của người bệnh hiểm nghèo khi đón Giáng sinh sớm tại Hà Nội. Clip: Trung Hiếu.
Một ngày cuối tháng 11, khi trời vừa chập tối, bà Nguyễn Thị Hòa (58 tuổi, quê Bắc Giang) từ cửa bệnh viện bước ra. Trên tay bà vẫn còn vết băng dán, bà vừa kết thúc một buổi chạy thận nhân tạo. Hơi lạnh ngày cuối năm len lỏi qua chiếc áo khoác mỏng khiến người phụ nữ có dáng người gầy gò, nước da sạm màu khẽ rùng mình. Đôi chân có phần loạng choạng nhưng vẫn cố bước đi thật nhanh, bà Hòa muốn tranh thủ đến kịp buổi Giáng sinh đặc biệt được tổ chức cho những người mắc bệnh hiểm nghèo cách đó chừng 8km.
Vừa bước tới địa điểm tổ chức, bà Hòa dừng lại một chút, tay bám chặt vào chiếc ghế bên cạnh lối đi để lấy lại sức. Nhìn thấy phóng viên, bà mỉm cười, phấn khởi nói: “Tôi rất vui, được đi đón Giáng sinh cùng những bệnh nhân khác khiến tôi quên đi bệnh tật... cứ như được quay trở lại hồi còn khỏe mạnh”.
Nhìn xuống đôi bàn tay gầy guộc đặt trên đầu gối, đôi vai run nhẹ trong cơn gió lạnh, bà Hòa kể về quá trình chiến đấu với căn bệnh suy thận: “Tôi bị suy thận, đến nay đã chạy thận được hơn 14 năm. Lúc mới phát hiện ra bệnh, tôi sợ hãi, chán nản, không thiết tha bất cứ điều gì. Tôi phải xuống Hà Nội ở trọ, không thể lao động được vì sức khỏe không cho phép. Trong khi đó, 4 đứa con của tôi lúc ấy đều chưa trưởng thành, đứa lớn nhất vẫn đang đi học phổ thông còn đứa nhỏ nhất thì đang học lớp 1”.
Dừng lại một chút, bà Hòa nhìn xa xăm, tiếp lời: “Gia đình khó khăn, chỉ có chồng tôi là trụ cột, công việc chăn nuôi không thuận lợi, đến bây giờ vẫn phải cố gắng trả nợ chưa xong. Chồng tôi vừa phải nuôi tôi, lại vừa nuôi các con ăn học nên rất vất vả. Mỗi năm, tôi phải mất khoảng 40 triệu đồng tiền nhà trọ và tiền thuốc, chưa kể những lúc cấp cứu phải tiêu tốn hàng chục triệu đồng một lúc. Quá tốn kém, kinh tế gia đình không khá lên nổi vì có đồng nào là đổ dồn vào cho tôi chữa bệnh hết”.
Tiếng nhạc Giáng sinh vang lên, bà Hòa quay sang, từ tốn nhờ phóng viên chụp giúp tấm ảnh kỷ niệm bên cây thông noel được trang trí ở trung tâm sân khấu. Bà nói: “Tôi chỉ muốn lưu lại để nhớ… biết đâu, sau này, tấm hình này lại là một kỷ niệm đẹp nhất của tôi trong mùa Giáng sinh”.
Xem ảnh xong, bà Hòa ngước lên, ánh mắt đầy ý chí. “Dù không được về nhà thường xuyên vì còn phải điều trị bệnh liên tục ở đây, nhưng niềm động lực lớn nhất của tôi là các con. Chúng đều rất hiếu thảo, cứ xuống thăm là lại gội đầu, sấy tóc rồi cắt móng chân, móng tay giúp tôi. Tôi luôn cố gắng tích cực hết sức và điều trị cẩn thận để các con còn có mẹ”, bà Hòa chia sẻ thêm.
Ngồi gần đó, bà Đặng Thị Đào Lợi (66 tuổi, Đống Đa) - một bệnh nhân ung thư vú đã chiến đấu với căn bệnh này suốt 16 năm, cùng với vài bệnh nhân khác đang chăm chú trang trí những bức tranh dán tay. Khi phóng viên tiến lại gần, bà Lợi ngẩng đầu lên, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt. Chiếc mũ bà già Noel đỏ rực bà đội hơi nghiêng về một bên, người phụ nữ 66 tuổi dí dỏm nói: “Chiếc mũ này sinh ra là để dành cho tôi rồi. Đội nó lên khiến tôi cảm thấy mình tràn đầy năng lượng, như thể trẻ lại vài chục tuổi vậy!”.
Bà khẽ nghiêng đầu, mắt nhìn về phía cây thông Noel lấp lánh. Giọng bà lắng xuống, nhẹ nhàng nhưng đầy kiên cường: “Tôi đọc rất nhiều sách hay và người ta nói là ung thư không phải là chấm hết. Quan điểm của tôi là phải tin tưởng vào tương lai. Gia đình luôn là động lực lớn nhất để tôi chiến đấu với bệnh tật đến ngày hôm nay”.
Bà Lợi nhấp một ngụm nước, rồi tiếp tục: “Hôm nay tôi đến dịp kỷ niệm Giáng sinh cho bệnh nhân hiểm nghèo với tinh thần hết mình. Tôi sống tất cả bằng sự thoải mái, vui vẻ, tràn đầy sức sống của hiện tại. Chưa biết tương lai sẽ như thế nào, chỉ hy vọng rằng bản thân mình và những người đồng bệnh như mình sẽ luôn mạnh mẽ, suy nghĩ lạc quan với niềm tin ngày mai cuộc sống sẽ tốt hơn”.
Trên chiếc xe lăn, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (42 tuổi, quê Nghệ An) đặt nhẹ tay lên chiếc tay vịn, đôi mắt chị dõi theo ánh đèn lung linh từ cây thông Noel phía xa. Khi sự kiện bắt đầu, chị Nhung vẫn chăm chú theo dõi mọi hoạt động, thi thoảng lại cười khẽ, đôi tay đan chặt như để truyền thêm sức mạnh cho chính mình.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Nhung cho biết, từ nhỏ, chị đã phải đối mặt với căn bệnh viêm tủy cột sống hiếm gặp, điều này khiến chị phải "làm bạn" với chiếc xe lăn suốt cuộc đời. Đến năm 2022, số phận một lần nữa thử thách chị Nhung khi chị phát hiện mắc ung thư vú giai đoạn 3 đã di căn. Kể từ đó, chị phải trải qua quá trình hóa trị, xạ trị và hiện tại đang điều trị duy trì bằng thuốc hàng ngày.
“Thời điểm phát hiện bị ung thư, tôi không thể khóc nổi được nữa. Tôi đã rất sững sờ, phải đối diện cùng lúc với hai căn bệnh hiểm nghèo như một sự bất hạnh kép đối với tôi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến tôi suy nghĩ rất nhiều xem bản thân nên như thế nào. Chưa kể, khi bắt đầu truyền hóa chất, tóc tôi rụng hết, sức khỏe suy kiệt, lúc đó tôi chỉ còn 27kg”, chị Nhung nhớ lại.
Gương mặt chị, dù đã hằn lên những dấu vết của thời gian và bệnh tật, vẫn ánh lên vẻ rạng rỡ khi trò chuyện với phóng viên. Chị bảo: “Kể từ lúc phát hiện ung thư, cuộc sống của tôi hoàn toàn đảo lộn. Trước đây, tôi không phải uống thuốc, ngủ dậy là tôi đi làm, ra ngoài xã hội giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp. Tôi chưa từng nghĩ đến chuyện mình sẽ phải ăn, uống như thế nào cho tới lúc đó”.
“Từ ngày tôi bị ung thư, tôi nghĩ nhiều hơn về môi trường bởi căn bệnh này theo tìm hiểu của tôi có sự liên quan rất lớn tới môi trường. Môi trường ở đây bao hàm cả không khí để ta thở, thực phẩm để ta ăn, uống... Cho nên, ngoài việc cố gắng điều trị, tôi đã cố gắng tham gia rất nhiều hoạt động vì môi trường trong khả năng của mình, ví dụ như tái chế hoa từ rác thải nhựa, kêu gọi mọi người giảm thải rác thải độc hại ra môi trường…”, chị Nhung chia sẻ thêm.
Đôi lúc, chị Nhung ngừng lại giữa câu nói để lắng nghe âm thanh của buổi lễ - tiếng cười nói của các bệnh nhân khác, tiếng nhạc Giáng sinh êm dịu vang lên từ xa. Chị tâm sự: “Mỗi năm, được đón Giáng sinh sớm với những người đồng bệnh khiến tôi có thêm khát khao được sống. Không chỉ là dịp lễ, đây còn là cơ hội để tôi nhìn lại những chặng đường mà tôi đã vượt qua và hy vọng sang năm mình lại được đón một Giáng sinh mới, tươi vui và ý nghĩa hơn”.
Chị Hà Thúy - đại diện tổ chức thiện nguyện chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư tại Hà Nội chia sẻ: “Sự kiện Giáng sinh hy vọng cho các bệnh nhân hiểm nghèo được tổ chức nhằm mang đến cho hơn 200 bệnh nhân những giây phút thư giãn và ấm áp bên cạnh những người thân yêu trong quá trình chiến đấu với bệnh tật. Chúng tôi cũng mong muốn khơi dậy khát vọng sống mãnh liệt và niềm hy vọng vững bền trong trái tim mỗi người”.
Giữa không gian nhộn nhịp của sự kiện, chị Kasey Brubaker (29 tuổi) – một tình nguyện viên đến từ Mỹ nhẹ nhàng đỡ một bệnh nhân lớn tuổi tiến về vị trí ghế ngồi. Chị cho hay: “Tôi thật sự phấn khích vì tôi là một y tá ở Mỹ, tôi cũng từng chăm sóc bệnh nhân ở viện dưỡng lão. Việc tham gia sự kiện Giáng sinh cho bệnh nhân hiểm nghèo hôm nay là một cơ hội tuyệt vời để tôi có thể dùng những kinh nghiệm trong công việc của mình lan tỏa tình yêu của tôi tới người bệnh tại đây”.
Tay cầm những túi quà nhỏ, bước chậm rãi về phía khu vực bệnh nhân ung thư đang ngồi, chị Kasey Brubaker nhẹ nhàng cúi người, trao tận tay từng món quà cho người nhận. Không giấu được sự vui mừng trên gương mặt, chị tâm sự: “Giáng sinh là một ngày đặc biệt đối với người nước ngoài. Tôi rất vui khi thấy gương mặt của các bệnh nhân Việt Nam trở nên rạng rỡ lúc nhận quà. Việc được thử sức làm tình nguyện viên ở Việt Nam khiến tôi học hỏi được tinh thần nhiệt tình, luôn sẵn sàng giúp đỡ và tôn trọng người khác của những tình nguyện viên khác”.