Ngày 25/11, tại TAND Cấp cao TP.HCM tiếp tục diễn ra phiên xét xử phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1.
Theo đại diện VKS, quan điểm đối đáp về nhiều nội dung tranh luận mà bà Trương Mỹ Lan và các luật sư đã nêu ra trong quá trình bào chữa những ngày làm việc vừa qua.
VKS ghi nhận sự chuyển biến trong nhận thức của bị cáo và tích cực trong việc khắc phục hậu quả, song, hậu quả của vụ án là đặc biệt lớn, có án tử hình đối với Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan. Do đó, VKS cho rằng việc xem xét hình phạt tử hình cho bị cáo sẽ được xem xét trong giai đoạn thi hành án.
Nêu quan điểm luận tội, VKS cho hay: "Bị cáo Trương Mỹ Lan phải tích cực phối hợp với SCB và các cơ quan tố tụng để làm sao bán được tài sản, thu hồi được tiền nhanh nhất thì Chủ tịch nước sẽ xem xét".
VKS đưa ra quan điểm đối đáp với từng nội dung, quan điểm của các luật sư của bá Lan đưa ra trước đó. Cụ thể, đối với quan điểm cho rằng bị cáo Lan chỉ thực hiện một hành vi xuyên suốt nhưng tách ra xử lý về 2 tội là bất lợi, theo VKS việc nhập cả hai giai đoạn theo đề nghị của luật sư sẽ làm số liệu tăng lên, gây bất lợi cho bà Lan.
Theo VKS, căn cứ vào hồ sơ và kết quả thẩm vấn công khai, cho thấy bị cáo Lan là người sở hữu gần như tuyệt đối cổ phần của SCB, chi phối mọi hoạt động của ngân hàng. Bị cáo đã bố trí và chỉ đạo những người có vai trò chủ chốt để rút tiền SCB dùng vào mục đích cá nhân.
Qua số liệu thể hiện, từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bà Lan là phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong vụ án, VKS cho rằng, trong 1.169 mã tài sản liên quan đến bị cáo Lan và nhờ người khác đứng tên thì chỉ có 60 tài sản mua trước 2012. Còn lại 94% số tài sản trên mua sau khi tham gia tái cơ cấu SCB. Các bị cáo khác nguyên là lãnh đạo, nhân viên Vạn Thịnh Phát cũng thừa nhận tập đoàn không có hoạt động kinh doanh đáng kể. Lời khai của các bị cáo cho thấy bị cáo Lan dùng tiền rút từ SCB để chi cho việc mua lại các dự án, đầu tư, chi cho người được nhờ đứng tên. Như vậy, bị cáo Lan không chỉ sử dụng tiền vay để đảo nợ mà dùng nhiều mục đích khác nhau khi tiền ra hỏi ngân hàng.
Đối với các tình tiết giảm nhẹ mới của bà Lan, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm chưa đáp ứng đủ điều kiện để giảm án tử hình theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, nêu quan điểm giải quyết đơn kháng cáo của bà Lan, VKS ghi nhận thêm tình tiết thành khẩn khai báo, cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại...; đề nghị HĐXX giảm nhẹ từ 20 năm xuống 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, VKS giữ nguyên quan điểm của tòa sơ thẩm, xác định bà Lan có vai trò cầm đầu, phạm tội mang tính chất tinh vi... nên dù có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ vẫn chưa đủ để giảm nhẹ đối với 2 tội còn lại. Từ đó, VKS đề nghị y án tử hình về tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; tổng hợp hình phạt bà Lan phải chịu là tử hình.