Dân Việt

SLNA khủng hoảng – Kết thúc chu kỳ thành công hay cạn kiệt nhiệt huyết?

Trần Oánh 26/11/2024 11:10 GMT+7
SLNA đã từng có thời gian mà lửa nhiệt huyết cháy rừng rực, với câu nói nổi tiếng của lãnh đạo đội bóng: "Làm sao để các đội bóng khi thi đấu với SLNA phải lấy hòa làm thắng”...

SLNA khủng hoảng – Kết thúc chu kỳ thành công hay cạn kiệt nhiệt huyết?

Sau 9 trận ở V. League 2024/2025, CLB SLNA chưa thắng được trận nào, họ để thua 4 trận, được 5 điểm. Chỉ có 1 đội có thành tích tệ hại hơn SLNA, đó là SHB Đà Nẵng với 4 điểm, đứng cuối bảng xếp hạng. CLB SLNA đang chìm sâu trong khủng hoảng và chưa thấy biểu hiện nào chứng tỏ cơn khủng hoảng của đội bóng này có cơ hội chấm dứt.

Thực ra, khó khăn của SLNA đã được nhìn thấy từ khi giải đấu chưa bắt đầu. Trong khi các đại diện ở V.League đua nhau chiêu tập binh mã, cả nội binh lẫn ngoại binh, thì giống như với CLB HAGL, đội bóng này tập hợp cho mình một lực lượng chủ yếu là các cầu thủ trẻ, được đào tạo tại chỗ. Xét về khía cạnh đầu tư, khi 1 đội bóng lựa chọn cách chuẩn bị lực lượng cho mình như vậy, người hâm mộ sẽ hiểu theo cách: Đội bóng này đang gặp khó khăn về tài chính.

Nhìn lại lịch sử của đội bóng, tính từ khi thanh lập Đoàn bóng đá SLNA năm 1994. Năm 1996, đội đoạt Huy chương đồng Giải Vô địch quốc gia, Huy chương đồng Cúp Quốc gia 1996. Mùa giải 1997, nhận huy chương bạc. Năm 1998: Á quân Giải Vô địch quốc gia, huy chương đồng Cúp Quốc gia 1998, Vô địch cúp Dunhill. Huy chương bạc giải Cúp Dunhill 1999. Đoạt Siêu Cup Quốc gia năm 2000. Năm 2001, Giải vô địch Quốc gia chính thức chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, mang tên V.League, SLNA là CLB đầu tiên vô địch quốc gia với tên gọi V.League. Năm 2001 trở đi, kết thúc một chu kỳ thành công, CLB bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Năm 2010 mở đầu một thời kì thành công mới cho bóng đá Sông Lam Nghệ An. Với sự trở lại của HLV Nguyễn Hữu Thắng, CLB đoạt Cúp Quốc gia lần thứ 2. Mùa giải 2011, đoạt chức vô địch lần thứ 3, đoạt Siêu Cup lần thứ 4 , giành cú ăn hai ở mùa bóng 2011.

SLNA khủng hoảng – Kết thúc chu kỳ thành công hay cạn kiệt nhiệt huyết? - Ảnh 1.

SLNA Vô địch V.League 2011.

Mùa giải 2017, đội bóng đoạt chức vô địch Cúp Quốc gia, đánh dấu sự kết thúc của 1 chu kỳ thành công. Kể từ đó đến nay, đội bóng này thi đấu làng nhàng, không còn là nỗi e ngại của các đội bóng khác nữa, kể cả trên sân Vinh, vốn từng là chảo lửa. Đến V.League 2024/2025, người ta chứng kiến đội bóng này một lần nữa rơi vào khủng hoảng.

Một điểm giống nhau nữa của SLNA với HAGL bây giờ đó là họ đều đang không giữ được bản sắc của mình. Trong khi HAGL phải chuyển sang lối đá thực dụng, đánh đổi lối đá đẹp mắt để lấy thành tích, thì SLNA cũng không còn muốn thi đấu kiểu lăn xả, chém đinh chặt sắt, với những pha vào bóng đôi khi mang tính bạo lực nữa. Thực tế thì với bóng đá hiện đại, nhất là khi công nghệ VAR ra đời, SLNA có muốn duy trì lối đá này cũng không được.

Giống như mọi đội bóng khác, chu kỳ thành công hay thất bại của SLNA phụ thuộc vào nhiệt huyết của đơn vị chủ quản và những người làm bóng đá địa phương. SLNA đã từng có thời gian mà lửa nhiệt huyết cháy rừng rực, với câu nói nổi tiếng của lãnh đạo đội bóng: "Làm sao để các đội bóng khi thi đấu với SLNA phải lấy hòa làm thắng". Và dường như thời điểm hiện tại, vì một lý do nào đó, thứ nhiệt huyết làm nên bản sắc máu lửa của đội bóng này đang bị nguội lạnh. Sự thiếu nhiệt huyết đó dẫn đến tiềm lực tài chính của đội bóng sụt giảm, lực lượng của đội bóng trở nên yếu ớt. Nhiều người đã nói đến vai trò của các HLV trong các thất bại của đội bóng, nhưng với "bột" như vậy mà yêu cầu HLV phải "gột nên hồ" cũng khó.

Vậy cuộc khủng hoảng này của SLNA sẽ đưa đội bóng đi đến đâu?

Có thể mất một vài mùa bóng, nhưng chắc chắn bóng đá SLNA sẽ trở lại mạnh mẽ. Bóng đá SLNA có căn bản và gốc rễ, các lứa trẻ của họ được đào tạo bài bản và liên tục. Trong năm 2020, tất cả 6 đội trẻ của SLNA tham dự các giải trẻ vô địch quốc gia đều giành huy chương với 3 chức vô địch ̣(U11, U13, U17), 1 huy chương bạc (U21), 2 huy chương đồng (U19, U15) và được vinh danh là CLB đào tạo trẻ tốt nhất năm. Chỉ cần lúc nào đó ngọn lửa nhiệt huyết được khơi lại, đội bóng này lại lập tức bùng cháy với nội lực đã có sẵn của mình, tiếng nói của họ ở V.League sẽ lại lập tức trở nên có trọng lượng. Nó khác với một số đội bóng mà hệ thống đào tạo trẻ không được ai nhắc đến, kiểu như Thép Xanh Nam Định hay Quy Nhơn Bình Định, chỉ cần lúc nào đó, ngọn lửa nhiệt huyết của các đội bóng này nguội lạnh như SLNA bây giờ, thì phải rất lâu sau đó, họ mới có thể lấy lại được tiếng nói ở V.League.