Dân Việt

Đổi mới tranh luận nghị trường: Ba phút để thực hiện đến cùng trách nhiệm với cử tri (Bài cuối)

Nhóm Phóng viên 17/11/2024 15:38 GMT+7
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tranh luận trên nghị trường không vì “hơn thua của bản thân”, mà đại diện cho kiến nghị, quyền lợi của cử tri cả nước.

Quy định về tranh luận trên nghị trường Quốc hội chính được quy định trong Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) năm 2022.

Chính thức nội dung về tranh luận trên nghị trường thể hiện những kết quả hoạt động thực tế rất tích cực của Quốc hội đã được ghi nhận. Quốc hội luôn hướng đến mục tiêu cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong các hoạt động của quốc hội.

Đồng thời, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho ĐBQH thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội.

Đổi mới tranh luận nghị trường: Ba phút để thực hiện đến cùng trách nhiệm với cử tri (Bài cuối) - Ảnh 1.

ĐBQH Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nghiên cứu rất kỹ tác động của các phương án áp thuế GTGT với phân bón để thảo luận trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Quyền tranh luận được cụ thể hóa trong văn bản cũng nhằm mở rộng dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.

Quy định về quyền tranh luận được bổ sung tại Điều 16 của Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi): ĐBQH tranh luận tập trung làm rõ vấn đề tranh luận, đảm bảo tính xây dựng, có thái độ tôn trọng ĐBQH đã phát biểu trước. Các hoạt động tranh luận trên nghị trường cũng được cụ thể hóa, ví dụ như ĐBQH tranh luận không quá ba phút.

Thực tế cho thấy, qua mỗi kỳ họp Quốc hội, tính tích cực, hiệu quả của hoạt động tranh luận càng được thể hiện rõ rệt.

Hoạt động tranh luận không chỉ thay đổi từ hình thức "giơ bảng đăng ký" thành bấm nút điện tử, mà thực chất đã thay đổi về chất. Tranh luận đã dần đưa hoạt động nghị trường của các vị Đại biểu Quốc hội từ "tham luận" sang "thảo luận, tranh luận".

Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, có 107 lượt tranh luận tại 30 phiên thảo luận tại hội trường; con số này tại Kỳ họp thứ 6 là 121 lượt tranh luận tại 29 phiên thảo luận; Kỳ họp thứ 7 là 42 lượt ĐBHQ tranh luận tại Hội trường.

Trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội thứ XV đang diễn ra, hoạt động tranh luận nghị trường ngày càng trí tuệ, trách nhiệm, sôi nổi.

Đổi mới tranh luận nghị trường: Ba phút để thực hiện đến cùng trách nhiệm với cử tri (Bài cuối) - Ảnh 2.

Sáng 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Tại Phiên họp, một số thành viên UBTVQH đề nghị lấy ý kiến các đại biểu về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề thuế GTGT với phân bón. Ảnh: Quochoi.vn

Các vị ĐBQH phân định rõ "chất vấn", "chất vấn lại" với hoạt động "tranh luận" nghị trường.

Để thể hiện được chính kiến về một nội dung, một vấn đề chỉ vỏn vẹn trong 3 phút đồng hồ, ĐBQH đã đầu tư trí tuệ nghiên cứu, đưa ra lập luận, dữ liệu, con số để chứng minh, chứ không dựa vào cảm tính, suy diễn. 3 phút tranh luận trên nghị trường, có thể chứng minh giá trị bản lĩnh, trí tuệ của vị ĐBQH.

Chất lượng hoạt động Quốc hội được nâng cao khi tranh luận nghị trường hướng đến sự tường minh, làm rõ những vấn đề còn băn khoăn, thắc mắc. Đổi mới tranh luận nghị trường sẽ giúp đại biểu đặt vấn đề hay, người trả lời cũng rõ, cùng đi đến cùng để giải quyết vấn đề đem lại niềm tin cho cử tri.

Các ĐBQH đứng lên tranh luận không phải vì "hơn thua của bản thân", "vì cái tôi". Họ cũng không tranh luận đại diện cho đơn vị, Bộ, ngành mình đang công tác.

ĐBQH tranh luận với vị trí, vai trò là người đại diện cho cử tri. Ý kiến tranh luận được suy nghĩ, phân tích thấu đáo để đặt quyền lợi của đất nước, của cử tri lên trên hết.

Các chủ trương, chính sách đưa ra Quốc hội được minh bạch, sáng tỏ hơn, một phần quan trọng nhờ vào hoạt động tranh luận nghị trường đang ngày càng thực chất hơn.