Dân Việt

100% trang trại chăn nuôi tái sử dụng chất thải làm kinh tế tuần hoàn

Tịnh Tâm 26/11/2024 07:10 GMT+7
Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chăn nuôi, thời gian qua TP.HCM đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm định hướng xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi phục vụ trồng trọt, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh và phát thải thấp.

Theo đó, UBND TP.HCM đã phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Triển khai nhiểu cơ chế, chính sách làm kinh tế tuần hoàn  

100% trang trại chăn nuôi tái sử dụng chất thải làm kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1.

TP.HCM đặt mục tiêu 100% trang trại chăn nuôi tái sử dụng chất thải làm kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Nuôi bò sửa ở huyện Củ Chi. Ảnh: T.Đ

Kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn để tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả…

Mục tiêu đến năm 2025, với ngành chăn nuôi, ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất;

Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng kỹ thuật công nghệ cho hình thành và phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn TP đến năm 2030.

Theo đó, TPHCM phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp…

Cụ thể, đến năm 2030, trong lĩnh vực chăn nuôi, có 60% cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ và 100% cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại áp dụng các công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và được tái sử dụng. Đồng thời, 100% cán bộ khuyến nông được tập huấn các quy trình xử lý, tái chế chất thải, phụ phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. 

Khuyến nông tăng cường làm kinh tế tuần hoàn  

Để triển khai các hoạt động khuyến nông bám sát chủ trương, định hướng của ngành, TP, đáp ứng các nhiệm vụ, yêu cầu mới hiện nay; đồng thời tiếp tục phát huy tốt chức năng và nhiệm vụ khuyến nông trong thời kỳ mới, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 64/2024/QĐ-UBND về định mức kinh tế kỹ thuật khuyến nông trên địa bàn TP.

100% trang trại chăn nuôi tái sử dụng chất thải làm kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2.

Trang trại Tam Nông (Q.12, TP.HCM) được đánh giá làm tốt kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: T.Đ

Trong đó, có các nhóm mô hình trình diễn khuyến nông ứng dụng công nghệ cao, mô hình theo nhu cầu sản xuất, thị trường và mô hình sản xuất giống phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp tuần hoàn.

Cụ thể, nội dung Quyết định 64/2024/QĐ-UBND quy định các định mức kinh tế kỹ thuật về khuyến nông bao gồm: Định mức mô hình trình diễn khuyến nông (gọi chung là mô hình) thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất hữu cơ, có 10 mô hình; định mức mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, có 18 mô hình; định mức mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, dịch hại, bảo vệ môi trường, có 2 mô hình.

Cùng với đó, định mức mô hình theo nhu cầu sản xuất, thị trường và định hướng phát triển của ngành, TP, có 30 mô hình; định mức mô hình sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản có 16 mô hình và định mức nhiệm vụ tư vấn và dịch vụ khuyến nông.