Ngày 26/11, phiên tòa xét xử các bị cáo xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan tiếp tục phần bào chữa của các luật sư.
Theo cáo trạng, vụ việc bắt đầu vào tháng 6/2021 khi bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, cử nhân viên mang 5.000 USD đến gặp ông Hoàng Anh Tuấn để nhờ hỗ trợ cấp lại giấy phép kinh doanh xăng dầu.
Dù vậy, hồ sơ của Xuyên Việt Oil không đáp ứng các điều kiện pháp lý về cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận và hệ thống phân phối xăng dầu. Sau khi bà Hạnh tiếp tục liên hệ, ông Tuấn hướng dẫn bà làm lại hồ sơ và đưa bà gặp ông Trần Duy Đông, cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.
Tại buổi gặp, bà Hạnh đưa túi quà chứa 250.000 USD (khoảng 5,6 tỷ đồng). Sau đó, số tiền này được chia làm hai phần: ông Trần Duy Đông giữ 120.000 USD và ông Hoàng Anh Tuấn nhận 130.000 USD.
Ngày 12/11/2021, đoàn kiểm tra do ông Hoàng Anh Tuấn làm trưởng đoàn đến kiểm tra điều kiện cấp phép của Xuyên Việt Oil. Tại đây, bà Hạnh tiếp tục đưa thêm 10.000 USD để được hỗ trợ. Dù không thực hiện kiểm tra thực tế đầy đủ, ông Tuấn vẫn ký biên bản xác nhận công ty đáp ứng điều kiện cấp phép.
Ngày 19/11/2021, trên cơ sở đề xuất của ông Tuấn, ông Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công Thương) ký ban hành giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Xuyên Việt Oil, có giá trị đến năm 2026.
VKSND TP.HCM đề nghị mức án từ 7-8 năm tù đối với ông Hoàng Anh Tuấn và ông Trần Duy Đông, với cáo buộc nhận hối lộ.
Luật sư bào chữa cho ông Tuấn cho rằng thân chủ đã nhận thức rõ sai phạm, đồng ý với cáo buộc nhưng mức án đề nghị quá nghiêm khắc. Theo luật sư, ông Tuấn không chủ động đòi tiền hối lộ mà nhận vì bị thúc ép bởi cấp trên và áp lực công việc.
Bào chữa thêm, luật sư nêu bối cảnh dịch Covid-19 năm 2021 khiến việc kiểm tra thực tế gặp khó khăn. Việc chậm trễ cấp giấy phép cho Xuyên Việt Oil có thể gây xáo trộn thị trường xăng dầu. Sau khi phát hiện sai phạm, ông Tuấn đã đề xuất thu hồi giấy phép, khắc phục hậu quả. Luật sư đề nghị HĐXX áp dụng "biện pháp hình sự đặc biệt", tuyên mức án từ 4-5 năm tù.
Trong phần tự bào chữa, ông Tuấn thừa nhận toàn bộ sai phạm, bày tỏ sự hối hận và xin được hưởng khoan hồng để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Có nhân thân xấu, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương vẫn được đề nghị xin miễn hình phạt
Năm 1988, ông Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm về tội Đầu cơ.
Tại vụ Xuyên Việt Oil, ông bị cáo buộc nhận 50.000 USD từ bà Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil. VKS đã đề nghị mức án từ 3-4 năm tù đối với ông Hải về tội Nhận hối lộ.
Bào chữa cho ông Hải, luật sư cho rằng mức án mà VKS đề nghị là quá nghiêm khắc. Theo luật sư, bị cáo không có động cơ vụ lợi khi nhận số tiền này, cũng không chủ động đòi hỏi hay ép buộc bà Hạnh đưa hối lộ để cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Luật sư nhấn mạnh, sau khi Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép, bà Hạnh đã nhiều lần đề nghị gặp ông Hải nhưng bị ông từ chối. Số tiền 50.000 USD được phía bào chữa giải thích là "quà cảm ơn, quà Tết" từ phía bà Hạnh gửi đến ông Hải, không phải tiền hối lộ nhằm đạt mục đích cá nhân.
Bên cạnh đó, luật sư đã nêu lên nhiều tình tiết giảm nhẹ cho cựu Thứ trưởng: Tự giác khắc phục hậu quả; ông Hải đã nộp lại toàn bộ số tiền liên quan đến vụ án; đạt nhiều thành tích xuất sắc và có những đóng góp quan trọng cho xã hội; hoàn cảnh gia đình đặc biệt... Ngoài ra, nhiều cá nhân và tổ chức đã gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Đỗ Thắng Hải.
Từ những cơ sở trên, luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho ông Hải được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt, miễn hình phạt. Trong trường hợp không thể miễn, luật sư mong tòa áp dụng mức án thấp nhất để ông Hải sớm trở về chăm sóc gia đình.
Tự bào chữa, ông Hải cũng đề nghị HĐXX cân nhắc những đóng góp của mình trong quá trình công tác và xét tới hoàn cảnh gia đình để đưa ra phán quyết hợp lý.