Ngày 26/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm...
Tội phạm trực tuyến hoành hành với nhiều phương thức, thủ đoạn mới
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi to lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, cũng đi kèm theo một loạt nguy cơ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng và tội phạm trực tuyến.
Một trong những hình thức phổ biến của tội phạm trong lĩnh vực này là sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn và ổn định của an ninh mạng và của xã hội.
Đại biểu chỉ ra, theo báo cáo của Chính phủ, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tội phạm mới, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra với các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
Cụ thể như tạo lập các trang mạng giả mạo của cơ quan công an, của các cơ quan tư pháp để hướng dẫn việc tiếp nhận thông tin tội phạm, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng dịch vụ công để qua đó sẽ thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và các hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng.
Các đường dây điều hành hoạt động tín dụng đen qua mạng tấn công để chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội của những người có ảnh hưởng sau đó đổi tên, tán phát các thông tin, hình ảnh, quảng cáo để phục vụ cho mục đích trục lợi.
Ông dẫn ví dụ như kênh Youtube của Quang Linh Vlog đã bị chiếm đoạt, hay một công nghệ mới là sử dụng công nghệ Deepfake giả mạo khuôn mặt, giọng nói của người thân hoặc cơ quan chức năng để tấn công, lừa đảo người sử dụng.
Bên cạnh đó, chỉ trong một năm, số vụ đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên Internet bị phát hiện và triệt phá là 1.100 vụ, tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2023; số lượng đối tượng phạm tội là 529 đối tượng, tăng gần 24% so với năm 2023; số bị can khởi tố mới là 658 bị can, tăng trên 57% so với năm 2023.
Có thể nói với sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung và công nghệ thông tin mạng viễn thông nói riêng đã trở thành một môi trường cho tội phạm mới.
Ghi nhận sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện giải pháp để khắc phục về các nguy cơ mất an toàn, an ninh, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và liên tục có những cảnh báo về hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân được biết.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.
Ông cũng đề nghị các cơ quan chức năng khai thác có hiệu quả tiện ích của các trang mạng xã hội để đăng tải, cập nhật các thông tin cảnh báo về tội phạm, hành vi, thủ đoạn tội phạm phù hợp với diễn biến tình hình mới, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi.
Ngoài ra, cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng.
Chỉ không vừa ý, vừa mắt có thể giải quyết với nhau bằng hung khí
Nêu tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật của người chưa thành niên có chiều hướng gia tăng, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) chỉ ra toàn quốc phát hiện 5.216 vụ, 15.243 đối tượng, trong đó hơn 30% là nữ, tăng 15,6% về số đối tượng, đã khởi tố 2.854 vụ, 6.325 bị can; xử lý hành chính hơn 10.000 vụ, trong đó nhiều em là học sinh, sinh viên. Theo ông, đây là điều rất đáng báo động, tạo ra sự lo lắng trong xã hội.
"Trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ việc hết sức đau lòng, chỉ một mâu thuẫn nhỏ, chỉ cảm thấy không vừa ý, vừa mắt trong đời sống sinh hoạt, các em có thể giải quyết với nhau bằng hung khí và để lại những hậu quả nặng nề cho bản thân các em, gia đình và xã hội", đại biểu nêu thực tế.
Đại biểu cho biết, qua trao đổi với nhiều phụ huynh, họ cảm thấy chưa thực sự an tâm khi con em mình ra đường, tham gia các hoạt động xã hội trong nhà trường.
Bên cạnh đó, vẫn thường xuyên xảy ra những vụ việc thanh thiếu niên tụ tập, gây rối trật tự công cộng và thông qua mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn lẫn nhau.
"Chưa bao giờ người làm cha làm mẹ phải lo lắng nhiều đến vậy", đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ lo ngại.
Để kéo giảm và ngăn ngừa tội phạm trong thanh, thiếu niên, đại biểu cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, gia đình nhà trường, xã hội, đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn, toàn diện hơn về tình hình trong thời điểm hiện nay và có tính dự báo trong thời sắp tới, để có những giải pháp đồng bộ, toàn diện.
Đồng thời có những biện pháp chế tài mạnh mẽ để kiểm sát tốt hơn việc sử dụng mạng xã hội để phạm tội và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.
"Thật buồn lòng khi khảo sát tại các trại giam, tạm giam, trung tâm cai nghiện, nhà tạm giữ thì thấy tỉ lệ trại viên là thanh niên, thiếu niên ngày càng tăng cao trong những năm gần đây khi tuổi đời các em còn rất trẻ. Cứ như vậy, tương lai của các em, các cháu đi về đâu", đại biểu nêu vấn đề.
Đại biểu đoàn Đắk Nông đặt câu hỏi về trách nhiệm của gia đình, dòng họ, hàng xóm, nhà trường, đoàn thể xã hội trước thực trạng này. Đối với tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật thông qua mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp, đại biểu đề nghị cần có hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn để ngăn chặn.
Quang Linh Vlog tên thật là Phạm Quang Linh (sinh năm 1997, quê tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Linh được biết đến là một YouTuber nổi tiếng với kênh hơn 4 triệu lượt follow với các nội dung liên quan đến cuộc sống tại châu Phi.
Tháng 4/2024, kênh YouTube "Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở Châu Phi" bị hacker chiếm quyền kiểm soát.
Tin tặc sau khi chiếm quyền điều khiển đã thay đổi ảnh bìa, ảnh đại diện trên kênh để quảng bá cho một loại tiền điện tử nhằm mục đích lừa đảo.
Sau khoảng một ngày bị tin tặc tấn công, Phạm Quang Linh đã lấy lại được kênh Youtube của mình. Ngay sau đó, Quang Linh cũng đăng tải một đoạn video lên kênh Youtube của mình để chia sẻ lại về biến cố đã xảy ra.