Bác sĩ Bùi Đăng Ngọc, khoa Nam học, Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, gần đây, ghi nhận sự gia tăng đáng kể số lượng trẻ em đến khám khoa Nam học do các vấn đề liên quan đến béo phì, điển hình là tình trạng vùi dương vật và tinh hoàn nhỏ.
Theo bác sĩ Ngọc, béo phì có liên quan mật thiết đến tình trạng vùi dương vật ở trẻ em. Về cơ bản, vùi dương vật xảy ra khi dương vật bị ẩn dưới lớp mỡ ở vùng mu, khiến "cậu nhỏ" trông ngắn hơn hoặc khó nhìn thấy.
Theo bác sĩ Ngọc, khi béo phì, mỡ tích tụ dày ở vùng mu. Lớp mỡ này che phủ dương vật, khiến nó trông như bị "vùi" vào trong. Ngoài ra, béo phì cũng khiến da bị giảm độ đàn hồi khiến da vùng mu khó co giãn và "giải phóng" dương vật. Việc béo phì ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone trong cơ thể, điều này cũng có thể góp phần gây ra vùi dương vật.
Bác sĩ Ngọc cũng nhấn mạnh, "cậu nhỏ" bị vùi khiến cho việc đi tiểu của trẻ khó khăn đồng thời gây viêm nhiễm do nước tiểu sót và việc vệ sinh khó khăn. Khi "cậu nhỏ" bị vùi có thể khiến trẻ xấu hổ, tự ti, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý.
Tư vấn về việc điều trị, bác sĩ Ngọc khuyến cáo, khi trẻ bị vùi dương vật, gia đình cần cho trẻ giảm cân. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể hướng dẫn nong bao quy đầu để giúp dương vật lộ ra ngoài.
Ngoài ra, nếu "cậu nhỏ" bị vùi nghiêm trọng và không đáp ứng các phương pháp điều trị khác, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Bác sĩ Ngọc cũng khuyến cáo, để phòng ngừa các bệnh nam khoa cho trẻ, cha mẹ cần:
Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Cha mẹ nên khuyến khích trẻ em có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng hợp lý.
Vệ sinh sạch sẽ: Vệ sinh vùng kín cho trẻ đúng cách để tránh viêm nhiễm.
Khám sức khỏe định kỳ: Đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả vùi dương vật.
"Nếu bạn lo lắng về bất kỳ vấn đề sức khỏe nam khoa nào của con mình, bao gồm cả những vấn đề có thể liên quan đến béo phì, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời", bác sĩ Ngọc nhấn mạnh.