Dân Việt

Khi con cái xấu hổ về nghề nghiệp của bố mẹ, bi kịch hay cơ hội?

Trung Hiếu 27/11/2024 09:30 GMT+7
"Tôi cảm thấy rất “sốc” và ngỡ ngàng khi biết chuyện con xấu hổ về nghề nghiệp của mình. Điều này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, không biết có phải mình giáo dục con sai cách hay không nữa…”, một vị phụ huynh tâm sự trong tiếng thở dài.

Cha mẹ lặng người: “Biết con xấu hổ về nghề nghiệp của mình, tôi rất ngỡ ngàng”

Nam (18 tuổi, Tuyên Quang) đang học lớp 12 và có 11 năm đạt danh hiệu học giỏi trước đó. Nhận được tình cảm yêu mến của nhiều người bạn, nhưng có một điều mà Nam chưa bao giờ làm, đó là mời bạn bè về nhà chơi. Mỗi lần có ai đó gợi ý đến thăm nhà, Nam luôn tìm cách từ chối, viện lý do bận học hoặc gia đình không tiện.

Cha của Nam, ông Tuấn, từng là công nhân xây dựng, nhưng một tai nạn nghiêm trọng đã cướp đi một bên chân của ông. Sau biến cố ấy, ông mở một tiệm sửa xe nhỏ bên đường để nuôi sống gia đình. Hàng ngày, ông Tuấn ngồi trên chiếc ghế thấp, với một chân giả và đôi tay chai sạn, tỉ mẩn sửa từng chiếc xe máy, xe đạp để mưu sinh.

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, nam sinh lớp 12 cho biết, bản thân "cảm thấy rất ngại" mỗi khi nhắc đến nghề nghiệp của bố mình. “Khi mọi người hỏi, em chỉ nói bố làm nghề tự do, tránh mọi câu hỏi thêm. Có một lần, xe đạp của em bị hỏng giữa đường. Em gọi cho bố, nhưng khi thấy bố đến, tay cầm chiếc cờ lê cũ, em cảm thấy vừa ngại ngùng vừa bối rối. Một nhóm bạn tình cờ đi ngang qua, nhìn em với ánh mắt tò mò khiến em chỉ muốn biến mất ngay lúc đó”, Nam nói.

Khi con cái xấu hổ về nghề nghiệp của bố mẹ, làm sao để con thấu hiểu? - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ chia sẻ, họ cảm thấy rất ngại mỗi khi nhắc đến nghề nghiệp của bố mẹ mình. Ảnh minh họa: T.H

Không chỉ Nam, câu chuyện về nỗi xấu hổ với nghề nghiệp của bố mẹ cũng không xa lạ với nhiều bạn trẻ khác. Lan (20 tuổi, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) cũng từng như Nam, cảm thấy ngượng ngùng vì công việc của mẹ mình. Mẹ của Lan là công nhân vệ sinh môi trường, công việc dọn dẹp, thu gom rác thải trong khu phố.

Lan chia sẻ: “Từ lúc học trung học cơ sở cho tới khi học hết cấp 3, mỗi khi đi cùng bạn bè mà gặp mẹ đang lao động ngoài đường, không hiểu sao mình cứ tự động cúi mặt, bước đi nhanh hơn hoặc tìm kiếm lối đi khác để mẹ không nhìn thấy mình. Dù yêu mẹ, nhưng mình cảm thấy khó khăn trong việc chia sẻ về công việc của mẹ mình với mọi người”.

Cô gái 20 tuổi cho biết, mãi cho tới khi thi đỗ vào một trường đại học, phải sống xa gia đình, nhận thức được tình cảm và sự yêu thương, lo lắng từng chút mà mẹ dành cho mình, suy nghĩ của Lan mới thay đổi. “Giờ đây, mình lại thấy nhớ ánh mắt ấm áp của mẹ, mong được gặp mẹ mỗi ngày, mình cũng không còn lảng tránh hay cảm thấy tự ti mỗi khi có ai hỏi về nghề nghiệp của mẹ nữa”, Lan tâm sự.

Chị Phan Quỳnh Chi (32 tuổi, TP.HCM) đang có con học tiểu học. Công việc của chị là ở nhà làm bánh và bán hàng online. Chị Chi cho biết bản thân cảm thấy rất “sốc” và ngỡ ngàng khi thấy trong bài tập làm văn trên lớp, con chị đã đổi nghề của mẹ là làm bác sĩ. “Lúc đó, tôi đã đoán là con cảm thấy xấu hổ về nghề nghiệp của mình rồi, nhưng chưa hỏi thẳng vì biết đâu con nghĩ khác. Tôi hỏi con là các bạn khác viết như thế nào thì con kể bố mẹ các bạn đều làm công việc rất "hoành tráng"”.

Khi con cái xấu hổ về nghề nghiệp của bố mẹ, làm sao để con thấu hiểu? - Ảnh 2.

Chị Chi tâm sự về việc con cảm thấy xấu hổ với nghề nghiệp của bản thân. Ảnh: Chụp màn hình.

Chị Chi tâm sự: “Nhà tôi không tới mức giàu nhưng chưa bao giờ tôi để con phải thiếu thốn điều gì. Ở lớp, con tôi chơi thân với một bạn và con rất thích được đi học cùng bạn ấy. Nhà gần nên thỉnh thoảng bố mẹ bạn ấy hay đón cả con tôi đi cùng, con tôi lúc nào cũng phấn khởi vì được đi ô tô”.

“Việc có thể con xấu hổ với nghề nghiệp của tôi khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, không biết có phải mình giáo dục con sai cách hay không nữa…”, chị Chi thở dài.

Con cái xấu hổ vì nghề nghiệp của bố mẹ: Chuyên gia bật mí cách giải quyết vấn đề này

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Mai Việt Đức - chuyên gia tâm lý cho biết, tình trạng con cái xấu hổ về công việc của bố mẹ thường xuyên xảy ra, đặc biệt ở các khu vực thành thị, nơi trẻ em thường xuyên tiếp xúc với nhiều bạn bè đến từ các hoàn cảnh gia đình đa dạng. Áp lực xã hội, sự so sánh trong môi trường học đường và ảnh hưởng của mạng xã hội có thể làm trẻ cảm thấy xấu hổ nếu nghề nghiệp của bố mẹ không phù hợp với "chuẩn mực" mà xã hội vô tình áp đặt.

“Cảm giác xấu hổ vì công việc hoặc hoàn cảnh của bố mẹ có thể tạo ra những tác động sâu sắc đến cả mối quan hệ gia đình và sự phát triển tâm lý của trẻ cũng như bố mẹ. Đây không chỉ là một hiện tượng nhất thời mà còn là vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc để ngăn ngừa những hậu quả dài hạn, ví dụ như tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, để lại hậu quả tâm lý lâu dài với con trẻ, khiến các bạn có nguy cơ cô lập xã hội để tránh đối mặt với sự xấu hổ…”, ông Đức chia sẻ thêm.

Vị chuyên gia tâm lý này cũng nhấn mạnh, cảm giác xấu hổ về bố mẹ không phải điều bất thường, nhất là trong giai đoạn các bạn trẻ đang xây dựng bản sắc cá nhân và chịu áp lực từ môi trường xung quanh. “Điều quan trọng hơn là các bạn cần hiểu rằng, bố mẹ là nguồn cội và điểm tựa quan trọng nhất trong cuộc đời các bạn. Ngoài ra, công việc không định nghĩa phẩm giá của một người.

Khi con cái xấu hổ về nghề nghiệp của bố mẹ, làm sao để con thấu hiểu? - Ảnh 3.

Chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức chia sẻ, cảm giác xấu hổ về bố mẹ không phải điều bất thường, nhất là trong giai đoạn các bạn trẻ đang xây dựng bản sắc cá nhân và chịu áp lực từ môi trường xung quanh. Ảnh: NVCC.

Đặc biệt, việc xấu hổ không làm bạn tốt hơn, nhưng lòng tự hào thì có. Thay vì để cảm giác xấu hổ chi phối, hãy học cách trân trọng những gì bạn có. Khi bạn cảm thấy tự hào và biết ơn về gia đình mình, sự tự tin sẽ đến từ bên trong, giúp bạn đối mặt với mọi áp lực xã hội”.

Về thông điệp đưa ra đối với các bậc phụ huynh, ông Đức cho hay, việc nhận thấy con mình cảm thấy xấu hổ về hoàn cảnh gia đình là một trải nghiệm đau lòng. Tuy nhiên, thay vì trách móc hay cảm thấy tổn thương, phụ huynh cần tập trung vào việc xây dựng cầu nối thấu hiểu với con cái.

Ông Đức chia sẻ: “Các phụ huynh hãy lắng nghe con với thái độ không phán xét, để con cảm thấy an toàn khi chia sẻ. Ngoài ra, bố mẹ có thể chia sẻ với con về những khó khăn, nỗ lực và hy sinh đã trải qua để xây dựng gia đình. Những câu chuyện thực tế sẽ giúp con hiểu rằng công việc bạn làm không chỉ là một nghề, mà là biểu hiện của tình yêu thương và trách nhiệm.

Điều quan trọng nhất, phụ huynh không nên cảm thấy thất bại vì sự xấu hổ của con. Đôi khi, cảm xúc của trẻ phản ánh sự trưởng thành của chúng, không phải sai lầm của bạn. Thay vì tự trách, hãy xem đó là cơ hội để đồng hành cùng con trên hành trình thấu hiểu và lớn lên”.