Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 gồm 4 Điều, được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.
Thời gian thực hiện Chương trình là từ năm 2025 đến hết năm 2035.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mục tiêu của Chương trình là hướng tới việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có việc tu bổ và tôn tạo di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Theo đó, đối với các di tích xuống cấp, có nguy cơ hủy hoại sẽ được đầu tư tu bổ, phục hồi; đối với các di tích khác có thể được tôn tạo để tăng cường khả năng sử dụng, khai thác, phát huy giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa.
Hiện nay, nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp rất nghiêm trọng và chưa có đủ nguồn lực để tu bổ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện Chương trình cần rà soát kỹ lưỡng hiện trạng di tích, triển khai việc tu bổ, tôn tạo theo hướng ưu tiên các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, bảo đảm đầu tư có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phát huy giá trị di tích...
Kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm 63% với 77.000 tỷ đồng (gồm 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 27.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp); vốn ngân sách địa phương chiếm 24,6% với 30.250 tỷ đồng; còn lại 12,4% là nguồn vốn khác (khoảng 15.000 tỷ đồng).
Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Về kinh phí thực hiện Chương trình, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu và thể hiện tại điểm d khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xác định tỷ lệ đối ứng phù hợp.
Về ý kiến thống nhất quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phân cấp tối đa cho địa phương, giao cho địa phương bố trí nguồn lực phù hợp điều kiện thực tế; đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc này trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Đối với các ý kiến đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu, nội dung nhiệm vụ cụ thể cho đối tượng đặc thù là người lao động, công nhân, người dân tộc thiểu số di cư đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất…, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, lưu ý các đối tượng đặc thù nêu trên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nội dung thành phần trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, bảo đảm tránh trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai và đáp ứng nhu cầu bảo tồn văn hóa, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số…