Bàn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại chương trình lãnh đạo TP.HCM đối thoại với nông dân sáng 27/11, ông Võ Văn Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi (TP.HCM) kiến nghị, Thành phố cần sớm ban hành các chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông thôn, bảo tồn các nghề truyền thống trên địa bàn huyện; sớm điều chỉnh quy hoạch đất thương mại, dịch vụ để các cá nhân, tổ chức thuận lợi trong việc thực hiện xây dựng nhà lưu trú (homestay), láng trại, nhà vệ sinh...
Ông Thuận mong muốn Thành phố xây dựng hệ sinh thái đa chiều cho hoạt động kinh doanh du lịch, thông qua việc tận dụng tối đa công nghệ 4.0; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, quảng bá hình ảnh, thông tin nhanh chóng về các sản phẩm, dịch vụ… đến với người dân và du khách.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, năm 2023, thống kê cho thấy chỉ có 14% du khách đến TP.HCM đi về các huyện ngoại thành - tức các vùng nông thôn. Giá trị du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn tại TP.HCM còn quá thấp so với tiềm năng.
"Du khách đến Địa đạo Củ Chi, chui xuống hầm, lên ăn khoai mì rồi về, họ không biết đến Củ Chi còn có các điểm du lịch khác như vườn trái cây, vườn lan", ông Phú nói.
Theo ông Phú, hiện Thành phố đang có đến 7 chính sách để hỗ trợ nông dân phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu phải làm sao để 7 chính sách kia đi vào thực tế, bằng các hành động cụ thể. Cần tổ chức các hội nghị để hướng dẫn, phổ biến triển khai chính sách đến tận tay người dân. "Chúng ta ai cũng biết nhưng người cần họ không biết", ông Hoan nói.
Ông Hoan cũng yêu cầu cần quảng bá hình ảnh, các tour, tuyến du lịch nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn; phải chọn ra những sản phẩm tiêu biểu, tổ chức tuyên truyền quảng bá, có chương trình, có kế hoạch.
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, đô thị hóa gây ra những khó khăn nhất định cho người nông dân. Do đó, phải làm sao để người dân có đất nông nghiệp có thể sản xuất và sống được với mảnh đất đó.
"Tăng cường đưa nông dân đi học tập, tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp trong nước và trên thế giới. Người nông dân Thành phố phải khác nông dân các tỉnh trong việc đi đầu áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đô thị, thì mới tạo ra giá trị", ông Hải nói.
Trên cơ sở sự quan tâm thật sự của các cấp chính quyền, ông Hải tin tưởng TP.HCM sẽ có những bước tiến mới trong việc xây dựng nền nông nghiệp đô thị. Số lượng người nông dân có thu nhập cao trên mảnh đất nông nghiệp trong thời gian tới sẽ tăng hơn.
Về chương trình lãnh đạo TP.HCM đối thoại với nông dân, ông Hải chỉ đạo: "Tôi mong muốn không phải đợi đến ngày đối thoại mới lắng nghe ý kiến nông dân, chúng ta phải thường xuyên lắng nghe ý kiến bà con. Tại đây không thể nào nêu ý kiến giải quyết cụ thể, mà thành phố cần phối hợp với Hội Nông dân từng huyện, chia nhỏ từng ý kiến, chia thành từng nhóm đang gặp vấn đề giống nhau để giải quyết".
Chương trình lãnh đạo TP.HCM đối thoại với nông dân diễn ra buổi sáng ngày 27/11 tại Trung tâm hội nghị 272 (quận 3, TP.HCM). Chủ đề của chương trình lần này là “Vai trò của nông dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Có gần 300 nông dân tham gia phiên đối thoại lần này.