Năm 2024, TP.HCM được Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) - mệnh danh là giải Oscar của ngành du lịch toàn cầu - vinh danh “Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu châu Á 2024” (Asia’s Leading Festival & Event Destination 2024).
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành du lịch, giải thưởng này là sự ghi nhận cho những nỗ lực của TP.HCM trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến. Song, đứng trước tiềm năng lớn, ngành du lịch thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm để sự kiện - lễ hội tiếp tục thu hút du khách, “hái ra tiền”, và phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Đức Trí - Trưởng khoa Du lịch, ĐH Kinh tế TP.HCM, chỉ ra 3 điều TP.HCM nên tham khảo để ngành du lịch có thể thành công với sự kiện - lễ hội.
Đầu tiên, cần chọn đúng nhà khai thác, tổ chức chuyên nghiệp, có thể trong nước hoặc quốc tế. Ông nhấn mạnh, đó chính là “hạt nhân” vấn đề. “Việc tìm đúng nhà khai thác sẽ giúp các sự kiện thành công. Họ biết cách quảng bá, truyền thông cho sự kiện - lễ hội một cách chuyên nghiệp để đạt được nhiều mục tiêu”, ông Trí lý giải.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng phải đủ đáp ứng quy mô tổ chức các sự kiện - lễ hội lớn. Đây là vấn đề nan giải mà TP.HCM đang gặp phải. Như Lễ hội Sông nước vừa qua, có thể thấy, hoạt động thì nhiều, nhưng bến để đi từ bờ xuống sông rất ít. Hoạt động giải trí, mua sắm tại bến tàu còn hạn chế, khách không có trải nghiệm, lên bờ là… đi về và không có chỗ tiêu tiền.
“Nói như vậy để thấy mình cần phải đầu tư và mở rộng cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn, tổ chức các sự kiện thể thao thì tổ chức ở đâu? Các trung tâm thể thao, huấn luyện của mình hiện nay rất nhỏ và đa số nằm ở nội thành, nhà xe chứa xe gắn máy cũng đã không đủ. Do đó, cần ưu tiên cho những khu vực hiện nay không gian còn trống như Cần Giờ, Nhà Bè, TP.Thủ Đức”, TS. Nguyễn Đức Trí nhấn mạnh.
Công nghệ mới, kỹ thuật mới là điều cần thiết làm sức hấp dẫn của sự kiện - lễ hội, vì vậy, khung pháp lý hỗ trợ "tạm nhập và tái xuất" cần hoàn thiện hơn. Ảnh: Lê Tiến
Thứ ba, khung pháp lý hỗ trợ cho du lịch sự kiện - lễ hội, nhất là trong vấn đề “tạm nhập và tái xuất” cần hoàn thiện hơn. Loại hình du lịch này đòi hỏi sự sáng tạo, sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật mới về hình ảnh, âm thanh, ánh sáng… rất hiện đại, rất cập nhật, song theo quy định hiện hành, nhiều thiết bị chưa được phép nhập vào Việt Nam, gây trở ngại cho công tác tổ chức. Nếu thiếu hành lang pháp lý như thế, ắt sẽ cắt đứt mạch của sự kiện - lễ hội, nhất là trong công nghiệp biểu diễn, sáng tạo.
Theo bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Truyền thông Vietluxtour, để đa dạng hóa và tạo nên bản sắc văn hóa - du lịch độc đáo của TP.HCM, không thể thiếu sản phẩm du lịch sự kiện - lễ hội. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch văn hóa, sự kiện - lễ hội tại TP.HCM hiện chưa quá đa dạng, quy mô quảng bá ngoài TP.HCM chưa lớn nên chưa thu hút nhiều khách nội địa từ các tỉnh đến tham dự.
Đặc biệt, theo bà Thu, TP.HCM cần tiếp cận đến các thị trường khách quốc tế để tạo điểm nhấn và sự hấp dẫn của điểm đến TP.HCM. “Như vậy, sản phẩm du lịch sự kiện - lễ hội vừa tôn vinh được giá trị văn hoá - lịch sử, đồng thời cũng góp phần phát triển kinh tế du lịch của điểm đến một cách hiệu quả hơn”, bà Thu nói.
Nhận định TP.HCM đang tái định vị hình ảnh một thành phố luôn nhộn nhịp sự kiện - lễ hội, song TS. Dương Đức Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, trăn trở: Tái định vị phải đi liền tái cấu trúc, nhưng thành phố chưa có chiến lược chung nên triết lý về du lịch vẫn còn mơ hồ, triển khai gặp nhiều lúng túng.
Theo ông Minh, với du lịch sự kiện - lễ hội, TP.HCM đã “phát hiện được những tài nguyên dẫn dắt” là Lễ hội Sông nước, đây cũng là một thành công nhất định. Sức lan tỏa của lễ hội ít nhiều tạo vị thế mới, sức hút mới cho thành phố. Tuy nhiên, tính gắn kết của lễ hội với các sản phẩm du lịch của thành phố vẫn còn rời rạc. Chẳng hạn, với sản phẩm du lịch đêm, Hà Nội có các chương trình thực cảnh, hay nhiều tour đêm khám phá Hoàng thành Thăng Long, Hỏa Lò…, trong khi đó, tour đêm TP.HCM hiện có phần hạn chế, loanh quanh chỉ ăn uống, quán bar. TP.HCM đang rất thiếu sản phẩm du lịch đêm.
“Muốn tái định vị thì phải tái cấu trúc sản phẩm du lịch nhằm đảm bảo hệ thống sản phẩm du lịch có sự cân bằng ngày - đêm. Khi đó, sản phẩm du lịch mới đồng bộ được với sự kiện - lễ hội, kết nối với nhau, định vị cho hình ảnh thành phố thêm sắc sảo. Tái định vị giúp mình đặc thù hóa sản phẩm du lịch, còn tái cấu trúc giúp mình đa dạng hóa sản phẩm. Nó phải đi cùng và đan xen nhau mới có thể tạo sức mạnh cho điểm đến”, TS. Dương Đức Minh hiến kế.
Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly cho rằng, niềm tự hào của ngành du lịch TP.HCM không phải có nhiều khách sạn 5 sao, nhà hàng chuẩn quốc tế, đường sá phát triển hơn các địa phương khác, mà chính là nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao cho du lịch sự kiện - lễ hội. Tuy nhiên, bà Ly cũng đồng tình rằng hiện chưa có sự kết nối sâu sắc giữa sự kiện - lễ hội với các sản phẩm du lịch khác của thành phố.
“Lễ hội Áo dài TP.HCM gần đây tổ chức rất hoành tráng nhưng thông tin tour tuyến gắn kết rất ít. Với các show diễn, chúng ta hoàn toàn có thể bán vé cho khách vào tham quan. Về gắn kết du lịch với lễ hội, TP.HCM có thể học hỏi Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế trong việc tổ chức. Lễ hội của họ lên lịch từ rất sớm, tour tuyến được kết nối với lễ hội, chào mừng tất cả du khách”, bà Ly nói.
Các chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện, Chuyến tàu huyền thoại qua hai mùa Lễ hội Sông nước được kỳ vọng sẽ trở thành những sản phẩm du lịch signature show (show đặc trưng) - must see show (show phải xem) xứng tầm của TP.HCM. Làm thế nào để “kiếm tiền” từ đó chính là suy nghĩ của nhiều doanh nghiệp du lịch.
Lấy ví dụ đại nhạc kịch Chuyến tàu huyền thoại tại Lễ hội Sông nước 2024, bà Tạ Thị Tú Uyên - Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ Vietravel, nhận định chương trình xuất sắc, không thua kém các show thực cảnh nổi tiếng trong khu vực. Rõ ràng, show được đầu tư về tiền của, ý tưởng, nhân lực, công nghệ khiến du khách ấn tượng, mãn nhãn, hiểu thêm về văn hóa - lịch sử Sài Gòn - TP.HCM, vẫn đảm bảo yếu tố giải trí cao.
“Tôi vẫn tiếc khi show này chỉ diễn một lần rồi thôi. Chúng ta đã đầu tư vào đó rất nhiều. Từ phía doanh nghiệp, tôi thấy rằng show hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm du lịch mang thương hiệu cho TP.HCM. Chúng ta hoàn toàn có thể thương mại hóa nó, như một sản phẩm signature của TP.HCM. Giá vé 600.000 - 1 triệu đồng là rất bình thường. Với một thành phố sống động như TP.HCM, du khách đến đây là phải ghé xem Chuyến tàu huyền thoại. Chúng ta phải thương mại hóa những sản phẩm du lịch như vậy, nếu không sẽ rất lãng phí”, bà Uyên tâm tư.
TS. Nguyễn Thị Hậu - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, cũng ủng hộ việc thương mại hóa các show diễn mang dấu ấn như thế này. Bà cho rằng với những chương trình lớn như Chuyến tàu huyền thoại, đừng sớm hy vọng sẽ “lấy thu bù chi”, mà phải có một khoản “tạm ứng”, thậm chí là chấp nhận bù lỗ thời gian đầu để tạo thương hiệu, và khi nó trở thành thương hiệu, lúc đấy mới nói đến lợi nhuận. “Đó là kinh nghiệm từ Trung Quốc, rất nhiều show của đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu phải như thế thì mới hoạt động được”, bà phân tích.
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Hậu, cần lưu ý nội dung những chương trình nghệ thuật tại các sự kiện - lễ hội của TP.HCM. Nếu nội dung, thông điệp quá đặc thù của thành phố, thì sẽ khó phục vụ được đông đảo du khách.
“TP.HCM là thành phố luôn hiện đại và hướng về tương lai, nên cần thiết xây dựng những câu chuyện hướng đến những giá trị nhân văn mang tính toàn cầu”, bà Hậu gợi mở.
Để khai thác, phát huy giá trị các sự kiện - lễ hội trong du lịch, chắc chắn không thể và không chỉ đến từ bất kỳ nỗ lực đơn lẻ nào, mà đó phải là sự hợp lực, “cái bắt tay” giữa các bên liên quan.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà - Phó Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist, đánh sự liên kết giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp du lịch rất quan trọng để cùng làm nên thành công của sự kiện - lễ hội, không chỉ về mặt hiệu ứng mà còn giúp du lịch hái ra tiền.
“Cần có sự chia sẻ và nhất quán giữa ngành du lịch thành phố với hàng không, các đơn vị cung ứng nhà hàng, khách sạn, đơn vị lữ hành. Sự cam kết về nguồn lực và chính sách đầu tư dài hạn cho phát triển, mở rộng phân khúc thị trường, đường bay và tần suất bay, sản phẩm tour, voucher quà tặng, chính sách giá, chính sách ưu đãi, khuyến mãi, kích cầu áp dụng theo các giai đoạn phù hợp… sẽ giúp khai thác thế mạnh của du lịch sự kiện - lễ hội TP.HCM”, bà Trà nói.
Để việc tổ chức sự kiện và lễ hội tại TP.HCM đạt hiệu quả cao, thu hút đông đảo du khách, bà Trần Phương Linh - Giám đốc Tiếp thị Công nghệ thông tin của BenThanh Tourist, cho rằng một yếu tố quan trọng là phải triển khai quy mô tổ chức rộng khắp, có sự tham gia phối hợp giữa nhiều ban ngành và khối doanh nghiệp.
“Các sự kiện và lễ hội có thể được triển khai không chỉ tại khu vực trung tâm mà còn mở rộng ra nhiều quận, huyện trong thành phố. Các điểm tham quan du lịch cùng bắt tay tổ chức hoạt động hưởng ứng, miễn phí hoặc giảm giá, ưu đãi dịch vụ dành cho du khách… Điều này giúp tạo ra sự lan tỏa, thu hút lượng khách lớn từ mọi nơi, đồng thời nâng cao giá trị của các địa phương, thúc đẩy du lịch ở cả vùng ngoại ô và trung tâm TP.HCM”, bà Linh gợi ý.
Sự kiện - lễ hội đa dạng, hấp dẫn, mang bản sắc độc đáo, riêng có của Sài Gòn - TP.HCM đã và sẽ là động lực tăng trưởng cho ngành du lịch thành phố. Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, những cái bắt tay đầy trách nhiệm của các bên liên quan sẽ giúp TP.HCM sớm tiến đến mục tiêu trở thành điểm đến của sự kiện và lễ hội, thúc đẩy du lịch TP.HCM phát triển nhanh và bền vững.