Dân Việt

Vụ Xuyên Việt Oil: Từ tố cáo nội bộ đến lộ diện sai phạm nghìn tỷ đồng và chuỗi hối lộ chấn động

Xuân Huy 28/11/2024 06:30 GMT+7
Xuất phát từ đơn tố cáo của 3 nhân viên Công ty Xuyên Việt Oil, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, phát hiện loạt sai phạm tại công ty này. Đồng thời, từ những sai phạm tại đây, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành cũng vướng vòng lao lý do nhận hối lộ.

Ngày mai (29/11), TAND TP.HCM sẽ tuyên án sơ thẩm với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil.

Trong vụ án này, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil) bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ. Bị cáo Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị xét xử về tộ Nhận hối lộ. Những bị cáo còn lại bị xét xử về tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đơn tố cáo từ chính những nhân viên Công ty Xuyên Việt Oil

Tháng 8/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nhận được đơn tố giác tội phạm từ ba cá nhân tự nhận là nhân viên của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt là Công ty Xuyên Việt Oil). Nội dung tố cáo nêu rõ, bà Mai Thị Hồng Hạnh đã sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước và lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 214,1 tỷ đồng từ quỹ bình ổn giá xăng dầu và 1.246 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.

Vụ Xuyên Việt Oil: Từ tố cáo nội bộ đến lộ diện sai phạm nghìn tỷ đồng và chuỗi hối lộ chấn động- Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ án Xuyên Việt Oil. Ảnh: Xuân Huy

Ba ngày sau, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến đơn tố giác. Sau thời gian điều tra, đến ngày 8/9/2023, Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil cùng một số cơ quan, tổ chức liên quan. Đồng thời, cơ quan điều tra khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Mai Thị Hồng Hạnh và bà Nguyễn Thị Như Phương, Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil.

Quá trình điều tra tiếp tục phát hiện và khởi tố thêm 12 cá nhân khác với các tội danh như "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Theo xác minh, vào tháng 8/2016, Công ty Xuyên Việt Oil được cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, trở thành đầu mối kinh doanh xăng dầu. 

Sau khi được cấp phép, bà Mai Thị Hồng Hạnh đã lợi dụng quyền hạn được giao để vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về quản lý quỹ bình ổn giá. Bà Hạnh không chỉ đạo trích lập và quản lý quỹ theo quy định mà yêu cầu cấp dưới chuyển tiền từ tài khoản công ty vào tài khoản cá nhân, sử dụng cho mục đích riêng, gây thất thoát hơn 219 tỷ đồng.

Vụ Xuyên Việt Oil: Từ tố cáo nội bộ đến lộ diện sai phạm nghìn tỷ đồng và chuỗi hối lộ chấn động- Ảnh 2.

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil. Ảnh: Xuân Huy

Ngoài ra, trong vai trò quản lý, thu hộ và nộp thuế bảo vệ môi trường, bà Hạnh không chuyển nộp số tiền đã thu hộ vào ngân sách mà sử dụng vào mục đích cá nhân. Hành vi này dẫn đến việc thất thoát hơn 1.244 tỷ đồng, khiến ngân sách Nhà nước không thể thu hồi. Số tiền trên được bà Hạnh dùng để cho vay, chi tiêu cá nhân và đưa hối lộ nhiều cá nhân thuộc Bộ Công Thương.

Cụ thể, bà Hạnh đã đưa hối lộ tổng cộng 22 lần với số tiền hơn 31 tỷ đồng cho 8 cá nhân. Trong đó, ông Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận 1,1 tỷ đồng để hỗ trợ cho Công ty Xuyên Việt Oil. Ông Lê Đức Thọ bị cáo buộc nhận hơn 13,8 tỷ đồng tiền hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi hơn 22 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Đặng Công Khôi, Cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cũng bị tố nhận 20.000 USD (tương đương 459 triệu đồng) từ bà Hạnh.

Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương: Cả cuộc đời tôi cống hiến cho đất nước, gần về hưu thì vướng hoàn cảnh này, đây là sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi

Tại tòa, bà Hạnh cho biết, vào năm 2016, công ty của bà có nhu cầu xin cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đầu mối xăng dầu. Qua sự giới thiệu từ người kinh doanh trong ngành, bà đã biết đến ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương. Sau khi gặp gỡ, bà đặt vấn đề nhờ ông An hỗ trợ hướng dẫn thủ tục và đã đưa hối lộ tổng cộng 921 triệu đồng trong 4 lần, bao gồm một chiếc đồng hồ Patek Philippe. Mục đích của việc này là để được tư vấn và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép kinh doanh từ Bộ Công Thương.

Vụ Xuyên Việt Oil: Từ tố cáo nội bộ đến lộ diện sai phạm nghìn tỷ đồng và chuỗi hối lộ chấn động- Ảnh 3.

Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Xuân Huy

Liên quan đến việc đưa 50.000 USD cho ông Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Hạnh giải thích rằng sự việc diễn ra vào dịp Noel, gần Tết Dương lịch năm 2021. Bà đã chủ động xin lịch hẹn để gặp mặt, với lý do "chúc Tết" vì nghĩ rằng hai bên đã quen biết nhiều năm nhưng chưa từng gặp trực tiếp.

Trong phần trả lời trước HĐXX, ông Hải thừa nhận lời khai của bà Hạnh và đề nghị được trình bày thêm về bối cảnh dẫn đến sai phạm. Ông khẳng định rằng bản thân đã làm việc đúng chức năng, nhiệm vụ, không bị tác động hay đòi hỏi bất kỳ lợi ích vật chất hoặc quyền lợi nào từ phía công ty Xuyên Việt Oil.

Ông cũng cho biết sau khi công ty của bà Hạnh được cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu vào năm 2016, bà Hạnh có liên hệ để bày tỏ cảm ơn, nhưng ông đã từ chối do bận công việc.

Đến ngày 22/12/2021, gần đến Tết Dương lịch, bà Hạnh đã chủ động đến gặp bị cáo "khoảng 5 phút" và đưa quà, khi về nhà mới biết bên trong có 50.000 USD. "Đây là sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi. Lúc đầu tôi không nhận thấy hết, nhưng sau này tôi thấy đó là hành vi vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước", ông Hải nói và cho biết đã thành khẩn ăn năn, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng, gia đình khắc phục toàn bộ số tiền. 

Căn cứ chứng cứ, tài liệu thu thập được, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Hải 3-4 năm tù về tội Nhận hối lộ. Nói lời sau cùng, ông Hải bật khóc: "Tôi suốt đời cống hiến, giờ sắp nghỉ hưu thì vướng phải hoàn cảnh này. Mong HĐXX áp dụng chính sách khoan hồng".

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre: Tôi chưa bao giờ đòi hỏi

Tại tòa, bị cáo Hạnh khai đã chủ động tặng quà, tiền cho ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, chứ ông Thọ "chưa bao giờ đòi hỏi". Có lần bà tặng ô tô, ông Thọ nhiều lần đề nghị trả lại giá trị của chiếc xe nhưng bà không đồng ý.

Giải thích về việc tặng qùa giá trị lớn cho ông Thọ, bị cáo Hạnh cho rằng "nhờ sự tư vấn của ông Thọ mà có thời điểm công ty đã thu được lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng".

Vụ Xuyên Việt Oil: Từ tố cáo nội bộ đến lộ diện sai phạm nghìn tỷ đồng và chuỗi hối lộ chấn động- Ảnh 5.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ. Ảnh: Xuân Huy

"Tôi rất hối hận về hành vi vi phạm của mình. Tôi nhận sai và xin lỗi về việc này", ông Thọ cho biết bản thân đã rất chủ động, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, và động viên gia đình khắc phục hậu quả, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Ông Thọ bị cáo buộc, khi Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, từ năm 2019 đến tháng 1/2020, ông đã hai lần nhận hối lộ, tổng 600.000 USD (tương đương 13,8 tỷ đồng) của Mai Thị Hồng Hạnh. Ngoài ra, ông còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, gây ảnh hưởng cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%.

VKS phản bác quan điểm tặng quà cán bộ chỉ mang tính chất tình cảm, không phải hối lộ

Luật sư bào chữa cho bà Mai Thị Hồng Hạnh đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ. Luật sư lập luận rằng sau khi bị khởi tố về hành vi gây thất thoát tài sản Nhà nước, bà Hạnh đã chủ động khai báo về hành vi nhận hối lộ của các bị cáo khác. Đây được xem là tình tiết giảm nhẹ, nên đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bà.

Vụ Xuyên Việt Oil: Từ tố cáo nội bộ đến lộ diện sai phạm nghìn tỷ đồng và chuỗi hối lộ chấn động- Ảnh 6.


Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa vụ Xuyên Việt Oil. Ảnh: Xuân Huy

Tuy nhiên, VKS không đồng tình và cho rằng vụ án xuất phát từ đơn tố cáo của một số nhân viên Công ty Xuyên Việt Oil. Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố bị cáo Hạnh sau quá trình xác minh. Trong thời gian bị tạm giam, bà Hạnh mới khai báo thêm về hành vi phạm tội của các bị cáo khác.

"Về trường hợp này, nếu không bị bắt, Hạnh sẽ không khai báo. Trong quá trình khám xét nơi ở, nơi làm việc, cảnh sát phát hiện 1 số tài liệu cho thấy hành vi đưa hối lộ của bị cáo. Theo hồ sơ vụ án, vì lợi ích của công ty và bản thân, Hạnh chủ động tiếp cận đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế TP.HCM, chi nhánh lọc dầu Nghi Sơn… Bị cáo đưa hối lộ nhiều lần, kéo dài từ 2016-2022 với số tiền đặc biệt lớn. Hành vi của bị cáo là nguyên nhân dẫn đến vụ án này", VKS phản bác quan điểm của luật sư.

Trong quá trình điều tra, Bộ Công an, VKSND Tối cao cũng đã cân nhắc, nhưng hành vi của bị cáo Hạnh không thuộc trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ. Tuy nhiên, việc chủ động khai báo của bị cáo Hạnh cũng đã được các cơ quan công tố ghi nhận.