Dân Việt

Góc nhìn pháp lý vụ Cục trưởng Hải quan Hà Nam Ninh bị bắt

Phi Long 28/11/2024 18:19 GMT+7
Cục Trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh bị bắt về tội nhận hối lộ liên quan trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Pretty Vina, Khu công nghiệp Hòa Mạc, tỉnh Hà Nam. Luật sư Hoàng Anh Sơn đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.

Ngày 27/11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Thu Nhiễu, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh và Thân Văn Sang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Hà Nam Ninh, cùng về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trước đó, lực lượng chức năng Công an tỉnh Hà Nam đã kiểm tra Công ty TNHH Pretty Vina và phát hiện nhiều hàng hóa, như: móng tay giả bằng nhựa; hạt trang trí, dây trang trí các loại bằng nhựa, bằng kim loại, bằng thủy tinh dùng cho móng tay giả, nhũ màu các loại…

Góc nhìn pháp lý vụ Cục trưởng Hải quan Hà Nam Ninh bị bắt- Ảnh 1.

Các hàng hóa này có xuất xứ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ hàng hóa, đại diện công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, tờ khai hải quan, giấy tờ tài liệu kèm theo đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định.

Góc nhìn pháp lý vụ Cục trưởng Hải quan Hà Nam Ninh bị bắt- Ảnh 2.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định phía công ty có dấu hiệu trực tiếp nhập lậu hàng hóa từ Trung Quốc, xác định trị giá hàng hóa vi phạm thu giữ tại công ty này khoảng 51 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam tiếp tục điều tra mở rộng vụ án với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", xử lý các đối tượng phạm tội theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Hoàng Anh Sơn phân tích: Tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 như sau:

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Lợi ích phi vật chất.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

Có tổ chức;

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

Phạm tội 02 lần trở lên;

Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, người nào nhận hối lộ có thể bị xử lý hình sự với mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Qua quá trình điều tra xác minh, nếu có đủ căn cứ xác định các cá nhân khác có liên quan đến vụ án trên có dấu hiệu của tội đưa hối lộ thì tùy vào tính chất, múc độ, hành vi, người phạm tội có thể bị xử lý theo Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội đưa hối lộ, mức phạt cao nhất đối với tội danh này là từ 12 năm đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.