Ngày 28/11, tại Hội thảo đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Hội Nông dân giải phóng miền Trung – Tây Nguyên (hay còn gọi là Hội Nông dân giải phóng khu V) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, nhiều bài tham luận đã đánh giá rất cao về lịch sử của giai cấp nông dân, những chiến sĩ nông dân của Hội Nông dân giải phóng khu V để làm tiền đề, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Hội Nông dân giải phóng khu V.
Tại Hội thảo, ông Lê Ngọc Thắng - Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Hội Nông dân giải phóng khu V được thành lập ngày 21/4/1961 với hơn 20 cán bộ, bao gồm 13 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum thành lập tại Chiến khu Đỗ Xá, Nước Oa, Trà Tân, Trà Mỹ, Quảng Nam (nay là xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Sau khi thành lập, Hội Nông dân giải phóng khu V đã tuyên bố tán thành nội dung tuyên ngôn, chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, hoà bình, thống nhất đất nước và thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ.
Đồng thời Hội Nông dân giải phóng khu V nhấn mạnh trách nhiệm, quyền lợi của nông dân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Hội Nông dân giải phóng khu V đã không ngừng phát triển tổ chức cơ sở theo 4 cấp gồm khu, tỉnh, huyện và xã. Xã là tổ chức cơ sở của Hội, có Ban Chấp hành Hội; thôn, ấp có ban cán sự thôn, ấp và tiểu tổ Hội. Bộ máy của Hội được củng cố ở tất cả các cấp từ xã, huyện, tỉnh và khu.
Qua phong trào đồng khởi của nông dân, tổ chức Hội đã phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và làm nòng cốt trên các mặt trận đấu tranh cách mạng với hơn 1.000 cán bộ và nhân viên. Cơ quan Hội Nông dân giải phóng khu V có Chi bộ Đảng và tổ chức Đoàn Thanh niên.
Hội Nông dân giải phóng khu V đã nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu trong vận động, tổ chức nông dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trong nhiệm vụ chiến đấu và thực hiện chính sách ruộng đất, người cày có ruộng... thực hiện trọn vẹn vai trò, chức năng của một tổ chức chính trị, đáp ứng yêu cầu của cách mạng đặt ra. Đến năm 1975, Hội Nông dân giải phóng khu V hoàn thành nhiệm vụ và được giải thể.
"Để có thêm thông tin, tư liệu thẩm định, xác nhận thành tích của Hội Nông dân giải phóng khu V làm căn cứ để đề nghị xét, tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến cho Hội Nông dân giải phóng khu V.
Với ý nghĩa đó, Ban Tổ chức đưa ra 5 vấn đề chính cần thảo luận như, thành tích hết sức đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ tháng 4/1961 - 5/1975; các giải pháp, biện pháp để đạt thành tích đặc biệt xuất sắc; thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước; chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên; công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể", ông Lê Ngọc Thắng - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lê Ngọc Thắng - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, về thành tích hết sức đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ tháng 4/1961 đến tháng 5/1975, với các phong trào như, phong trào đấu tranh của nông dân phá "Ấp chiến lược" của đế quốc Mỹ (1961-3/1965), Hội Nông dân giải phóng khu V đã đẩy mạnh phong trào "Tay cày, tay súng" với khẩu hiệu "Mỗi người dân là một chiến sĩ"; phong trào "Quần chúng nổi dậy đấu tranh, đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang tập trung và khẩn trương xây dựng căn cứ địa cách mạng" do Liên khu ủy V phát động gắn với tuyên truyền, quán triệt cho hội viên, nông dân về Nghị quyết Hội nghị thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) về nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam.
Qua đó đã tuyên truyền, cổ vũ, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng ở tất cả các địa bàn cả nông thôn và thành thị, mở ra cao trào cách mạng; nông dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào đấu tranh, hăng hái lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc.
Đối với phong trào đấu tranh của nông dân với chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ (1965-1968) là phát triển mở rộng phong trào chiến tranh du kích ở 350 xã tuyên truyền, vận động nông dân tham gia du kích, tự vệ chiến đấu trong các vùng nông thôn, góp phần mở rộng thế trận chiến tranh du kích.
Phát triển mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị của nông dân trong các vùng nông thôn. Qua phong trào thi đua, đã có hàng ngàn lượt nông dân dũng cảm tham gia cuộc biểu tình để cản xe Mỹ, chặn đứng nhiều cuộc càn quét của địch.
Tích cực tham gia phong trào "ba quyết thắng", trong nông dân: đó là phong trào thi đua đánh thắng đế quốc Mỹ, thi đua tăng gia sản xuất đóng góp cho cách mạng và thi đua xây dựng vùng nông thôn mới mà Đại hội đại biểu Hội Nông dân giải phóng miền Trung Trung Bộ năm 1965 đề ra.
Vận động, hướng dẫn nông dân quyết tâm bám đất giữ làng, với các khẩu hiệu "hầm tốt hơn nhà tốt", "biến nhà thành công sự, biến đồng ruộng thành trận địa", ngụy trang cho trâu bò, đào công sự tránh bom pháo ở ngoài đồng, bố trí lực lượng canh gác ngày đêm.... Quyết tâm trụ bám không cho địch lập vành đai trắng, giữ vững địa bàn đứng chân cho bộ đội, du kích bám địch.
"Phong trào đấu tranh bảo vệ các quyền lợi về ruộng đất cho nông dân, thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về "Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, làm cho người cày có ruộng".
Phong trào đấu tranh của nông dân với chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Đế quốc Mỹ (1969-1975). Đây là phong trào đấu tranh trụ bám vững chắc, góp phần làm phá sản kế hoạch "bình định nông thôn" trong "Việt Nam hóa chiến tranh" (1969 – cuối năm 1972). Phong trào đấu tranh của nông dân chống địch lấn chiếm, giữ thế làm chủ, tiến tới hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam (1973 – 4/1975). Phát triển mô hình vạn vần đổi công, giúp giải quyết khó khăn thiếu nhân lực, đảm bảo sản xuất kịp thời vụ và trong những lúc địch đánh phá ác liệt, trở thành chỗ dựa, nơi che giấu cán bộ, du kích....
Đối với xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội Nông dân giải phóng khu V đã không ngừng phát triển tổ chức cơ sở, vận động, tổ chức nông dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trong nhiệm vụ chiến đấu và thực hiện chính sách ruộng đất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Hội Nông dân giải phóng khu V đã luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực chỉ đạo Hội Nông dân từ cấp tỉnh đến cấp xã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia hiệu quả các phong trào hoạt động của Hội trong lao động, sản xuất, kháng chiến chống Mỹ cứu nước....", ông Lê Ngọc Thắng - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Anh - Bí thư Đảng ủy xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, Nước Oa là một địa danh nằm dưới chân núi Hòn Bà hùng vĩ, thuộc địa phận xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My.
Đây là vùng rừng núi rậm rạp; ở phía trước, hai con sông Trường và sông Nước Oa tạo nên triền đất bãi bồi quanh co kéo dài và liên kết các thung lũng lớn nhỏ, cao thấp bên trong, tạo thuận lợi cho việc tiến thoái, ẩn trú, cất giấu vũ khí, xuất quân, ém quân và di chuyển, khai thác nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc men tại chỗ để tồn tại lúc ngặt nghèo nên nơi đây đã được Khu uỷ khu V lựa chọn là căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chính tại Khu căn cứ này, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu V đã cùng nhau vạch ra đường lối chiến lược cụ thể để chỉ đạo quân dân khu V đánh Mỹ. Nơi đây đã từng diễn ra các Hội nghị, Đại hội quan trọng, là địa điểm tập huấn cho các cán bộ Trung đoàn, Sư đoàn, cán bộ các tỉnh trong toàn Khu về học tập Nghị quyết của Đảng..., góp phần cùng cách mạng miền Nam giành thắng lợi trong việc ký kết Hiệp Định Paris năm 1973, tiến tới giành giải phóng miền Nam. Với những giá trị lịch sử đó, ngày 4/8/1992, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Khu di tích Nước Oa là di tích cấp Quốc gia.
Quần thể Khu di tích lịch sử Trung Trung bộ – Nước Oa hiện nay thuộc thôn 2, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My. Nơi đây có các điểm di tích như: Khu di tích Khu ủy Khu V; Khu di tích căn cứ Bộ Tư lệnh Quân Khu V, Khu lưu niệm Ban Tổ chức Khu ủy Khu V; Khu lưu niệm Ban Tài mậu Khu V, Khu lưu niệm Trường Đảng Khu V, Bia Di tích Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam – Trung Trung; Đài tưởng niệm Liệt sỹ Dân y Khu V, Bia di tích Ủy ban Kiểm tra Khu ủy Khu V, Khu di tích An ninh khu V, Khu sinh hoạt truyền thống Thanh thiếu nhi Nước Oa và Bia di tích Hội Nông dân giải phóng miền Trung – Tây Nguyên... với nhiều tư liệu, hiện vật trưng bày đa dạng, phong phú lại nằm trong một khuôn viên xanh mát, thoáng đãng, trong lành là địa điểm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh về tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa....
Vào ngày 2/7/2008, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Hội Nông dân giải phóng miền Trung – Tây Nguyên tại căn cứ địa Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Khu di tích được xây dựng trên diện tích 15.447m², gồm nhà bia tưởng niệm, nhà truyền thống, tượng đài vua Quang Trung và nhiều hạng mục công trình phụ trợ khác từ nguồn đóng góp của cán bộ, hội viên nông dân khu vực miền Trung – Tây Nguyên và các nguồn vận động khác.
Đây là công trình nhằm tưởng nhớ, tri ân các thế hệ cán bộ, hội viên nông dân đã có nhiều hy sinh công lao to lớn, những người lính áo vải đã hy sinh dũng cảm trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Nhà bia di tích lịch sử Hội Nông dân giải phóng miền Trung – Tây Nguyên là một công trình vô giá, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, là cội nguồn, là mái ấm một thời của tổ chức Hội Nông dân. Nhà Bia di tích lịch sử được đặt tại khu căn cứ địa Nước Oa, nơi đây còn được xem là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện thực, là minh chứng hùng hồn của một thời oanh liệt mà quân dân Trà My đã đi qua, khắc ghi những mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam.
"Đối với địa phương, thay mặt Đảng uỷ xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, xin thống nhất với nội dung báo cáo đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Hội Nông dân Giải phóng Khu V.
Dự thảo báo cáo thể hiện sự đầu tư sưu tầm tư liệu, nghiên cứu rất công phu, tâm huyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội, đã thể hiện được chặng đường hình thành, xây dựng, trưởng thành của Hội Nông dân Giải phóng Khu V với nhiều đóng góp, thành tích rất xuất sắc...", ông Nguyễn Thế Anh – Bí thư Đảng ủy xã Trà Tân cho biết.