Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới như nâng chuẩn đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe, khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm , xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12, các phương thức xét tuyển phải quy về một thang điểm chung để xét tuyển công bằng. Theo dự thảo, các trường được xét sớm để chọn thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Tuy nhiên, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GDĐT. Dự thảo thu hút sự quan tâm và có nhiều ý kiến tranh luận... Báo Tiền Phong xin giới thiệu bài viết chia sẻ quan điểm của TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT).
Mặc dù được trình bày với mục tiêu đảm bảo công bằng , các quy định trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh cho thấy sự áp đặt hành chính, thiếu tường minh và không phù hợp với thực tế hiện nay của giáo dục đại học . Điều đáng nói là Dự thảo có một số điều quy định bỏ qua triết lý tuyển sinh cốt lõi: chọn được thí sinh phù hợp và giúp họ được học và học được.
Trước bối cảnh vài năm trở lại đây, tinh thần tự chủ dường như “vượt ngưỡng” khiến quá nhiều phương thức tuyển sinh và bằng mọi cách để “vét” thí sinh cho đủ chỉ tiêu đã tạo ra sự khá hỗn loạn trong tuyển sinh. Đặc biệt tuyển sinh sớm theo học bạ hoặc theo các phương thức khác đã tạo nên sự không công bằng và bất bình đẳng các cơ hội của thí sinh, khiến những thí sinh được tuyển sớm đã choán mất chỗ của những thí sinh khác đăng ký xét tuyển theo các hình thức khác. Trong Dự thảo lần này Bộ muốn lập lại trật tự trong tuyển sinh đại học là lẽ đương nhiên.
Áp lực tuyển đủ chỉ tiêu là việc các trường đại học đặt mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu lên hàng đầu, đôi khi bất chấp chất lượng đầu vào. Nhiều trường tập trung vào các phương thức tuyển sinh “dễ dàng” như xét học bạ hoặc xét tuyển sớm, bất kể phương thức này có thực sự phù hợp với ngành học hay không. Điều này đã dẫn đến những hệ quả là các trường không công khai rõ ràng tỷ lệ tuyển sinh theo từng phương thức, khiến thí sinh và phụ huynh không có đủ thông tin để lựa chọn phù hợp. Các trường tốp đầu dễ dàng thu hút thí sinh giỏi qua xét tuyển sớm, trong khi các trường tốp dưới phải dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng. Điều đó cũng tạo nên áp lực nhất định như thí sinh phải nộp hồ sơ nhiều nơi, và có thể dẫn đến xao nhãng việc học tập năm cuối.
Điều quan trọng thay vì tập trung lấp đầy chỗ trống, các trường cần đảm bảo tuyển sinh không chỉ để thí sinh “được học” mà còn “học được” – phù hợp với năng lực thí sinh và ngành học mong muốn.
Con số 20% xét tuyển sớm – Một quy định cứng nhắc, không biện chứng
Quy định giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm được đưa ra với lý do “đảm bảo công bằng,” nhưng lại thiếu linh hoạt và không dựa trên cơ sở khoa học. Giới hạn đó không phù hợp với đặc thù của đa dạng ngành học và cơ sở giáo dục đại học.
Một số ngành như kỹ thuật hoặc công nghệ có thể cần xét tuyển sớm 50-60% thí sinh để thu hút nhân tài phù hợp, trong khi các ngành như Y khoa hay Sư phạm có thể chỉ cần tỷ lệ thấp hơn như thực tế đã có một số trường áp dụng. Áp đặt chung một công thức tỷ lệ 20% cho tất cả là bất hợp lý, đi ngược xu hướng giáo dục hiện đại trên thế giới mà xét tuyển qua học bạ và kỳ thi đánh giá năng lực đang được ưa chuộng, phù hợp với triết lý giáo dục toàn diện.
Khống chế tỷ lệ xét tuyển sớm là một bước lùi, làm giảm sự sáng tạo và linh hoạt trong tuyển sinh và có khi còn vi phạm quyền tự chủ học thuật của trường ĐH và cuối cùng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh để chọn người phù hợp sẽ bị phá vỡ do tỷ lệ các phương thức xét sớm nằm trong 20%.
Thực chất không có số liệu hay nghiên cứu nào chứng minh rằng con số 20% là tối ưu cho tất cả các trường và ngành học mà có thể chỉ là con số mang tính phiến diện chủ quan. Quy định như thế dường như được đặt ra để kiểm soát thay vì giải quyết vấn đề hỗn loại một cách căn cơ.
Quy đổi tương đương liệu có khả thi?
Ngoài ra, Dự thảo yêu cầu quy đổi điểm số giữa các phương thức xét tuyển về một thang điểm chung để đảm bảo công bằng. Tuy nhiên, điều này không khả thi vì có sự khác biệt trong bản chất các phương thức. Xét học bạ phản ánh quá trình học tập phù hợp với mục tiêu chương trình GDPT 2028, kỳ thi tốt nghiệp THPT kiểm tra kiến thức cơ bản, kỳ thi đánh giá năng lực đo lường tư duy và phân tích, trong khi thành tích như giải thưởng Olympic hay học sinh giỏi quốc gia lại tập trung vào năng lực chuyên biệt. Những sự khác biệt này không thể tìm đâu ra chuẩn để quy đổi tương đương.
Mặt khác, với hơn 100 tổ hợp xét tuyển và hàng loạt phương thức khác nhau, việc xây dựng một hệ quy đổi đòi hỏi dữ liệu khổng lồ và nghiên cứu sâu rộng, điều mà hiện nay chưa được thực hiện. Quy đổi không chính xác sẽ gây bất công và ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào.
Những quy định như giới hạn 20% hay quy đổi điểm số phản ánh một cách tiếp cận kiểm soát hành chính theo lối cũ: “không quản lý được thì cấm” thay vì tìm ra những lựa chọn khác để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng và chất lượng tuyển sinh phù hợp với cả chương trình GDPT 2018 và với vô số ngành học có những tính chất và yêu cầu khác nhau.
Những việc hiện nay Bộ và các trường cần làm là công khai minh bạch thông tin tỷ lệ tuyển sinh theo từng phương thức để tất cả thí sinh có đủ thông tin lựa chọn. Bộ GDĐT cần làm vai trò điều phối tổng thể, yêu cầu các trường dựa trên dữ liệu thực tế trong 3 năm qua của từng ngành học, thay vì áp đặt một tỷ lệ cố định cho tất cả. Các trường cần được khuyến khích sáng tạo trong phương thức tuyển sinh, phù hợp với đặc thù riêng, không quá phức tạp các tổ hợp xét tuyển miễn là đảm bảo chất lượng – thí sinh được vào học và học được.
Quy định giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm và yêu cầu quy đổi điểm số là những biện pháp mang tính kiểm soát hành chính, thiếu căn cứ khoa học và không phù hợp với thực tiễn. Thay vì áp đặt những rào cản không cần thiết, Bộ GDĐT cần xây dựng chính sách tuyển sinh dựa trên nghiên cứu khoa học, dữ liệu thực tế và quyền tự chủ của các trường. Chỉ khi đó, hệ thống tuyển sinh mới thực sự minh bạch, công bằng và phục vụ đúng mục tiêu giáo dục.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.