Báo cáo số 113 -BC/HNDTW ngày 27/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kính gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Thực hiện Kết luận và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2023 về việc, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động lắng nghe, trao đổi tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, hợp tác xã, thời gian vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường tổ chức 02 Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói",
Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xin được báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế quả tổ chức các hoạt động trên như sau.
Về mục đích, ý nghĩa: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói nhằm cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết số 46- NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW; Quyết định 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030.
Các diễn đàn là dịp để các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của bà con nông dân, hợp tác xã về các vấn đề liên quan. Từ đó, cung cấp thông tin, trao đổi, giải đáp kịp thời những vướng mắc của nông dân, hợp tác xã nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững.
Diễn đàn là tiền đề để tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024. Các ý kiến, đề xuất, trao đổi của bà con nông dân, hợp tác xã sẽ được lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cùng lãnh đạo các Bộ trao đổi, chia sẻ, đồng thời tổng hợp lại các ý kiến, vấn đề có tính chất tổng quát, toàn diện, bao trùm để trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo một cách tổng thể.
Từ các mục đích, ý nghĩa trên, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với các Bộ tổ chức hai Diễn đàn "lắng nghe nông dân nói". Cụ thể.
Diễn đàn được tổ chức ngày 14/10/2024 với hai chủ thể chính trực tiếp lắng nghe người nông dân chia sẻ, bày tỏ nguyện vọng là Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tham dự và chủ trì Diễn đàn có: Đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Đồng chí Lê Minh Hoan- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Diễn đàn có sự tham dự của các đại biểu Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là có sự tham dự của 126 nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu năm 2024.
Diễn đàn diễn ra với hình thức hoàn toàn mở, người nông dân trực tiếp đặt câu hỏi, ý kiến từ thực tế sản xuất của bản thân tới các đồng chí chủ trì Diễn đàn, các đồng chí chủ trì lắng nghe, trao đổi, chia sẻ lại theo tinh thần "cùng lắng nghe, cùng trao đổi".
Trước thềm diễn ra Diễn đàn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức các kênh tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, đề xuất khác nhau và đã nhận được khoảng 1.200 câu hỏi, vấn đề liên quan từ bà con nông dân, hợp tác xã.
Tại Diễn đàn, đã có hơn 20 lượt nông dân, hợp tác xã chia sẻ, ý kiến chia sẻ trực tiếp; cùng hơn 300 ý kiến bằng văn bản. Diễn đàn không phải chỉ là nơi "hỏi và đáp", "chất vấn và giải trình", mà cùng nhau kiến tạo tương lai nền nông nghiệp với khát vọng thịnh vượng, hùng cường.
Các đồng chí chủ trì đã trực tiếp lắng nghe và giải đáp, trả lời một số kiến nghị của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Tuy nhiên, có những vấn đề cần phải có sự giải quyết tổng thể, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo của Đồng chí Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức đã tổng hợp lại một số đề xuất, kiến nghị của nông dân, hợp tác xã cụ thể sau:
Nhóm vấn đề thứ nhất: Tập trung vào tái thiết sau thiên tai, ổn định dân cư, phát triển sản xuất.
Theo thống kê, sau cơn bão số 3 (Yagi), ngành nông nghiệp bị thiệt hại tới 30.800 tỷ đồng (bằng 38% tổng thiệt hại kinh tế), nhiều hộ nông dân đã bị mất trắng tài sản như cây trồng, vật nuôi, chuồng trại, lồng bè… đang gặp rất nhiều khó khăn để tái sản xuất, ổn định cuộc sống. Do đó, bà con nông dân, hợp tác xã kiến nghị:
1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng chính sách và sửa đổi Nghị định số 02/NĐ-CP năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh có nhiều bất cập so với tình hình hiện nay. Cụ thể, mức hỗ trợ quá thấp so với rủi ro thiên tai ngày càng lớn, kiến nghị có cơ chế, chính sách hỗ trợ cao hơn so với các mức hiện tại.
2. Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực để triển khai việc di dời các hộ dân, khu dân cư khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến sự an toàn của cư dân đang sinh sống. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa.
3. Vấn đề về thúc đẩy chính sách bảo hiểm nông nghiệp: Bà con nông dân kiến nghị, Chính phủ dành sự quan tâm đến loại hình bảo hiểm nông nghiệp để người nông dân được hỗ trợ kịp thời sau thiên tai, dịch bệnh. Đến nay, loại hình bảo hiểm này vẫn chưa được triển khai rộng rãi, chưa tiếp cận được đến người nông dân. Kiến nghị, Chính phủ có giải pháp để điều chỉnh chính sách theo hướng mở rộng đối tượng thí điểm và tăng mức hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững?
Nhóm vấn đề thứ hai: Cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn
Tại Diễn đàn, nông dân, hợp tác xã đã chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, sản xuất nông nghiệp.
1. Thiếu vốn đầu tư cơ sở chế biến, đáp ứng vòng quay kinh doanh: Vấn đề này được nhiều nông dân, hợp tác xã kiến nghị. Theo đó, các ý kiến cho rằng, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi nguồn vốn lớn và dài hạn. Kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có các chính sách tín dụng ưu đãi để người dân tập trung đầu tư vào cơ sở chế biến, kinh doanh thương mại, giúp nâng cao giá trị nông sản.
2. Thiếu thông tin pháp luật đất đai, xây dựng, kinh doanh: Các ý kiến đề xuất, Nhà nước cần tăng cường tổ chức thông tin, tuyên truyền phát luật về đất đai, về kinh doanh, đầu tư xây dựng, thương mại dịch vụ…
3. Thiếu hướng dẫn tiêu chuẩn sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường: Nông dân mong muốn Nhà nước dành nguồn lực và sự quan tâm hơn nữa, đồng thời tổ chức hệ thống khuyến nông, dịch vụ nông nghiệp xuống đến cấp cơ sở. Thực hiện chủ trương về tinh giản bộ máy, biên chế của Trung ương, hệ thống khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật ở cơ sở tại nhiều địa phương đã bị cắt giảm hoặc sáp nhập, dẫn tới thiếu sự hỗ trợ, hướng dẫn cần thiết cho người nông dân. Kiến nghị, Chính phủ có chính sách để tổ chức, kiện toàn hệ thống này.
4. Nhiều nông dân trồng lúa bày tỏ mong muốn được tham gia Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp để giúp nông dân có cơ hội thay đổi phương thức sản xuất, an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường và thu nhập cao hơn.
5. Các nông dân, hợp tác xã cũng bày tỏ sự cảm ơn nỗ lực của Chính thủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành chức năng trong việc đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, đã mang lại rất nhiều cơ hội cho nông dân, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp đưa nông sản Việt đến nhiều thị trường.
Vấn đề nhiều nông dân, hợp tác xã quan tâm hiện nay là những tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Nông dân, hợp tác xã đề nghị tiếp tục được các ngành chức năng tập huấn, tiếp cận được các tiêu chuẩn cao của từng thị trường xuất khẩu, nhất là những quy định rất mới như Quy định không phá rừng của Liên minh châu Âu – EU (EUDR) hay những quy định theo nghị định thư đã ký kết với Trung Quốc.
6. Vấn đề thúc đẩy xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, phát triển và mở rộng mô hình các chuỗi liên kết, tăng cường nguồn lực, vốn để phát triển mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác xã trong nông nghiệp.
Diễn đàn diễn ra vào ngày 24/11/2024 tại Hà Nội, có chủ đề là: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn" với hai chủ thể chính trực tiếp lắng nghe người nông dân chia sẻ, bày tỏ nguyện vọng là Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Diễn đàn được tổ chức nằm thông tin, phổ biến và cụ thể hóa các nội dung, chính sách được nêu tại Nghị quyết 18, 19 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII, đặc biệt là những nét mới của Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội khóa XV thông qua và có hiệu lực thi hành.
Tham dự và chủ trì Diễn đàn có: Đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, có sự tham dự của các đại biểu Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là có sự tham dự của hàng nghìn nông dân, hợp tác xã trực tiếp và theo dõi trực tuyến.
Trước thềm Diễn đàn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến và đã có hơn 1.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất của bà con nông dân, hợp tác xã gửi đến Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại Diễn đàn đã có hơn 20 ý kiến trực tiếp trao đổi với các đồng chí chủ trì về 3 vấn đề liên quan, đó là: (i) Các hướng dẫn triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024; (ii) Cơ chế, chính sách để người nông dân tham gia vào quá trình sản xuất xanh, bền vững, giảm phát thải hướng tới mục tiêu NetZero mà Việt Nam đã cam kết; (ii) Các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường nông thôn, xử lý rác thải…
Tại Diễn đàn, lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẳng thắn trao đổi và làm rõ một số vấn đề sa:
Thứ nhất, về nội dung thảo luận liên quan tới các giải pháp, chính sách khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững, chúng ta đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề liên quan tới việc thể chế hóa các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gồm: Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, đã tập trung thảo luận, đối thoại về triển khai các điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan mật thiết đến nông nghiệp, nông thôn, cụ thể là:
(i) Thời hạn cho thuê đất; gia hạn thời gian sử dụng đất, mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; phương thức thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, giúp tạo ra sự minh bạch trong tiếp cận đất đai theo cơ chế thị trường; chính sách hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ.
(ii) Tiếp cận đất đai, thuê đất, chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tổ chức kinh tế là người sử dụng đất (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh); chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo cho người sử dụng đất nông nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai.
(iii) Cơ chế, chính sách giao khu vực biển, xác định ranh giới, diện tích khu vực biển cho sản xuất ngư nghiệp.
(iv) Đặc biệt, các quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; các quy định về quỹ đất nông lâm trường chuyển giao về địa phương quản lý, bao gồm việc công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp; thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên (như đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng); giao đất cho thuê đất đối với người chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất…
Thứ hai, các cơ chế, chính sách, giải pháp về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn để thực hiện cam kết của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng ‘0" và , cụ thể như:
(i) Tiếp cận toàn dân để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Trong đó, nông nghiệp, nông thôn và nông dân đóng vai trò then chốt trong triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua chuyển đổi sinh kế, giống cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ; việc đo lường, định lượng mức giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ các-bon trong Đề án một triệu héc-ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp; việc giao dịch tín chỉ các-bon rừng, chứng chỉ FSC; việc hỗ trợ chương trình tập huấn, tăng cường năng lực cho các cấp hội nông dân về ứng phó với biến đổi khí hậu.
(ii) Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi, trong đó tập trung quản lý thông qua quy hoạch vùng chăn nuôi, gắn với quy hoạch bảo vệ môi trường; phát triển các mô hình chăn nuôi - trồng trọt - nuôi trồng thủy sản phát thải thấp; tăng cường tiếp cận, phổ biến, áp dụng các mô hình, giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, chất thải chăn nuôi (như: phân loại chất thải rắn tại nguồn, ủ phân hữu cơ, thu hồi năng lượng, nguyên liệu từ chất thải).
Hạn chế và kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, nhất là kiểm soát ô nhiễm từ hoạt động sản xuất của các làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; kiểm soát nguồn nước gây ô nhiễm môi trường do hoạt động nông nghiệp xả thải trực tiếp ra các sông; các cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường; giải quyết các vấn đề gây bức xúc của người dân nông thôn do ô nhiễm môi trường; tình trạng khai thác cát làm sạt lở bờ sông…
(iii) Các vấn đề cấp bách đặt ra trong dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất; khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt ở, lũ quét tại khu vực Trung du, miền núi phục vụ phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Các nội dung được nêu tại Diễn đàn cơ bản đã được đại diện các cơ quan, đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giải đáp, làm rõ.
Việc tổ chức các Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" đã tạo sự đồng thuận, tin tưởng, phấn khởi, đặc biệt, tạo sự hăng hái trong lao động, sản xuất của cán bộ, hội viên nông dân cả nước, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững, đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, tổ chức các Diễn đàn đã đạt được những kết quả sau:
Một là, lãnh đạo các Bộ, ngành kịp thời lắng nghe ý kiến, đề xuất của bà con nông dân đối với những lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của ngành, từ đó kịp thời tháo gỡ, chia sẻ, giải đáp, thông tin đến bà con nông dân, hợp tác xã, không đẩy những vấn đề cụ thể của ngành, lĩnh vực lên Trung ương, Chính phủ.
Hai là, Diễn đàn diễn ra trên tinh thần cởi mở, cầu thị và chia sẻ, nhiều vấn đề đã được các đại biểu, người nông dân chia sẻ từ thực tiễn của đời sống sản xuất, từ đó làm cơ sở để kịp thời điều chỉnh về cơ chế, chính sách, đồng thời làm cơ sở lý luận để góp phần hoàn thiện, bổ sung vào nội dung dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng tới đây.
Ba là, đối với những vấn đề có tính chất liên ngành, phạm vi bao trùm liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đến các địa phương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, đề xuất thành những nhóm vấn đề lớn để trình Chính Thủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, làm cơ sở, nội dung để phục vụ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024.
Bốn là, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kênh tiếp nhận thông tin để thường xuyên tiếp nhận ý kiến, đề xuất của bà con nông dân, hợp tác xã. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị, sẽ có những trả lời, phản hồi bằng văn bản.
Năm là, với mục đích "lắng nghe nông dân nói", Diễn đàn sẽ là tiền lệ, cơ sở để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành khác tổ chức các Diễn đàn về từng lĩnh vực trong thời gian tới.