Để đến Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa (xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN phải di chuyển bằng xe máy qua nhiều cung đường ngoằn ngoèo, lầy lội, có đoạn đầy sỏi đá trắc trở kéo dài khoảng 30km khiến chúng tôi phải thật cẩn thận.
Clip: Trạm Vực Dựa (xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) quản lý khu rừng phòng hộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn
Đường đến Trạm Vực Dựa (xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đầy sỏi đá trắc trở vẫn tiến hành tuần tra, theo dõi động tĩnh ở khu rừng phòng hộ. Ảnh: Vũ Thượng.
Sau gần 2 giờ đồng hồ "vật lộn" trên con đường rừng rậm rạp, gai góc cuối cùng chúng tôi cũng đến được Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng). Thời điểm này cũng là về chiều, do không liên hệ trước được với anh Phạm Ngọc Thìn (cán bộ Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa), nên khi thấy chúng tôi, anh Thìn hét toáng lên vì vui sướng.
Anh Phạm Ngọc Thìn (quê huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) nói: "Thấy các bạn đến đây tôi vui lắm, tối nay phải ở lại đây để kể chuyện cho tôi nghe. Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa không có điện lưới, và sóng điện thoại nên thông tin bên ngoài tôi "mù tịt'.
Anh Thìn kể, nhiều hôm nhớ vợ, con chỉ nhìn, ngắm qua bức ảnh, thậm trí đứng ngoài trời cả giờ đồng hồ để "canh sóng" xem có vạch sóng nào xuất hiện không, nhưng cũng không ổn rồi lại phóng xe ra tận bìa rừng mới nói chuyện được. Cuộc sống của anh, em ở Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa là thế đó, nhiều khó khăn, thiếu thốn lắm.
Rau khoai lang được anh, em cán bộ Trạm Vực Dựa, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng trồng bên hông nhà. Ảnh: Vũ Thượng
Anh Phạm Ngọc Thìn (quê huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) đang nhóm lửa nấu cơm tối. Ảnh: Vũ Thượng
Ánh lửa sáng lên đã tạo nên sự ấm áp, át đi cái lạnh giá giữa rừng đại ngàn Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Thượng.
"Phải ở lại đó, chứ không mấy anh em lại "lủi thủi" như thường ngày thì buồn lắm, với lại quãng đường về huyện cũng khá xa, trời tối đi lại rất nguy hiểm, mời các bạn ngủ lại rừng một đêm để thấu hiểu. Ở đây đơn giản có gì ăn đấy, rau nhà trồng, cá bắt dưới suối nấu lên là có cơm nóng ăn ngay thôi", anh Thìn níu kéo.
Tranh thủ vẫn còn nhìn thấy mặt trời, anh Thìn không kịp thay bộ quần áo vừa đi tuần tra về đã vội vào bếp nhóm lửa, vo gạo nấu cơm, đồng thời ra vườn hái mớ rau cải trồng bên hông nhà để làm cơm đãi khách.
Chứng kiến điều kiện sinh hoạt, ăn ở thiếu thốn tại Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa khiến chúng tôi không khỏi xót xa, không nghĩ rằng cuộc sống của những người bảo vệ "lá phổi xanh" giữa đại ngàn lại kham khổ, vất vả đến như vậy.
Qua tìm hiểu, Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa cách trụ sở chính khoảng 30km, ở đó mới có chợ để mua bán thức ăn, nhưng do quãng đường đi lại nhiều trắc trở nên chủ yếu những cán bộ bảo vệ rừng nơi đây phải tự cung, tự cấp.
Anh Lê Nhật Duyệt, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa tâm sự: "Trạm chúng tôi có 5 người được chia thành 2 khu, với tổng diện tích quản lý khoảng 4.000 ha, có cả khu vực rừng giáp ranh với huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An).
Thường một ngày chúng tôi phải vượt đèo, lội suối gần 20km đường rừng để tuần tra, ngăn chặn kịp thời nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật…nhằm bảo vệ tài nguyên rừng".
Món rau hoa đu đủ đực xào-món đặc sản giữa núi rừng Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Thượng
Những luống rau cải thiện thêm bữa ăn hằng ngày của cán bộ tại Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa. Ảnh: Vũ Thượng.
Nói về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, anh Duyệt thổ lộ, từ Trạm Vực Dựa tới chợ rất xa nên chúng tôi thường có gì nấu đấy, những mớ rau rừng hái được trên đường đi tuần tra về, một ít cá, cua anh em soi đèn tại các khúc suối từ đêm hôm trước. Đó là những món ăn hằng ngày của tôi, cùng anh em trong trạm Vực Dựa"
Cũng theo anh Duyệt, tranh thủ những hôm đi làm về sớm, các anh, em còn cuốc đất quanh nhà để trồng thêm ít rau như: Rau đay, mồng tơi, rau cải,…Và chúng tôi còn nuôi mấy con gà đẻ trứng để cải thiện thêm bữa ăn hằng ngày. Trước kia còn có nuôi đàn dê, nhưng sau thời gian con dê hay bị "mất tích" giảm số đàn, nghi do con bắt.
Công việc, cũng như cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của những người bảo vệ rừng tại Trạm Vực Dựa rất khó khăn, vất vả,…nhưng họ luôn lạc quan, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Được biết, trong căn nhà 3 gian được xây dựng từ năm 2008, là nơi sinh hoạt của anh Thìn, cùng một cán bộ bảo vệ rừng khác, họ đến từ những vùng quê khác nhau, vì tình yêu với rừng mà nhiều năm nay không ngại khó khăn, vất vả để bảo vệ rừng thêm xanh.
Trạm Vực Dựa hiện không có điện lưới, nhưng đã được Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng đầu tư một tấm pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, về mùa này ánh sáng yếu, lượng điện tích tụ không nhiều nên chỉ đủ thắp một bóng đèn vào đầu tối là hết. Ngoài ra, tại đây còn thiếu nước sạch, chủ yếu dùng nước mưa phục vụ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.
Trạm Vực Dựa nằm giữa rừng đại ngàn bởi thế sóng điện thoại rất kém, các thông tin công việc thường có người đi vào gặp trực tiếp để trao đổi. Đặc biệt, hằng năm vào tháng 7-9, mưa lớn Trạm Vực Dựa hầu như bị cô lập hoàn toàn.
Sự có mặt của chúng tôi đã tạo thêm không khí vui tươi giữa rừng đại ngàn. Tất cả cùng quây quần trong căn bếp nhỏ, ánh lửa sáng lên đã tạo nên sự ấm áp, át đi cái lạnh giá, tiếng gió hú gào giữa núi rừng.
Bữa tối của chúng tôi với các món ăn "đặc sản" như: Cá kho, hoa đu đủ xào, trứng rán, canh rau cải…Bên cạnh đó, là một nồi cơm trắng thổi đầy để mọi người cùng ăn, và đằng sau những bữa ăn tối là tiếng nói cười rộn vang cả cánh rừng.
"Được thành lập năm 1984, có tên là Lâm trường sông Chàng, đến năm 2006 đổi tên thành Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng. Tổng diện tích được giao 8.179,81 ha, với 19 cán bộ, viên chức lao động. Nhiệm vụ chính Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng là quản lý, bảo vệ, phát triển và phòng cháy chữa cháy rừng', ông Dương Trọng Đắc-Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật-Bảo vệ rừng cho biết.