Chương trình OCOP được tỉnh Đắk Lắk xác định là nhiệm vụ quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, các cấp, ngành đã tích cực hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các địa phương và các chủ thể lựa chọn sản phẩm đặc trưng, triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn, đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Đồng thời, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP đặc trưng vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm... Từ đó, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hộ sản xuất - kinh doanh tham gia, mang lại kết quả tích cực.
Đến nay, toàn tỉnh có 248 sản phẩm OCOP (3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 42 sản phẩm đạt 4 sao và 203 sản phẩm đạt 3 sao). Hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã tăng giá trị, lợi thế cạnh cạnh tranh, mở rộng thị trường, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất, doanh thu, lợi nhuận.
Tham gia chương trình OCOP, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã hoàn thiện quy trình sản xuất hiện đại để đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến và nâng tầm giá trị sản phẩm. Điển hình là Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng. Để xây dựng vùng nguyên liệu nấm sạch, doanh nghiệp đã đầu tư trang trại nấm với quy mô 6.000m2 dưới mái năng lượng mặt trời tại xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột.
Trang trại được kết hợp với dây chuyền sản xuất, trang thiết bị hiện đại, quy trình nuôi trồng, chăm sóc khoa học và được giám sát bởi đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Hiện doanh nghiệp đang tập trung sản xuất các sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu, cung cấp ra thị trường từ 30 đến 50 tấn nấm tươi/năm và 5 đến 10 tấn nấm khô dược liệu/năm.
Đơn vị hiện đã có 4 sản phẩm nấm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 3 sao; tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Đây cũng là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận là điểm du lịch Làng nấm Thành Đồng.
Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được những vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm thế mạnh.
Như hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thăng Bình, huyện Krông Bông là một trong những đơn vị liên kết sản xuất lúa quy mô lớn. Để phát triển được vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, cung cấp ra thị trường sản phẩm lúa gạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Hợp tác xã đã liên kết với hàng trăm hộ dân trong vùng để sản xuất lúa ST24 và ST25 theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô trên 800 ha.
Từ thành công trong thay đổi phương thức sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thăng Bình đã liên kết đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến hiện đại và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm "Gạo sạch Thăng Bình HTB". Nhờ đó, sản phẩm gạo của hợp tác xã đã khẳng định được chất lượng và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Điều này cũng giúp nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm và cải thiện thu nhập.
Đến nay, sản phẩm gạo sạch Thăng Bình HTB cũng đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; tiếp cận thị trường của nhiều tỉnh thành trong nước và xuất khẩu quốc tế.
Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang khẳng định là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, tạo sức bật cho kinh tế nông thôn. Ngoài việc tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn còn góp phần thúc đẩy hướng đi phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Chương trình còn giúp các chủ thể chủ động trong phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối, tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình MTTQ xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, để phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục phối hợp thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn lực ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng tham gia Chương trình.
Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý Chương trình và sản phẩm OCOP; kiến thức quản lý sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể.
Khuyến khích các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm...
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được công nhận; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP...