Dân Việt

Những thách thức chờ đón Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh tháo gỡ

Thế Anh 29/11/2024 12:31 GMT+7
Với khối lượng nhiều dự án lớn sẽ được thực hiện, “gánh nặng" triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, giải ngân đầu tư công, đang đặt lên vai ngành GTVT và đây là một trong những thách thức đang chờ đợi tân Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh.

Ngày 28/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã phê chuẩn bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhiệm kỳ 2021 – 2026, thay ông Nguyễn Văn Thắng - người cũng vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Những thách thức chờ đón Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh tháo gỡ- Ảnh 1.

Tân Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh. Ảnh: Quốc hội

Thách thức của tân Bộ trưởng Trần Hồng Minh

Ngồi vào "ghế nóng" tại Bộ GTVT, Bộ trưởng Trần Hồng Minh sẽ có nhiều thách thức đang chờ đợi phía trước với hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai.

Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Minh sẽ sớm bắt tay vào công việc thực hiện hoá 5 Quy hoạch ngành quốc gia đối với các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải gồm có đường bộ; đường sắt; cảng biển; cảng hàng không - sân bay và đường thủy nội địa.

Tất cả 5 quy hoạch này là nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ giao cho Bộ GTVT thực hiện triển khai đồng loạt cả 5 quy hoạch để so sánh, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp trên từng lĩnh vực, tuyến, xác định thế mạnh đưa ra quy hoạch tốt nhất.

Những thách thức chờ đón Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh tháo gỡ- Ảnh 2.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đã được đưa vào khai thác.

Thách thức đầu tiên phải kể đến là nhiệm vụ hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Hiện nay, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông (giai đoạn I) đã được hoàn thành 11 dự án thành phần nối liên thông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên 2.021 km.

Cùng đó, ngành giao thông được giao kế hoạch vốn đầu tư công lớn nhất cả nước, kết quả giải ngân luôn cao hơn trung bình cả nước, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần được sớm tháo gỡ phấn đấu hoàn thành đồng bộ 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 theo mục tiêu đã đề ra.

Tại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (gồm 12 dự án thành phần) đang được đồng loạt triển triển khai. Trong 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, có 7 dự án sẽ hoàn thành giữa năm sau, số còn lại được đẩy tiến độ để phấn đấu thông xe cuối năm 2025.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, tổng sản lượng thi công của 12 dự án cao tốc đã đạt trên 45.071 tỷ đồng, tương đương hơn 47% tổng mức đầu tư.

Cụ thể, 7 dự án thành phần có thể hoàn thành tuyến chính đúng dịp 30/4/2025, vượt tiến độ yêu cầu từ 3 đến 6 tháng. Đó là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.

Các dự án đang có sản lượng thực hiện đạt trên 50% gồm Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Vân Phong - Nha Trang. Riêng dự án Vũng Áng - Bùng đạt 62%, Vân Phong - Nha Trang đạt 67% giá trị hợp đồng.

Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong (Phú Yên, Khánh Hòa) đạt khoảng 46% giá trị hợp đồng. Trong đó, hạng mục hầm đường bộ Tuy An dài hơn 1 km gặp địa chất yếu, đá phong hóa, cát chảy nhiều, khác hoàn toàn khảo sát thiết kế ban đầu. Vì vậy nhà thầu bị phát sinh chi phí xử lý và kéo dài thời gian thi công.

Riêng dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau đạt khối lượng khoảng 40%, tiến độ còn chậm so với kế hoạch do thời gian qua còn thiếu hụt về vật liệu đắp, chậm giải phóng mặt bằng.

Với những dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam trọng điểm nêu trên đều có khối lượng công việc rất lớn để đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án. Vấn đề giải quyết nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án đang là "thách thức" rất lớn chờ tân Bộ trưởng Bộ GTVT đi tìm lời giải đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

Hiện thực hoá dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, thách thức tiếp theo đang chờ tân Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh "hoá giải" đó là tiến độ thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được gấp rút triển khai giai đoạn 1.

Những thách thức chờ đón Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh tháo gỡ- Ảnh 3.

Dự án sân bay Long Thành.

Dự kiến, dự án hoàn thành vào năm 2025, tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về mặt bằng và vật liệu, dự án đã được Quốc hội thông qua lùi thời gian hoàn thành vào năm 2026.

Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 4,6 tỷ USD. Để có thể hoàn thành đồng bộ, đưa dự án về đích đúng hẹn theo chỉ đạo của Chính phủ thì việc đảm bảo tiến độ các dự án thành phần là điều kiện tiên quyết.

Cùng với đó là thách thức về việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Trong tháng 6/2022, Quốc hội xác định đây là dự án có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần phát triển đất nước.

Tuy nhiên, tính đến nay, vẫn còn một số đoạn tuyến chưa hoàn thành; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn thiếu tập trung, quyết liệt và chưa kịp thời đề xuất các giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm thực hiện đúng mục tiêu đề ra.

Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025 kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe, hoàn thành kiểm toán, quyết toán và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 66 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, báo cáo Quốc hội vào năm 2026...

Cuối cùng là loạt dự án đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội và TP.HCM đang triển khai thực hiện đầu tư.

TP.Hà Nội đặt mục tiêu sở hữu hệ thống đường sắt đô thị hiện đại gồm 15 tuyến vào năm 2045, với tổng mức đầu tư dự kiến 55 tỷ USD. Đến nay, TP.Hà Nội đang hoàn thành 2 tuyến đường sắt đưa vào khai thác gồm: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông; Đường sắt Nhổn – ga Cầu Giấy.

Cùng đó, là công việc mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển...

Những thách thức chờ đón Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh tháo gỡ- Ảnh 4.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng tạo ra nước đột phá về hạ tầng giao thông. Ảnh: AI

Thách thức lớn nhất cần sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Bộ trưởng Trần Hồng Minh chính là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Hiện nay, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương về chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Về phạm vi, quy mô và phương án thiết kế, quy hoạch đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi của Hà Nội và điểm cuối tại Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án được sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn: Khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).

Trong đó, các hạng mục chi phí bao gồm: Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 150.148 tỷ đồng (khoảng 5,9 tỷ USD); Chi phí xây dựng: 846.014 tỷ đồng (khoảng 33,25 tỷ USD); Chi phí thiết bị: 280.771 tỷ đồng (khoảng 11,03 tỷ USD); Chi phí quản lý dự án: 20.282 tỷ đồng (khoảng 0,8 tỷ USD); Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: 91.946 tỷ đồng (khoảng 3,61 tỷ USD); Chi phí khác: 22.986 tỷ đồng (khoảng 0,9 tỷ USD); Chi phí dự phòng (gồm lãi vay): 301.401 tỷ đồng (khoảng 11,85 tỷ USD); Quy mô công trình xây dựng trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Công trình cầu chiếm khoảng 60%; Công trình hầm chiếm 10%; Nền đường là khoảng 30%.

Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư dự án hoàn thành vào năm 2035 chúng ta sẽ bố trí trong 12 năm, mỗi năm bình quân là 5,6 tỷ USD".

Tất cả những dự án nêu trên chờ đón tân Bộ trưởng Bộ GTVT trong thời gian sắp tới tạo nên sự đột phá.

Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh (SN: 4/1/1967); Trình độ: Tiến sỹ Kỹ Thuật; Quê quán: Xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội; Uỷ viên Trung Ương Đảng khoá XII; Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng (9/2021); Đại biểu Quốc hội khoá XI; Nay là Bộ trưởng Bộ GTVT.

Tân Bộ trưởng Trần Hồng Minh vốn là người được rèn luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội.

Quá trình công tác: Từ 9/2000 - 8/2002 là Học viên Cao học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Tháng 9/2002 - 1/2003: Trưởng bộ môn Đường Quân sự, khoa Cầu đường Vượt sông, Trường Sĩ quan Công binh, Binh chủng Công binh.

Từ 2/2003 - 3/2007: Phó Trưởng Khoa Cầu đường Vượt sông, Trường Sĩ quan Công binh, Binh chủng Công binh. Tháng 4/2007 - 2/2009 : Trưởng Khoa Cầu đường Vượt sông, Trường Sĩ quan Công Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh.

Tháng 3/2009 – 3/2011: Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh. Tháng 4/2011 – 11/2011: Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh.

Tháng 12/2011 - 7/2014: Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, Binh chủng Công binh. Tháng 8/2014-4/2016: Thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng Công binh; Phó cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam.

Tháng 5/2016 - 8/2017: Phó Tư lệnh Quân khu 1. 9/2017 - 12/2017: Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 1. Tháng 1/2018 - 9/2019: Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1. Tháng 10/2019 – 9/2021: Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Tháng 9/2021 – 10/2024: Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng; Đại biểu Quốc hội khoá XV. Ngày 28/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã phê chuẩn bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhiệm kỳ 2021 – 2026.