58 thửa đất được đem ra đấu giá có diện tích từ 90 - 224 m2, với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m2. Hình thức đấu giá là cách bỏ phiếu trực tiếp tối thiểu 6 vòng theo phương thức trả giá lên.
Tiền đặt trước đấu giá từng thửa đất bằng 20% giá trị thửa đất đấu giá theo giá khởi điểm, tương đương tiền đọc cọc dao động trong khoảng từ 223 triệu đồng đến gần 550 triệu đồng.
Trao đổi với Dân Việt ngay tối ngày 29/11, vị lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết: Khi phiên đấu giá 58 thửa đất đang diễn ra tới vòng thứ 6 thì có một nhóm khách hàng có hành vi "phá" đấu giá.
Huyện đang nhờ cơ quan công an vào cuộc, đồng thời làm báo cáo về vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền.
Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết
Cụ thể, nhóm người này đã trả giá thật cao đến mức phi lý từ các vòng đấu giá trước, cho đến khi tới vòng thứ 6 thì trả giá 0 đồng và không tiếp tục tham gia đấu giá. Dù bị phá nhưng phiên đấu giá vẫn tiếp tục diễn ra, những lô này sẽ được chính quyền sở tổ chức đấu giá lại trong thời gian tới, lãnh đạo UBND Sóc Sơn chia sẻ.
Được biết, tại phiên đấu giá này, có 3 lô xuất hiện hành vi "phá" này khi trả giá tới hơn 30 tỷ đồng/m2.
Các lô còn lại có giá trúng thấp nhất là 17,4 triệu đồng/m2 và cao nhất là 101,4 triệu đồng/m2.
Trong tháng 8 và 9, nhiều phiên đấu giá đất vùng ven Hà Nội đã bắt đầu nóng lên khi thu hút hàng nghìn người tham gia, thậm trí có những phiên đấu giá xuyên đêm, nhiều lô đất trúng đấu giá lập kỷ lục khi tới hơn 100 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, khi tái khởi động lại vào tháng 10, các phiên đấu giá này đang có dấu hiệu "hạ nhiệt" dần khi cả số lượng hồ sơ, người tham gia đấu giá đều giảm bớt. Giá trúng đấu giá cũng không còn quá cao như trước.
Ước tính từ đầu năm đến hết tháng 9, các quận, huyện tại Hà Nội thu tới hơn 11.000 tỷ đồng từ các phiên đấu giá quyền sử dụng đất.