Sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8, thị trường bất động sản Hà Nội liên tiếp ghi nhận những phiên đấu giá đất có hàng nghìn hồ sơ tham dự. Không ít phiên, giá đất được “thổi lên” gấp 5 - 14 lần giá khởi điểm, tiềm ẩn nhiều bất thường.
Gần đây, đấu giá đất ngoại thành Hà Nội lại thể hiện bất ổn với hiện tượng, trả giá vòng trước cao vống lên rồi vòng sau trả giá 0 đồng hoặc đồng loạt bỏ về khi đang đấu giá. Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về sự mới xuất hiện của "virus phá bĩnh" đấu giá đất.
Phiên đấu giá 58 thửa đất ở huyện Sóc Sơn ngày 29/11 diễn ra bình thường từ đầu. Nhưng, đến vòng đấu thứ 5, xảy ra hiện tượng bất thường là hơn 40 lô đất được một nhóm khách hàng trả tới mức giá rất cao. Trong đó, có 3 lô được trả tới trên 30 tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, ngay vòng đấu giá kế tiếp, khách hàng T. này trả giá 0 đồng khiến 3 lô đất này được trả hơn 30 tỷ đồng/m2 bị "treo".
Hay tại phiên đấu giá 22 thửa đất ở huyện Thanh Oai ngày 301/11, khi diễn ra đến vòng thứ 3, một số lô đất được trả cao bất thường lên hơn 70 triệu đồng/m2. Với thủ đoạn tương tự, các lô đất có giá cao bất thường này bị "bỏ bom", không ai trả giá. Toàn bộ phiên đấu giá 22 lô đất bất thành, phải tổ chức lại.
Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, đã bàn giao cho phía cơ quan công an làm rõ động cơ của nhóm khách hàng có hành vi "phá" đấu giá.
Ông Chu An Trường, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ TN-MT, thừa nhận, pháp luật hiện nay chưa có quy định nào nói về việc "phá" đấu giá. Quy định hiện hành chỉ đề cập các trường hợp xử lý bỏ cọc. Vấn đề này liên quan đến pháp luật đấu giá nên các phải phụ thuộc vào Luật Đấu giá tài sản.
Về vụ việc tại huyện Sóc Sơn, ông Trường cho hay, phía Bộ TN-MT cũng đã nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, việc này thuộc thẩm quyền địa phương xử lý. Còn phía Bộ TN-MT trước đó cũng đã ban hành nhiều văn bản, thông tư liên quan đến công tác đấu giá nhằm chấn chỉnh lại tình hình đấu giá đất.
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đã phân cấp thuộc thẩm quyền UBND cấp quận, huyện, thị xã.
"Trong quá trình tổ chức đấu giá nếu xảy ra các vấn đề phát sinh, UBND cấp quận sẽ chịu trách nhiệm xử lý. Trường hợp như người trả giá cao bất thường ở Sóc Sơn cũng vậy", vị này cho biết.
Những lời biện minh như là vì tự ái, vì khẳng định bản thân hay nâng tầm địa vị quốc gia thực chất là sự bồng bột, cố tình coi thường pháp luật.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng nếu cơ quan chức năng chứng minh rõ được động cơ "phá bĩnh" thì cần xử lý nghiêm, không loại trừ trường hợp hình sự hóa.
"Đây là những kẻ cố tình coi thường pháp luật, Nhà nước nếu chỉ xử lý hành chính thì khó đủ sức răn đe. Phạt thật nặng để làm gương thì sau đó các phiên đấu giá đất sẽ được tổ chức, thực hiện nghiêm túc, đúng với quy định pháp luật", ông Thịnh bức xúc.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng cần ban hành bộ luật đấu giá tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên Nhà nước riêng. Trong đó, phải lưu ý xác định lại giá khởi điểm làm sao cho sát với thị trường.
Đồng thời, ông Võ đề xuất điều chỉnh tăng tiền cọc bằng cách lấy tổng diện tích thửa đất đưa ra đấu giá nhân với mức giá khởi điểm, kết quả ra bao nhiêu thì đó chính là tiền đặt cọc tối thiểu.
Ví dụ: Thửa đất đưa ra đấu giá là 100 m2; giá khởi điểm được xác định 10 triệu đồng/m2, thì người tham gia cần đặt cọc tối thiểu 1 tỷ đồng mới được vào đấu giá.
Hiện, mức tiền cọc chỉ là 20% tổng giá trị thửa đất theo giá khởi điểm, trong khi giá khởi điểm thấp hơn khoảng 10 lần giá thị trường. Tiền đặt cọc quá thấp nên khách hàng không ngần ngại bỏ cọc.
Ông Võ chia sẻ
Theo ông Võ, nếu thực hiện được sẽ là mũi tên trúng hai đích, vừa để sàng lọc năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, vừa để phiên đấu giá tiếp cận với người có nhu cầu ở thực hơn là hội nhóm đầu cơ, lướt sóng.
Đồng thời, ông Võ đề xuất phải có thêm quy định về việc khách hàng buộc cam kết đưa đất đấu giá vào khai thác sử dụng chứ không được chuyển nhượng trong khoảng thời gian nhất định.
Tại diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói" vào ngày 24/11 mới đây, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh để khắc phục các bất cập trong đấu giá đất, ngăn tình trạng "thổi" giá đất hòng trục lợi, địa phương cần công khai minh bạch về kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nhất là tại khu vực đấu giá.
Trong đó, các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở để định giá khi đấu giá đất.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, vừa qua có một số địa phương được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn lấy giá đất khi chưa có đầu tư về hạ tầng để làm giá khởi điểm. Việc này dẫn đến giá khởi điểm tính đấu giá với giá khu đấu giá có khoảng cách lớn, dẫn đến nhiều đối tượng mong muốn thông qua đấu giá để mua trục lợi.
Để ngăn chặn hành vi xấu, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, các tỉnh, thành phố có thể nghiên cứu quy định rút ngắn thời gian nộp tiền đấu giá và công khai các trường hợp trúng giá cao bỏ cọc, tránh trường hợp trục lợi.